Từ xa xưa, theo phong tục của người Mông nơi đây, khi gia đình có người thân qua đời phải để trong nhà 7 ngày, 7 đêm; mổ trâu, mổ bò làm ma chay linh đình... Nếu gia đình có người mất không có trâu, bò, lợn để cúng tế thì phải đi vay mượn khắp nơi, thậm chí đổi ruộng đất lấy gia súc để làm ma. Hệ lụy sau mỗi đám tang là những món nợ lớn về kinh tế khiến những hộ vốn đã nghèo càng thêm kiệt quệ…

Đến tận bây giờ, những món nợ sau đám tang của bố vẫn hiện hữu, đeo bám gia đình anh Sùng Mí Dính, người dân tộc Mông thôn Sủng Lủ, xã Lũng Chinh, huyện Mèo Vạc ngay cả trong từng bữa ăn giấc ngủ.

Thi hài người chết treo trên một chiếc cáng tre 5-7 ngày mới đem chôn cất.

Anh Dính chia sẻ: Cách đây hơn 4 năm, bố mất, gia đình có con bò là tài sản duy nhất có giá trị nhưng không còn cách nào khác phải đem ra để làm ma. Nhưng như thế là chưa đủ, gia đình anh còn phải đi vay mượn của anh em, họ hàng về tổ chức đám tang. Bao nhiêu bò, lợn, dê mượn được cũng đều phải mổ hết...

Sau đám tang, tài sản gia đình chẳng còn lại gì. Riêng những món nợ (bò, lợn, dê) của họ hàng mang đến cúng tế trong đám tang của bố, anh nhẩm tính cũng lên tới hàng chục triệu đồng.

“Gia đình hiện nay còn mẹ già và 3 đứa con nheo nhóc, đứa lớn năm nay mới vào lớp 1. Để lo đủ cho 6 miệng ăn và có tiền trả nợ, mình cũng đi tận Bắc Ninh để kiếm việc làm, người ta thuê gì thì mình làm đó, nhưng do không có trình độ, công việc bấp bênh, nên cũng không kiếm được bao nhiêu. Con cái còn nhỏ lại ốm đau thường xuyên nên cũng chạy chữa nhiều. Đến giờ gia đình vẫn đang nợ nhiều lắm, đi làm xa nhà, mỗi lần nhận được điện thoại của vợ chỉ sợ nghe tin họ hàng có người mất, mình phải lo tiền để mua bò đi trả, mà tiền đâu để đi mua bò?”, anh Dính buồn bã nói.

Các địa phương của huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tăng cường tổ chức hội thi về xóa bỏ hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Sùng Mí Nô, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Chinh (xã có 88% dân số là đồng bào Mông) huyện Mèo Vạc cho biết, từ xa xưa người Mông quan niệm, khi có người mất, làm đám ma càng lâu, mổ càng nhiều bò, lợn, dê, người chết sẽ có thêm nhiều của cải để khi về thế giới bên kia sẽ có cuộc sống sung túc, no đủ hơn, không phải chịu cảnh nghèo đói cơ hàn như khi còn sống. Bởi thế, trong đám tang, toàn bộ số trâu bò được dắt đến sẽ mang ra giết mổ cúng tế, thiết đãi họ hàng. Tính ra, chi phí cho một đám tang lên tới hơn 100 triệu đồng đối với hộ giàu, hộ nghèo thì cũng tiêu tốn chừng 50 triệu đồng.

Không chỉ gây kiệt quệ về kinh tế, việc để người chết ở giữa nhà trong gần 1 tuần mới được đưa đi an táng, đến huyệt mới cho vào áo quan… cũng là nỗi ám ảnh với người còn sống. Cùng với đó là nhiều hệ lụy về bệnh dịch, môi trường.... Hủ tục này lẩn khuất, đeo bám, là một trong những nguyên nhân dẫn tới đói nghèo của đồng bào Mông nơi đây.

Dòng họ Sùng, thôn Tìa Chí Dùa, thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) ký cam kết thực hiện xóa bỏ hủ tục trong đám tang. 

Trước thực trạng đó, thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU, ngày 10-5-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy bài trừ các hủ tục vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và Nghị quyết số 27-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang, ngày 1-5-2022, về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân các dân tộc tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 27).

Với những mục tiêu được Nghị quyết 27 đề ra như, 100% cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp gương mẫu thực hiện; phấn đấu hết năm 2025 hơn 75% các hộ gia đình nhận thức rõ về hủ tục lạc hậu; năm 2030, cơ bản thực hiện xóa bỏ các hủ tục lạc hậu… Mèo Vạc đã thành lập Ban Chỉ đạo các cấp và người đứng đầu cấp ủy là trưởng ban chỉ đạo; gắn nhiệm vụ này vào các nghị quyết chuyên đề, chương trình, kế hoạch hành động, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn hằng năm của các cơ quan, đơn vị, địa phương và từng cán bộ, đảng viên; công tác tuyên truyền được tổ chức đa dạng, phong phú, linh hoạt bằng nhiều hình thức; 100% thôn, tổ dân phố thành lập Tổ tuyên truyền, vận động; phát huy tốt vai trò của Hội nghệ nhân dân gian, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng…

Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) tập trung hỗ trợ, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. 

Chị Thào Thu Nga, Bí thư Huyện đoàn Mèo Vạc bày tỏ: “Là lực lượng trẻ, chủ nhân tương lai của những xã, thôn vùng cao; lực lượng đoàn viên ở các địa phương tích cực tham gia xây dựng các kịch bản tuyên truyền qua hình thức sân khấu hóa, hội thảo, hội thi, chú trọng nội dung phù hợp với từng địa bàn, từng dân tộc”.

Bí thư Đảng ủy xã Lũng Chinh, Sùng Mí Nô chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện Nghị quyết, chúng tôi xác định không nóng vội mà phải làm từng bước, việc gì dễ làm trước, việc gì khó làm sau; công tác xóa bỏ hủ tục được triển khai đến từng thôn, tổ dân phố, từng dân tộc, dòng họ; đưa vào hương ước, quy ước thôn; phân công các đồng chí cấp ủy viên theo dõi, đôn đốc từng địa bàn; tổ chức ký cam kết giữa cấp ủy với các chi bộ, chi bộ với đảng viên để triển khai thực hiện”.

Nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đến này đồng bào Mông xã Lũng Chinh đã có sự chuyển biến tích cực trong đời sống, sinh hoạt, đồng tình cam kết thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang, việc cưới và lễ hội…

Đồng chí Phạm Văn Hợp, Bí thư Đảng ủy thị trấn Mèo Vạc cho biết, nhằm xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở người Mông; Đảng ủy thị trấn tập trung chú trọng phát huy vai trò của các trưởng dòng họ, việc nêu gương của đảng viên, các đảng viên không chỉ gương mẫu đi đầu trong thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong dòng họ và nơi ở, họ còn tích cực tuyên truyền vận động các dòng họ khác trong thôn thực hiện. Nhờ đó thị trấn Mèo Vạc đã tuyên truyền, vận động thành công dòng họ Sùng ở thôn Tìa Chí Dùa thực hiện đưa thi hài người chết vào áo quan trước khi tổ chức các nghi lễ trong đám tang - Đây là tiêu chí khó tuyên truyền, vận động nhất trong xóa bỏ hủ tục đám tang của đồng bào Mông Mèo Vạc.

Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào.

Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, quá trình xóa bỏ hủ tục trong đời sống đồng bào Mông xuất hiện không ít yếu tố bất lợi như: Các hủ tục vốn tồn tại lâu đời trong nhận thức, đời sống tín ngưỡng của người dân; nhiều trưởng dòng họ, các bậc cao niên còn tư tưởng bảo thủ, muốn duy trì tập tục xưa, chưa tiếp nhận việc xây dựng nếp sống văn minh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở chưa phát huy tốt vai trò phối hợp, thống nhất hành động; chưa phát huy được các Hội nghệ nhân dân gian (thầy cúng, thầy khèn), người có uy tín trong việc xây dựng, thống nhất nội dung xóa bỏ hủ tục...

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí là người đứng đầu cấp ủy chưa gương mẫu thực hiện, chưa thuyết phục được gia đình, dòng họ thực hiện xóa bỏ hủ tục làm ảnh hưởng đến việc tuyên truyền, vận động để người dân noi theo…

Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mèo Vạc, Vương Thị Thủy khẳng định: “Dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những thay đổi tích cực trong nhận thức, tư duy, chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn, chính là minh chứng Nghị quyết 27 rất trúng, đúng với tâm nguyện của nhân dân; sự đoàn kết, đồng lòng và nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nhân lên niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số với Đảng.

Xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh góp phần nâng cao đời sống người dân huyện vùng cao biên giới Mèo Vạc (Hà Giang). 

Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị, từ năm 2022 đến tháng 8-2024 toàn huyện Mèo Vạc đã tuyên truyền, vận động thành công 207/721 người chết đưa thi hài vào áo quan, 513 đám tang không quá 48 giờ; 583 đám tang chỉ giết mổ 1 con gia súc...

Hành trình xóa bỏ hủ tục lạc hậu ở huyện vùng cao biên giới Mèo Vạc còn nhiều gian nan, nhưng với các giải pháp khoa học, bài bản, kiên trì, phù hợp với từng địa phương, dân tộc, sự nỗ lực cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng vào cuộc đẩy lùi hủ tục, đồng thời gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần giúp đồng bào Mông Mèo Vạc vững bước tiến lên xây dựng cuộc sống ấm no, văn minh ở mỗi bản làng.

Bài, ảnh: HÀ LINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.