Những ngày cuối năm, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (DTNT) Trung học cơ sở (THCS) Cư M’gar (huyện Cư M’gar, Đắk Lắk) thêm rộn ràng khi nhà trường mời nghệ nhân cùng tham gia hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc với nghề làm rượu cần truyền thống của người Ê Đê vào dịp Tết. Đây là thức uống đặc biệt không thể thiếu trong nghi thức cúng Yang (thần linh), các dịp lễ, Tết của bà con các dân tộc Tây Nguyên. Loại rượu này được lên men từ gạo trồng trên nương kết hợp cùng nhiều nguyên liệu tự nhiên khác như vỏ, lá cây rừng... Tất cả được quyện chặt vào nhau theo bí quyết riêng của người nghệ nhân.

leftcenterrightdel
 Các em học sinh tham gia làm rượu cần.
leftcenterrightdel
 Các em cùng nhau thưởng thức món xôi ngũ sắc.

Được nghệ nhân trực tiếp chỉ dạy tận tình, các em học sinh rất phấn khởi, háo hức. Em H’Rên Niê Kđăm (người Ê Đê, học sinh lớp 8, Trường Phổ thông DTNT THCS Cư M’gar) chia sẻ: "Thông qua buổi truyền dạy đầy tận tình, tâm huyết của nghệ nhân, em không chỉ biết cách làm ra ché rượu cần mà còn biết về nguồn gốc ra đời, ý nghĩa của thức uống được dùng để dâng lên thần linh này. Từ kiến thức này, em tự tin kể cho các bạn và những ai muốn tìm hiểu hơn về văn hóa rượu cần của dân tộc mình".

leftcenterrightdel
Các em học sinh giới thiệu trang phục truyền thống của dân tộc mình. 
leftcenterrightdel
  Học sinh tìm hiểu văn hóa qua trang sách.

Em H’Rên Niê Kđăm cho biết thêm, tình yêu văn hóa dân tộc trong em được nuôi dưỡng mỗi ngày qua lời dạy của ông bà, cha mẹ và các thầy cô giáo. Ông bà, cha mẹ hay giải đáp những câu hỏi vì sao của em như: Tục nối dây là gì? Ý nghĩa của phong tục này ra sao? Vì sao người Ê Đê có nghi thức cúng lúa mới? Thậm chí, em còn tìm đến già làng để biết hơn về các nghi lễ truyền thống của người Ê Đê.

Diện bộ trang phục truyền thống của người Tày, em Đàm Hà Kiều Ngân, Lớp 7 - Trường Phổ thông DTNT THCS Cư M’gar, rất tự hào vì mình là một phần trong 54 dân tộc anh em. Em Ngân cho biết, mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng từ trang phục cho đến các món ăn, nhạc cụ. Như người Tày có nghệ thuật đàn tính hát then, có bánh tro, bánh giầy, xôi ngũ sắc… Bên cạnh việc học tập, em Ngân cũng dành nhiều thời gian tìm hiểu, giới thiệu cho học sinh, thầy cô giáo trong trường về các nét văn hóa đặc trưng của người Tày.

Ông Nguyễn Huy Hoan, Hiệu trưởng Trường Phổ thông DTNT THCS Cư M’gar cho biết, trường có 155 học sinh của 13 dân tộc thiểu số học tập, trong đó học sinh người Ê Đê chiếm 70%. Ngoài làm tốt công tác chuyên môn, nhà trường còn chú trọng giáo dục nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh toàn trường. Điều này không chỉ giáo dục cho các em thêm hiểu và yêu hơn bản sắc văn hóa mà còn đánh thức, nhân lên niềm tự tôn dân tộc ngay trong mỗi học sinh.

leftcenterrightdel
 Học sinh của trường biểu diễn tiết mục văn hóa truyền thống.
leftcenterrightdel

Các em nhỏ được người thân hướng dẫn tìm hiểu văn hóa dân tộc.

“Mỗi học sinh của trường là đại diện văn hóa cho một dân tộc. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để học sinh được tìm hiểu, trải nghiệm các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và tiếp xúc với các giá trị văn hóa của dân tộc khác, thắt chặt khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Hoan nói. Ông cũng cho biết thêm thời gian qua, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động như mời nghệ nhân đến trường dạy các em học nghề truyền thống như làm rượu cần, dệt thổ cẩm, dạy chơi các nhạc cụ dân tộc; tổ chức hoạt động sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh như thi thời trang, nấu các món ăn truyền thống, thi các loại nhạc cụ dân tộc... Những hoạt động trên đã góp phần giúp các em thêm hiểu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, cùng nhau học tập, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau xây dựng buôn làng, quê hương giàu mạnh, đậm đà bản sắc.

PHƯƠNG KHÁNH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.