Chất nghệ thuật lôi cuốn, hấp dẫn

Đề cập đến phim hoạt hình, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhận định: “Đây là thể loại phim có tác dụng lan tỏa thông điệp nhân văn, từ đó khai thác và quảng bá giá trị văn hóa Việt Nam, xây dựng sức mạnh mềm của quốc gia, thương hiệu quốc gia”.

Tiếp nối thành công của các phim lịch sử sản xuất trước đó như: “Nữ tướng Mê Linh” (Giải thưởng Ban giám khảo Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, Cánh diều Bạc 2022), “Bạch Đằng nổi sóng”, “Đại Hành Hoàng đế”, “Kỳ tích đầm Dạ Trạch”... Hãng phim Hoạt hình Việt Nam năm 2023 ghi thêm dấu ấn trong việc đầu tư cho dòng phim “khó tính” này 3 bộ phim mới, gồm: “Đinh Tiên Hoàng đế”, phim cắt giấy 2D, dài 30 phút; “Tiếng cồng núi Nưa”, phim hoạt họa, dài 30 phút và “Anh hùng núi Tản”, phim 3D, dài 30 phút. Cả 3 bộ phim đều được Hội đồng duyệt phim ngắn Quốc gia (Cục Điện ảnh) đánh giá là những phim hoạt hình có kịch bản hấp dẫn, được các đạo diễn, họa sĩ đầu tư, tìm tòi công phu, hoành tráng. Các phim đã được cấp phép, phổ biến công chiếu phục vụ công chúng dịp Tết Giáp Thìn 2024.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh trong phim hoạt hình “Tiếng cồng núi Nưa”. Ảnh: Hãng phim Hoạt hình Việt Nam

Đạo diễn Vũ Duy Khánh, kiêm họa sĩ phim “Tiếng cồng núi Nưa” cho biết, khi nhận kịch bản này, anh rất hứng thú bởi đây là một kịch bản nói về thân phận người phụ nữ, nhân vật lịch sử mà chất nghệ thuật vô cùng phong phú, gắn với câu chuyện lịch sử còn vang vọng trong sử sách.

“Tiếng cồng núi Nưa” kể câu chuyện về Bà Triệu (Triệu Thị Trinh) gắn với cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Bộ phim ca ngợi khí phách anh hùng, tinh thần bất khuất, không chịu cúi đầu làm nô lệ, làm ngời sáng phẩm chất kiên trinh của người phụ nữ Việt Nam. Kết hợp với âm nhạc hào hùng mang tính sử thi, nhân vật Bà Triệu trong “Tiếng cồng núi Nưa” được đạo diễn Vũ Duy Khánh thể hiện theo phong cách mộc mạc, không nặng về hiệu ứng, kỹ xảo, bởi đây là phim vẽ tay truyền thống. Điều này đem đến cho người xem sự cuốn hút về hình ảnh nhân vật Bà Triệu không bị đóng khung trong những trang lịch sử mà trở nên gần gũi, có sức sống, có tâm hồn, tình cảm, tạo được sự yêu mến của khán giả nhỏ tuổi.

Làm nên yếu tố hấp dẫn cho phim hoạt hình sử Việt, theo nhà biên kịch Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Kịch bản, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, khi làm phim, hãng theo nguyên tắc tôn trọng lịch sử, tính chính thống, chính xác của lịch sử. Bên cạnh đó, hãng hướng tới khai thác những chuyện hay, chuyện đẹp trong lịch sử để tạo nên bộ phim hấp dẫn, từ đó kích thích các em tự tìm đến những tư liệu, tài liệu lịch sử để học. “Không phải là một bộ phim để dạy lịch sử, nhưng lại gián tiếp thúc đẩy tình yêu của các em với môn Lịch sử”, nhà biên kịch Phạm Thanh Hà chia sẻ.

Kỳ vọng vào phim lịch sử Việt

Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho hay, một trong những nỗ lực hai năm qua là trong kỳ nghỉ hè, Hãng phim Hoạt hình Việt Nam phối hợp với Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) tổ chức chiếu phim hoạt hình Việt Nam miễn phí phục vụ khán giả. Thông qua việc thăm dò ý kiến khán giả (bằng phiếu điều tra tại rạp chiếu), 90% khán giả đến xem phim bày tỏ sự yêu thích và có nguyện vọng được tiếp tục xem phim hoạt hình Việt Nam tại rạp, trong đó mong muốn có nhiều phim về đề tài lịch sử.

leftcenterrightdel
 Hình ảnh trong phim hoạt hình “Đinh Tiên Hoàng đế”. Ảnh: Hãng phim Hoạt hình Việt Nam

Cũng theo Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Ngọc Tuấn, trong năm qua, khâu kịch bản đã đáp ứng được yêu cầu về thời gian, thời lượng, phục vụ sản xuất các bộ phim hoạt hình về đề tài lịch sử. Thông qua các trại sáng tác, hãng đang từng bước nâng cao trình độ đội ngũ làm phim, cộng tác viên, mở rộng và bồi dưỡng những cây bút trẻ phục vụ chiến lược nâng cao chất lượng kịch bản phim hoạt hình về đề tài này. Bên cạnh đó cũng nâng cao trình độ kỹ thuật, kỹ xảo để phim hoạt hình Việt có những bước tiến vượt bậc, nhất là có thể đưa được ra rạp công chiếu phục vụ đông đảo đối tượng khán giả.

 Bà Lý Phương Dung, Phó cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, trong những năm trở lại đây, phim hoạt hình Việt Nam đã có những bước phát triển rõ rệt. Nếu trước đây khán giả biết phim hoạt hình chỉ qua Hãng phim Hoạt hình Việt Nam thì nay đã có hàng trăm đơn vị sản xuất, nhiều đơn vị thắng lớn về mặt doanh thu và thương hiệu; trong đó rất nhiều đơn vị đã mạnh dạn sản xuất phim hoạt hình về đề tài lịch sử, dã sử. Nổi bật như Công ty Cổ phần Dịch vụ văn hóa truyền thông Sáng Ý (Dee Dee Animation Studio) có series phim "Trưng Vương" 7 tập về các nữ tướng thời Hai Bà Trưng, phim "Đại Vương: Xin hãy tiết chế" (khai thác về cuộc đời Trần Hưng Đạo), "Yêu Kiều" (lấy cảm hứng từ "Truyện Kiều" của Nguyễn Du); Công ty TNHH Truyền thông Colory (Colory Animation Studio) với “Con Rồng cháu Tiên”, “Tản Viên Phong Châu”...

Ngoài ra còn có những nhóm sáng tạo trẻ làm phim chiếu trên các nền tảng số như: Nhóm Đuốc Mồi nổi bật với dự án "Việt sử kiêu hùng"-dự án phim dã sử theo phong cách diễn họa "animation" (tạo ra sự sống), đến nay, nhóm đã cho ra mắt hàng chục tập phim diễn họa lịch sử ấn tượng như: "Lý Thường Kiệt đại chiến Như Nguyệt giang", "Huyết mạch Trần gia"... Với Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, mỗi năm được Nhà nước đặt hàng 30-35 bộ phim nhưng phần lớn là những bộ phim ngắn chỉ 10-15 phút. Những phim lịch sử kể trên dài 30 phút và có phim dài tới 930 phút thực sự là dấu ấn của phim hoạt hình trong nước về đề tài khó làm này.

 “Chúng ta có tiềm năng, tiềm lực để phát triển phim hoạt hình, nhất là phim lịch sử. Tuy nhiên thời gian tới cần có sự hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước, không chỉ với những hãng phim Nhà nước mà với những công ty tư nhân để phát triển chung cho phim hoạt hình. Cần thay đổi cách đánh giá năng lực, cách thức sản xuất phim hoạt hình để tập hợp sức mạnh, từ đó mở ra hướng hợp tác quốc tế, tạo sự phát triển bền vững cho phim hoạt hình Việt Nam thành một ngành công nghiệp thực sự trong công nghiệp văn hóa Việt Nam”, bà Lý Phương Dung chia sẻ.

CHÂU XUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.