Ngay từ khi Trung ương, tỉnh có kế hoạch phân bổ nguồn vốn Chương trình 1719 giai đoạn 2021-2025, huyện Cầu Kè đã bắt tay vào triển khai xây dựng các công trình phục vụ người dân như công trình đường nhựa liên ấp Ô Tưng A-Ô Tưng B-Châu Hưng (xã Châu Điền) với tổng nguồn vốn gần 4 tỷ đồng. Công trình được đánh giá mang lại hiệu quả thiết thực cho bà con nơi đây. Ông Thạch Sal ở ấp Ô Tưng B cho biết: “Trước đây, do không có đường giao thông, bà con chủ yếu đi lại bằng ghe nên gặp rất nhiều khó khăn. Khi địa phương vận động hiến đất làm đường thì bà con rất đồng thuận. Từ khi có tuyến đường mới, người dân vô cùng phấn khởi, việc đi lại, buôn bán, vận chuyển hàng hóa đều thuận tiện”.

Những năm qua, xã Châu Điền đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển toàn diện trong vùng đồng bào Khmer, đặc biệt là các chính sách ưu đãi về hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi, đào tạo nghề... Trong hai năm 2022, 2023, xã Châu Điền có 25 hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc Khmer được hỗ trợ vay vốn để xây dựng nhà ở với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, xã còn vận động được 230 triệu đồng để hỗ trợ xây 5 căn nhà tình thương tặng các hộ nghèo. Chị Thạch Thị Sô Pha, ấp Ô Mịch, một trong những hộ được hỗ trợ vay vốn để cất nhà mới, cho biết: “Lúc trước, gia đình tôi ở trong ngôi nhà đã xuống cấp trầm trọng. Được Nhà nước cho vay vốn để xây căn nhà mới, tôi mừng lắm”.

leftcenterrightdel
Một góc huyện Cầu Kè. Ảnh: Báo Trà Vinh. 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Quốc Thuần, Chủ tịch UBND xã Châu Điền cho biết: “Chúng tôi đã tranh thủ các nguồn vốn để tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, thực hiện tốt các chính sách đối với đồng bào dân tộc Khmer. Sự chăm lo của Đảng, Nhà nước cùng với sự đồng lòng, quyết tâm vươn lên của người dân đã làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống của bà con được nâng lên, hiện thu nhập bình quân đạt hơn 65 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer chỉ còn 8 hộ (chiếm 0,24% tổng số hộ của xã)”.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Thạch Thị Sôm Oanh Na, Trưởng phòng Dân tộc huyện Cầu Kè cho biết: “Việc triển khai thực hiện Chương trình 1719 ở huyện đạt được nhiều kết quả như hỗ trợ vốn chuyển đổi nghề cho 69 hộ với kinh phí 2,79 tỷ đồng; hỗ trợ đất ở cho các hộ nghèo tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho 10 ấp đặc biệt khó khăn với kinh phí thực hiện 6,3 tỷ đồng... Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các phòng, ban có liên quan cũng như UBND các xã, thị trấn tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện triển khai thực hiện các chương trình, dự án chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào...”.

Nhìn lại những chặng đường đã qua, có thể thấy đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer của huyện Cầu Kè đang không ngừng đổi thay, khẳng định sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với đời sống đồng bào. Đây cũng là động lực giúp bà con thi đua lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm công trình, phần việc có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng quê hương.

PHƯƠNG UYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.