Cử tri Nguyễn Ánh Thép, trú tại quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội: Không lợi dụng lao động trẻ em trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật

Cử tri Nguyễn Ánh Thép cho rằng, các câu hỏi của đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện chính là những bức xúc của xã hội lâu nay. Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời khá thỏa đáng, nhưng chưa đáp ứng được nhiều mong mỏi. Bởi những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực VH, TT&DL đã kéo dài nhiều năm, nhưng hiệu quả chưa đạt kỳ vọng. Bên cạnh đó, sự giao thoa, tiếp thu văn hóa trong thời kỳ phát triển và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đã xuất hiện nhiều vấn đề mới, nhưng cách quản lý chưa phù hợp, dễ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển bền vững của xã hội.  

leftcenterrightdel
 Cử tri Nguyễn Ánh Thép. 
Cử tri Nguyễn Ánh Thép lấy ví dụ cụ thể: Thời gian gần đây dư luận cả nước rất bức xúc trước tình trạng lợi dụng trẻ em, khai thác khả năng của trẻ em để kiếm lời thông qua các cuộc thi, với những nội dung tìm kiếm tài năng và được phát sóng trực tiếp trên truyền hình. Nhìn ở bề rộng, hoạt động này dễ nhầm lẫn vì ý nghĩa xã hội lấn át. Nhưng đằng sau hoạt động này là hình thức đánh bóng tên tuổi và kiếm lợi nhuận của các tổ chức, các công ty tổ chức sự kiện. Nguy hại hơn, việc này vô tình khuyến khích người dân trong xã hội đầu tư quá mức cả thời gian và kinh phí cho trẻ em mà bỏ quên những vấn đề khác quan trọng hơn là học kiến thức phổ thông, rèn luyện đạo đức. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được Bộ VH, TT&DL cũng như cơ quan chức năng và chính quyền địa phương quan tâm, quản lý mà lại “vô tư” cho phép hoạt động, coi như “chiến tích”.

Cử tri Nguyễn Ánh Thép phân tích, trẻ em là tương lai của đất nước, của dân tộc. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai. Tuy nhiên, ở lĩnh vực biểu diễn văn hóa nghệ thuật, nếu ta chỉ dừng ở phát hiện, tìm kiếm tài năng là trẻ em để bồi dưỡng và công bố rộng rãi trong xã hội với dung lượng vừa phải thì rõ ràng đó là hợp lý. Bởi với mức độ tuyên truyền, phổ biến vừa phải và định hướng tốt sẽ giúp người dân nhận thức ra vấn đề, không bị kích thích và chạy theo mục đích xa vời. Còn nếu tiếp diễn cách làm cấp phép hoạt động biểu diễn nghệ thuật và tổ chức các cuộc thi nghệ thuật được truyền hình rộng rãi trong công chúng như hiện nay sẽ dẫn đến hiện tượng kinh doanh khả năng của trẻ em, làm lợi cho một số người. Điều này là vi phạm công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Chính phủ Việt Nam đã ký kết. Sau lập luận này, cử tri Nguyễn Ánh Thép cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nên hành động quyết liệt hơn, phối hợp với các ngành, địa phương để đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong triển khai các hoạt động theo lĩnh vực thuộc quyền quản lý của Bộ VH, TT&DL. (MẠNH THẮNG ghi)

* Cử tri Nguyễn Thanh Quất (Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình): Thuyết phục cử tri bằng trả lời thẳng thắn, có trách nhiệm

Phần chất vấn của đại biểu Quốc hội với Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL sáng 16-4 diễn ra khá căng thẳng, bởi có nhiều câu hỏi mang vấn đề khó mà qua theo dõi, nhiều cử tri có chung nhận xét là chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Ông Quất nêu: Cụ thể như về vấn đề quản lý du lịch chui, gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ làm thất thu ngân sách mà còn làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, trước vấn đề này, mặc dù thời gian diễn ra khá lâu, nhưng Bộ VH,TT&DL vẫn chưa tham mưu cho Chính phủ có biện pháp xử lý thỏa đáng thông qua hệ thống quản lý văn bản hành chính. Trước vấn đề này, nhiều đại biểu hỏi, nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Ông Quất phân tích, việc tăng thời lượng, mở rộng nội dung chất vấn ở các kỳ họp Quốc hội đã thể hiện bản chất dân chủ sâu sắc, tính ưu việt của cơ quan lập pháp trong tổ chức nhà nước của ta. Đây là thành công rất lớn, được cử tri hết sức đồng tình, hoan nghênh và kỳ vọng.

Tuy nhiên, cử tri Nguyễn Thanh Quất cũng thẳng thắn cho rằng, quá trình tổ chức chất vấn cần phải được cải tiến theo hướng sâu, cụ thể và thiết thực hơn, giúp cho thời gian chất vấn rút ngắn và giải trình được nhiều nội dung mà cử tri muốn nghe. Cử tri Nguyễn Thanh Quất phân tích, nếu: Để giải quyết hiện tượng này, các đại biểu Quốc hội nên tập trung vào vấn đề gây bức xúc trong xã hội đã được cơ quan chủ quản tính đến chưa, đã được quy định trong luật và nghị định chưa; việc xử lý đến đâu, kết quả ra sao và cơ quan nào, địa phương nào làm sai, làm kém phải chịu trách nhiệm? Nếu làm được như thế thì sẽ thuyết phục cử tri hiệu quả hơn. (HỒNG HÀ ghi)

* Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt ở Quỳnh Lưu, Nghệ An: Quản lễ hội, tránh phản cảm, trục lợi

Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt chia sẻ, trong trả lời chất vấn ở phiên họp Quốc hội diễn ra sáng 14-6 có một vấn đề nổi lên dễ khiến cử tri băn khoăn đó là các đại biểu đặt câu hỏi với nội dung trùng lặp. Nguyên nhân là người được chất vấn chưa có câu trả lời thỏa đáng, đi đến tận cùng vấn đề mà các đại biểu mong muốn. Điều này cho thấy, trách nhiệm của các đại biểu với sự phát triển của đất nước là rất đáng trân trọng và kỳ vọng. Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý nhận thấy, vai trò của Bộ VH,TT&DL trong thực hiện chức năng còn nhiều khiếm khuyết.

leftcenterrightdel
 Cử tri Nguyễn Thị Nguyệt.
Bà Nguyệt ví dụ, hiện ở Việt Nam có nhiều lễ hội ở các quy mô khác nhau, trong đó nhiều lễ hội cũ ở các làng, xã được phục dựng theo kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy”. Vậy nhưng, ngoài giá trị truyền thống, những lễ hội này có biểu hiện biến tướng, phản cảm, nhằm trục lợi và ẩn dưới vỏ bọc “cầu may”. Những lễ hội phản cảm vẫn tồn tại nhiều năm là bởi thông tin truyền miệng không chính xác, bởi truyền thông đưa thông tin gây tò mò, kích thích sự hiếu kỳ của người dân. Có thể nói, vấn đề này đi ngược với chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong xã hội hiện đại. Bà Nguyệt cho rằng, ngành VH, TT&DL từ cơ sở đến Trung ương chưa hóa giải được mối quan hệ trong phối hợp quản lý với các cấp, các ngành ở địa phương và Trung ương, chưa khẳng định vai trò ở lĩnh vực được pháp luật quy định nên chưa có những quyết định mạnh tay, loại bỏ được những yếu kém phát sinh.

Để giải quyết vấn đề này, cử tri Nguyễn Thị Nguyệt cho rằng, ngành VH,TT&DL cần đầu tư thời gian, huy động các nhà nghiên cứu, thống kê, chuẩn hóa lễ hội truyền thống trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Trên cơ sở này để chuẩn hóa các quy định tổ chức lễ hội ở từng mức, từng vùng khác nhau, tham mưu cho Chính phủ, Nhà nước quản lý lễ hội hiệu quả. Nếu có tổ chức các hoạt động văn hóa hoặc các hoạt động kinh tế, du lịch kết hợp với văn hóa thì cũng trên cơ sở đó để cấp phép hoạt động dễ dàng hơn. Trong quy định cũng có chế tài cụ thể, yêu cầu chính quyền địa phương cam kết, nếu tổ chức chưa tốt, phản cảm, trục lợi, chưa đúng quy định thì tạm dừng, không cho tổ chức vào các năm tiếp theo. (ĐỨC TÂM ghi)