Làm gì để loại trừ "được mùa mất giá", "được giá mất mùa"?
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, theo chương trình làm việc của kỳ họp, Quốc hội dành ba ngày để tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. So với các kỳ họp trước, Quốc hội đã dành thêm nửa ngày để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước đối với nội dung này. Bốn nhóm nội dung mà Quốc hội quyết định chất vấn đều liên quan đến những vấn đề bức xúc của xã hội, được nhân dân và cử tri cả nước quan tâm.
Ngay sau phát biểu của Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội nghe Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Đặng Hoài Tân chất vấn thành viên Chính phủ. Ảnh: TTXVN
Tình trạng nông sản làm ra không có thị trường tiêu thụ ổn định, điệp khúc “được mùa mất giá", "được giá mất mùa” đã làm nóng nghị trường ngay từ những câu chất vấn đầu tiên của đại biểu Quốc hội, nổi bật trong thời gian qua là vấn đề giá thịt lợn xuống thấp, gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Sơn (đoàn Hà Tĩnh), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, có hai nguyên nhân chính dẫn tới dư cung thịt lợn. Trước hết, sức sản xuất tăng trưởng quá nhanh, trong hơn 10 năm qua riêng thịt lợn nói chung đã tăng hơn 3,6 lần. Bên cạnh sự tăng bột phát thì rổ thực phẩm của Việt Nam đã thay đổi cơ cấu, ngoài thịt lợn, người dân có thêm nhiều lựa chọn khác như sữa, trứng, thịt gà, thịt bò làm cho dư thừa tạm thời và mất cân đối, sức cung lớn hơn sức cầu rất nhiều. Xuất khẩu thịt lợn mới đến được ba nước theo đường chính ngạch. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thẳng thắn nhìn nhận, ngành chăn nuôi lợn có ba phân khúc, nhưng mới làm được ở khúc sản xuất, còn khâu chế biến, tổ chức thị trường làm rất kém, trong đó có trách nhiệm của ngành nông nghiệp.
Về các giải pháp cả trung hạn, dài hạn để phát triển sản xuất, chăn nuôi lợn bền vững, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tổng đàn lợn hiện có 4,2 triệu con lợn nái là quá thừa, cần phải giảm từ nay đến năm 2019 chỉ còn 4 triệu con. Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương không cho phát triển cám công nghiệp vì dư thừa, chuyển một bộ phận sang sản xuất cám theo hướng truyền thống để phục vụ chăn nuôi truyền thống, giảm bớt đầu nhập khẩu và có sản phẩm theo hướng hữu cơ. Tập trung tổ chức lại các hộ dân sản xuất nông nghiệp, chuyển hướng chăn nuôi cho một số hộ có điều kiện. Bộ cũng yêu cầu tất cả doanh nghiệp lớn đã sản xuất phải đi kèm với chế biến. Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp để khôi phục lại những giống bản địa. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đang tích cực xúc tiến xuất khẩu thịt lợn sang thị trường một số nước, trong đó có Trung Quốc, theo đường chính ngạch.
Từ vấn đề dư thừa thịt lợn, đại biểu Trần Dương Tuấn (đoàn Bến Tre) nêu câu hỏi về những giải pháp căn cơ, tổng thể để làm sao sản phẩm nông nghiệp của nước ta không dư thừa. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chia sẻ, từng địa phương cần phải xác định lợi thế là gì để thích ứng được với thị trường, với biến đổi khí hậu. Các địa phương cùng tập trung vào những sản phẩm lợi thế để xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) về giải pháp đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chúng ta cần xác định sức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn rất lớn, nhưng nếu không tổ chức tốt thì không thành công, thậm chí nông nghiệp sẽ đi xuống. Theo Bộ trưởng, có ba trục sản phẩm được xác định, một là nhóm trục sản phẩm quốc gia gồm những mặt hàng có giá trị xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên, phải tập trung rà soát, xác định đâu là lợi thế, đâu là kém lợi thế, từ đó dồn chính sách, dồn công tác quản lý, dồn sức chỉ đạo vào khu vực đó. Nhóm thứ hai là trục sản phẩm của tỉnh, từng tỉnh quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất chuỗi. Trục thứ ba là phát triển nông sản đặc thù của từng địa phương để tận dụng sinh thái đa dạng.
Không vì tàu cá hư hỏng mà ảnh hưởng đến chủ trương lớn
Liên quan đến việc một số tàu cá vỏ thép của ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi mới xuất xưởng chưa đầy một năm, ra khơi mới 1-2 chuyến mà tàu đã hư hỏng nghiêm trọng theo chất vấn của đại biểu Đặng Hoài Tân (đoàn Bình Định), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời, các tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 là một chủ trương của Chính phủ để tăng cường nguồn lực đội tàu hiện đại, góp phần vừa tăng sản lượng khai thác, vừa tham gia bảo vệ an ninh chủ quyền. Hiện nay, có 235 cơ sở đủ điều kiện về trang thiết bị để thực hiện việc đóng tàu, với tổng số 2.284 tàu theo kế hoạch phân bổ cho 28 địa phương, đã đóng được 666 tàu, trong đó có 297 tàu sắt. “Nhìn chung, các chuyến ra khơi của các tàu này đều phát huy tác dụng, hiệu quả, an toàn. Tuy nhiên, hiện nay đã xuất hiện một số tàu bị hư hỏng chủ yếu tại Bình Định, Phú Yên. Bộ đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố rà soát lại toàn bộ tàu cá đóng mới và cử đại diện Tổng cục Thủy sản vào làm việc cùng với tỉnh, ngư dân và đơn vị đóng tàu”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết. Bộ đã đình chỉ việc chấp nhận hợp đồng đóng mới của hai công ty để xảy ra tình trạng này, đề nghị cơ quan công an vào cuộc làm rõ, yêu cầu tập trung khắc phục ngay hậu quả như thay máy mới, thay sắt đúng chủng loại để kịp thời phục vụ cho ngư dân đi biển. “Không phải vì số tàu bị hư hỏng này mà ảnh hưởng cả một chủ trương, chính sách lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ.
Nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp
Phát biểu làm rõ hơn những vấn đề trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, phát triển nông nghiệp phải đạt được các mục tiêu: Thứ nhất là đạt chất lượng, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Thứ hai, phải sản xuất ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn thì mới có sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Thứ ba, phải hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh tập trung các nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, của vùng, địa phương gắn với việc xây dựng thương hiệu, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Đây là ba mục tiêu rất quan trọng.
Để thực hiện mục tiêu này, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, cần tập trung một số nhóm giải pháp lớn. Trước hết là hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ để tạo môi trường, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp và nông thôn. Trong đó tạo điều kiện thuận lợi để người nông dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch, như đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học công nghệ... Đây là giải pháp rất quan trọng nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp. Vấn đề nữa là phải tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, tạo động lực sản xuất cho các vùng chuyên canh lớn. Muốn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tập trung hóa sản xuất chắc chắn phải cần đến nhiều đất đai. Do vậy, phải xử lý vấn đề hạn điền trên cơ sở điều chỉnh, sửa đổi pháp luật liên quan đến đất đai.
Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, mặc dù mới nhận nhiệm vụ được 11 tháng, nhưng Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nắm chắc tình hình, thực trạng những vấn đề bức xúc trong phạm vi quản lý của ngành, trả lời thẳng thắn, ngắn gọn, nhận trách nhiệm, làm rõ những vấn đề được đại biểu nêu ra cũng như đề ra hướng khắc phục của ngành trong thời gian tới. Tuy nhiên, phần trả lời của Bộ trưởng vẫn còn có 12 đại biểu tranh luận lại do thấy câu trả lời chưa thỏa đáng, chưa nói rõ hết ý đại biểu hỏi, một số nội dung chưa rõ giải pháp đột phá và hướng khắc phục thuộc trách nhiệm của bộ.
Đổi mới tư duy, phương pháp quản lý lĩnh vực văn hóa
Là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện khi phát biểu trước khi đại biểu Quốc hội chất vấn đã nêu bật nhiều kết quả mà ngành đạt được. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tổ chức quản lý nhà nước của ngành còn nhiều hạn chế, bất cập. Cụ thể, những sự việc xảy ra gần đây liên quan đến công tác quản lý nhà nước tại Cục Nghệ thuật biểu diễn và Tổng cục Du lịch cho dù vì bất cứ nguyên nhân, lý do gì cũng đều rất đáng tiếc. Cho rằng, đây là bài học sâu sắc với công tác quản lý nhà nước của ngành, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn nhận trách nhiệm của người đứng đầu; đồng thời nhấn mạnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang tập trung quyết liệt chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, hạn chế, đổi mới tư duy và phương pháp quản lý, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, phương pháp điều hành của công chức thực thi công vụ để nâng cao hiệu quả quản lý của ngành.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa), Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện không né tránh khi nói năng lực cán bộ chưa tốt dẫn tới những vụ việc đáng tiếc, như cấm lưu hành 5 bài hát trước năm 1975 rồi sau đó cho lưu hành lại, cập nhật hơn 300 bài hát lên website trong khi không có yêu cầu cập nhật danh sách, đồng thời lại cập nhật sai vào mục “cấp phép”. Đó là những cái sai nghiệp vụ sơ đẳng. Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ kiểm điểm trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp bồi dưỡng, nâng cao năng lực, đạo đức, nghiệp vụ cho cán bộ, thậm chí là thuyên chuyển cán bộ.
Phát triển du lịch Sơn Trà cần được sự thống nhất, đồng thuận
Phát biểu làm rõ thêm phần trả lời chất vấn về vấn đề bán đảo Sơn Trà, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, theo quy định của pháp luật, đã là khu du lịch quốc gia thì phải có quy hoạch. Quy hoạch khu du lịch bán đảo Sơn Trà đã được xây dựng từ cuối năm 2013, điều chỉnh năm 2016 và được công bố tại Đà Nẵng ngày 15-2-2017. Sau đó, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng có ý kiến đề nghị giữ nguyên trạng bán đảo Sơn Trà, không xây dựng thêm cơ sở lưu trú. Thủ tướng Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Đà Nẵng xem xét, tiếp thu các ý kiến đóng góp một cách khoa học, cầu thị và công khai.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, quy hoạch bán đảo Sơn Trà được thực hiện bởi cơ quan tư vấn, các nhà chuyên môn đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo đảm phát triển đi đôi với bảo tồn và bảo đảm quốc phòng, an ninh. Kiến trúc sư trưởng, các nhà chuyên môn đã tính toán theo công thức mô hình chuyên ngành du lịch để đưa ra con số từ 1.600 phòng đến 3.200 phòng lưu trú. Nghiêng về phương án bảo tồn nhiều hơn, nên cơ quan chức năng đã quyết định ở ngưỡng thấp là 1.600 phòng.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu ra hai vấn đề: Thứ nhất, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn quán triệt nguyên tắc phải phát triển bền vững, nhưng bảo tồn không cực đoan là đóng khung. Thực tế, trên thế giới có rất nhiều khu du lịch, kể cả các khu bảo tồn thiên nhiên có động vật hoang dã, vẫn phát triển du lịch. Thứ hai, Sơn Trà đóng góp rất nhỏ cho du lịch cả nước. Phát triển du lịch Sơn Trà trước hết phục vụ kinh tế-xã hội Đà Nẵng, nên cần sự thống nhất của cấp ủy, chính quyền Đà Nẵng và phải được sự đồng thuận của nhân dân Đà Nẵng. Nếu Đà Nẵng đề nghị giảm quy mô số phòng lưu trú, hoặc thậm chí xin rút khỏi danh sách các khu du lịch quốc gia, Chính phủ cũng đồng ý.
Theo chương trình, sáng 14-6, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục trả lời chất vấn, trước khi Quốc hội chuyển sang chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
CHIẾN THẮNG - MẠNH HƯNG