Nhóm vấn đề này tập trung về thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua, thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, các tổ chức đoàn thể, các địa phương của cả nước, ngành y tế đã vượt qua khó khăn, khắc phục tồn tại, hạn chế và đạt được một số kết quả khích lệ, như việc đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh đã được cử tri ghi nhận, được một số tổ chức quốc tế đánh giá tốt. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao, tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến cuối bước đầu có cải thiện rõ, đồng thời ứng dụng và phát triển nhiều kỹ thuật y khoa hiện đại trong phòng bệnh, khám chữa bệnh, đáp ứng ngày càng cao của người dân.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Đình Nam

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận hệ thống y tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế lớn như: Chỉ số sức khỏe gắn với mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, mục tiêu phát triển bền vững và chất lượng dịch vụ y tế vẫn còn chênh lệch giữa các vùng, miền và các tuyến y tế. Y tế cơ sở, huyện, xã chưa được đổi mới căn bản về bộ máy, về hoạt động, về nguồn nhân lực, về cơ sở hạ tầng và cơ chế tài chính, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chất lượng dịch vụ y tế và chất lượng nhân lực y tế cần phải nâng cao hơn nữa, đáp ứng nhu cầu đa dạng và ngày càng cao hơn của toàn dân trong hoàn cảnh đối đầu với gia tăng gánh nặng lớn của các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, già hóa dân số. Đồng thời, phải đối mặt với các bệnh mới nổi có nguy cơ, có quy mô khu vực và toàn cầu. Thêm vào đó là bộ máy tổ chức phong cách quản trị y tế và tư duy tài chính đã đổi mới nhưng chưa quyết liệt.

Về vấn đề khám, chữa bệnh, trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) cũng như đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre), Bộ trưởng cho biết, việc người dân muốn tiếp cận các dịch vụ cao và muốn đến thẳng tuyến Trung ương, là nguyện vọng chính đáng. “Hiện nay theo Luật Bảo hiểm y tế đã có thông tuyến giữa xã và huyện, người dân có thể không cần khám ở nơi đăng ký ban đầu mà có thể đến tất cả các huyện trong toàn tỉnh. Trong lộ trình đến năm 2021 cố gắng thông toàn quốc. Chúng ta có một hệ thống y tế từ xã đến huyện, tỉnh và y tế cơ sở với tuyến xã, tuyến huyện luôn là người giữ cổng để chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc những bệnh thông thường và cấp cứu gần dân nhất, cho nên người dân cũng có thể đi qua các tuyến ban đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Tuy nhiên, với những bệnh nặng và mãn tính như ung thư, tim mạch hoặc các bệnh phổi, người đứng đầu ngành Y tế Việt Nam thông tin rằng, Bộ Y tế đã có chương trình mục tiêu về y tế phòng, chống các bệnh không lây nhiễm và có một hệ thống theo dõi, giám sát và được điều trị theo phác đồ. Còn giai đoạn đầu khi chẩn đoán phát hiện cần những kỹ thuật tiên tiến, theo hệ thống chuyển tuyến bệnh nhân sẽ được tiếp cận ở tuyến cao nhất.

Cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) và một số đại biểu khác về vấn đề thái độ, đạo đức của cán bộ y tế, Bộ trưởng Y tế thừa nhận có tình trạng "con sâu làm rầu nồi canh". Bộ trưởng cũng khẳng định, thời gian qua ngành y tế đã đưa chương trình đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Cụ thể, như tuyên truyền, vận động gắn với Cuộc vận động “Học tập làm theo tấm gương, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh" trong toàn ngành, dùng đường dây nóng, các thùng thư góp ý, quay camera, tăng cường giám sát chuyên môn… “Trong thời gian qua, hơn 7 ngàn cán bộ y tế trong toàn ngành đã bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo, khiển trách, cảnh cáo toàn bệnh viện cho đến đuổi khỏi ngành. Chúng tôi cũng kèm theo đổi mới cơ chế tài chính để nâng mức thu nhập của cán bộ nhân viên thông qua điều chỉnh giá dịch vụ trên lộ trình tính đúng, tính đủ, cho nên thu nhập của những đơn vị sự nghiệp mà đã được tính giá như vừa rồi đưa lương vào giá và các chi phí trực tiếp thì thu nhập tăng lên. Những giải pháp vừa rồi đã tạo nên một đổi mới toàn diện”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết.

leftcenterrightdel
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Vân - tỉnh Phú Yên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế. Ảnh: Văn Bình - Cổng TTĐT. 
Tại phiên chất vấn, vấn đề y tế cơ sở cũng được nhiều đại biểu đề cập. Trả lời câu hỏi của các đại biểu: Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh), Cao Thị Giang (Quảng Bình), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên), Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đây là một hoạt động mà ngành y tế đang tập trung trong nhiệm kỳ này. Với những vấn đề đang còn yếu kém, chưa phát triển để ngành y tế đáp ứng nhu cầu thì trách nhiệm đó thuộc về Bộ Y tế và chính quyền các cấp, về sự quan tâm đầu tư mọi mặt. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, thời gian qua, y tế cơ sở cũng có những thành tựu được quốc tế công nhận. Đó là, mạng lưới rộng khắp đến tận thôn, bản và có cả y tế thôn, bản, Việt Nam còn có cả cô đỡ thôn, bản và đã làm tốt công tác dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu, mặc dù nguồn lực rất hạn chế.


Đồng tình với những hạn chế mà các đại biểu Quốc hội đã nêu lên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng thẳng thắn thừa nhận một số hạn chế khác của y tế cơ sở, đó là bố trí rất bất cập của các trạm y tế. “Không nhất thiết theo tiêu chí nông thôn mới là trạm nào cũng đạt chuẩn, đầy đủ mà phải chia ra các vùng khác nhau. Trạm y tế rất liền nhau, rất gần trung tâm y tế huyện và ở phường thì khác và ở nông thôn, miền núi thì khác”, Bộ trưởng cho biết; thêm vào đó là bất cập về tài chính, về nhân lực y tế, về cơ chế tài chính, thanh toán.

Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Lê Quân (Hà Nội) nêu rõ, với y tế cơ sở, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, cũng phải quan tâm đến đội ngũ y bác sĩ tham gia y tế gia đình, làm việc ở các cơ sở khám chữa bệnh tư vì mạng lưới này tương đối phổ biến. Dù bác sĩ vốn phải tập trung ở các bệnh viện, nhưng cường độ làm việc ngoài giờ, làm ở cơ sở khám chữa bệnh tư nhân của các bác sĩ cũng khá lớn. Thực tế cho thấy, y tế cơ sở ở trạm phường, xã, nhất là khu vực đô thị, được đầu tư trang thiết bị khá tốt, nhưng sử dụng kém hiệu quả nên mới sử dụng vào y tế dự phòng. Trong khi đó, nhiều bác sĩ phải đi thuê mướn cơ sở khám chữa bệnh với chi phí cao. Theo đại biểu Lê Quân, các nước phát triển cũng thực hiện theo cách thức này và đưa ra gợi ý: “Tại sao không học các nước phát triển cho phép bác sĩ giỏi được tận dụng trạm y tế tuyến cơ sở để mở cơ sở khám, chữa bệnh. Như vậy, sẽ thu hút bệnh nhân, giảm áp lực cho bảo hiểm y tế”.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội cũng đề cập đến vấn đề giá thuốc, dược phẩm, chất lượng dịch vụ, về trục lợi bảo hiểm y tế… Trả lời câu hỏi của đại biểu Dương Minh Ánh (Hà Nội) xung quanh vấn đề bán thuốc, dược phẩm, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng rất xác đáng. “Lỗi bán thuốc mà người dân đến hiệu thuốc nào cũng mua được, không cần kê toa thì trong nhiệm kỳ này, chúng tôi cố gắng xử lý. Đây là yếu kém trong quản lý của ngành và chúng tôi nhận trách nhiệm, sắp tới sẽ đổi mới toàn diện điều này nhưng cũng phải tăng cường lực lượng thanh tra, giám sát vì đội ngũ này và y tế rất yếu”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ.

Về vấn đề giá thuốc, đối với giá thuốc bệnh viện, Bộ trưởng cho biết sẽ điều chỉnh Thông tư 11, bắt buộc giá thuốc của nhà thuốc bệnh viện bằng với giá thuốc bệnh viện đã mua. Đối với quầy thuốc bán lẻ, phải tôn trọng quy luật thị trường, có nghĩa phải tuân theo kê khai giá và công khai, minh bạch. Chắc chắn các quầy thuốc khác nhau bán cùng một tên thuốc giá sẽ khác nhau, nếu bán rẻ thì nhiều người mua, bán đắt thì ít người mua, theo quy luật thị trường…

leftcenterrightdel
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm. Ảnh: Văn Bình - Cổng TTĐT.  
Tham gia trả lời tại phiên chất vất, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh cũng thông tin về vấn đề bảo hiểm y tế tại Việt Nam hiện nay. Theo đó, việc quản lý sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) trong thời gian qua làm được khối lượng công việc rất lớn, mỗi năm khám chữa bệnh cho khoảng 150 triệu lượt người. Hiện nay, độ bao phủ 77 triệu người, chiếm khoảng 83% dân số. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đối tượng phục vụ lớn (150 triệu lượt người) rải rác ở 14.000 cơ sở khám chữa bệnh nên như các đại biểu phản ánh, tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT giai đoạn gần đây diễn ra phổ biến. Đó là tình trạng khi nâng giá dịch vụ y tế, thay đổi cơ chế không cấp phát trực tiếp cho cơ sở y tế mà dành tiền đó để mua BHYT, các bệnh viện thực hiện khám chữa bệnh thông qua BHYT phải tự chủ, tức là phải phấn đấu làm tốt để có bệnh nhân nên nhiều bệnh viện khó khăn, chưa đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh theo yêu cầu nên có những cách: kéo dài ngày nằm của bệnh nhân. Khi Chính phủ yêu cầu trang bị hệ thống thông tin giám định BHYT thì những biểu hiện của lạm dụng, trục lợi bảo hiểm đều thể hiện trên hệ thống này…


Phát biểu kết thúc phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, các đại biểu đặt câu hỏi thẳng thắn, tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là nhiệm kỳ thứ 2 của Bộ trưởng Bộ Y tế, do đó Bộ trưởng có điều kiện, có kinh nghiệm, nắm chắc tình hình, thực trạng, vấn đề bức xúc của lĩnh vực y tế quản lý. Bộ trưởng đã nỗ lực quán xuyến, điều hành, tiếp tục thực hiện những giải pháp đặt ra. Phần trả lời vẫn còn một số nội dung khá chi tiết, chưa trọng tâm. Tuy nhiên, về cơ bản, các đại biểu đã tỏ vẻ đồng tình, hài lòng với rất nhiều nội dung trả lời của Bộ trưởng.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, y tế là ngành đặc thù, liên quan đến sức khỏe, tính mạng của con người nên được xã hội quan tâm. Thời gian qua, lĩnh vực y tế đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chính sách, đề án đã được ban hành, đổi mới công tác khám chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải. Tuy nhiên, qua ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn thì vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, nhiều khó khăn, thách thức. Đó là, hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu của người dân trong tình hình mới; hoạt động kỹ thuật chưa đồng bộ, công tác quản lý vật tư y tế còn nhiều bất cập, đội ngũ y tế còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, văn hóa ứng xử và y đức tại một số cơ sở chưa thực sự làm cho người dân hài lòng...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, qua phiên chất vấn tại kỳ họp lần này, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó tập trung một số lĩnh vực: Triển khai đầy đủ đồng bộ quy định của pháp luật về công tác khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình đã đề ra trong thời gian qua, đồng thời có các giải pháp mang tính tổng thể, dài hơi, căn cơ, quyết liệt trong chỉ đạo để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong ngành y tế. Tiếp tục đổi mới cơ chế, phương pháp tài chính tại các bệnh viện...

Thời gian còn lại của buổi chiều, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về nhóm vấn đề thứ 4: Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.

Theo chương trình, sáng mai (ngày 15-6), Quốc hội tiếp tục phần nội dung chất vấn và trả lời của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

SONG VŨ