* Cử tri Lê Thị Huyền trú tại số 8, ngõ 1, đường Nguyễn Thái Học (Chi Lăng, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn): Chuẩn hóa chất lượng khám, điều trị
Cử tri Lê Thị Huyền thổ lộ, hiện nay, đa phần người dân quan tâm rất lớn tới vấn đề chăm sóc sức khỏe. Và thực tế, mạng lưới y tế ở ta đã được tổ chức và phủ rất rộng, không chỉ ở các thành phố lớn mà còn ở các địa phương, vùng sâu, vùng xa và miền núi, hải đảo. Kết quả này đã giúp người dân chăm sóc sức khỏe tốt hơn, hiệu quả hơn. Thế nhưng, vấn đề nổi cộm là, chất lượng khám ở các tuyến không đồng đều. Càng ở cấp cơ sở thì trình độ y thuật càng kém, không đáp ứng yêu cầu, mong muốn của người dân cả nước.
Theo cử tri Lê Thị Huyền, do xã hội phát triển, kiểm soát môi trường, thực phẩm, nước uống và nhiều vấn đề khác chưa tốt nên xuất hiện nhiều loại bệnh nan y mà ngay từ lúc mới ra đời nhiều trẻ sơ sinh chứ chưa nói tới người trưởng thành đã phải gánh chịu. Tuy nhiên, những tuyến cơ sở không điều trị được những bệnh nan y ấy mà phải chuyển tuyến trên. Vì thế, nhu cầu khám, điều trị tăng mạnh đã khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải là đương nhiên. Nếu Nhà nước, ngành Y tế tiếp tục đầu tư về diện rộng mà chưa có giải pháp phát triển sâu chất lượng khám, điều trị ở cơ sở thì tình trạng này còn kéo dài, nhân dân còn khó khăn.
Vị cử tri ở Lạng Sơn này cho rằng, để giảm dần hiện tượng này, Bộ Y tế cần tham mưu cho Nhà nước mở rộng các loại hình dịch vụ y tế, hạn chế tình trạng “độc quyền chuyên môn y dược”. Cụ thể là, Nhà nước cần tổ chức các loại hình dịch vụ y tế theo hình thức kinh doanh có điều kiện, trong đó Nhà nước và cơ quan chức năng đóng vai trò kiểm tra, kiểm soát về trình độ đội ngũ thầy thuốc, trang thiết bị, quản bá hình ảnh; giá vật tư, thuốc, dịch vụ và các nội dung khác. Cần quyết liệt thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động và xử phạt hành chính nghiêm khắc đối với những cơ sở y tế chưa đạt chuẩn về chất lượng cũng như vi phạm về mức giá tổ chức dịch vụ. bà Huyền nhấn mạnh, vấn đề này không chỉ được quy định cụ thể trong các văn bản luật, dưới luật về lĩnh vực y tế mà còn phải được cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phối hợp hành động quyết liệt, triệt để. (LÊ THU ghi)
* Cử tri Nguyễn Hữu Mạnh, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng: Tình trạng quá tải tại các bệnh viện ở mức nghiêm trọng
Tôi thấy, những năm gần đây tình trạng các bệnh viện công quá tải bệnh nhân diễn ra khá trầm trọng. Bệnh nhân thường phải nằm ghép 3-4 người một giường, nhưng đành phải chấp nhận vì không còn cách nào khác hơn.
Cử tri Nguyễn Hữu Mạnh, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Vấn đề này các cơ quan thông tấn báo chí đã đề cập rất nhiều, nhưng tình trạng quá tải ở các bệnh viện vẫn ở mức nghiêm trọng, nhất là mỗi khi xảy ra dịch bệnh. Theo tôi, nguyên nhân một phần do dân số ngày càng tăng nhưng số lượng bệnh viện lại không tăng bao nhiêu. Nguyên nhân khác, lượng khách vãng lai, lao động ngoại nhập ngày càng lớn, do vậy nhu cầu khám chữa bệnh cũng tăng cao, thế nên mới dẫn đến tình trạng quá tải. Thực tế hiện nay các bệnh viện đang tồn tại hai tình trạng: là quá tải thật và quá tải “ảo”. Quá tải “ảo” là do người bệnh vượt tuyến điều trị trong khi bệnh tình không đáng phải vậy. Thế nhưng, điều đáng lo ngại là nhiều bệnh viện không muốn giảm tải, vì quá tải sẽ mang lại thu nhập nhiều hơn cho bệnh viện. Mặt khác, năng lực y tế ở tuyến cơ sở còn bộc lộ nhiều hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải, trong khi nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, thiếu cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao.
Theo tôi, muốn giải quyết tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng điều trị, Đảng và Nhà nước ta cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành y về cơ sở vật chất, trang thiết bị; giải quyết tận gốc, toàn diện và triệt để cả về tổ chức, nhất là con người. Đội ngũ y bác sĩ phải được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn tốt, có tấm lòng nhân ái, bao dung, luôn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Lương y phải như từ mẫu”. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ y, bác sĩ như: cải cách tiền lương hợp lý, phân bổ hài hòa lực lượng nhân sự hiện có, tránh tình trạng cán bộ giỏi và trang thiết bị hiện đại dồn lên tuyến trên. (VĨNH LỘC ghi).
* Bà Nguyễn Thị Thảo (Cử tri phường Trung Đô, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An): Cần có cơ chế giảm giá biệt dược
“Qua theo dõi chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tôi thấy Bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận những khuyết điểm, hạn chế của một số vấn đề của ngành, trả lời sát những câu trả lời chất vấn về các vấn đề của nhân dân đang rất quan tâm hiện nay như: hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh, vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; các sự cố y tế liên tục diễn ra ...
Cử tri Nguyễn Thị Thảo (phường Trung Đô, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An).
Đối với người dân chúng tôi, vấn đề quan tâm nhất là việc quản lý giá thuốc ở các quầy thuốc. Theo ý kiến của Bộ trưởng, giá thuốc ổn định, không cao nhưng điều này theo tôi là chưa thỏa đáng. Nếu giá thuốc ổn định, không cao thì người dân, báo chí đã không phản ánh nhiều như thế. Thực tế, cùng một loại thuốc, người mua lại phải chịu chênh lệch giữa các hiệu thuốc hoặc giữa bệnh viện và các hiệu thuốc bên ngoài, cũng không biết giá cả như thế nào. Đáng quan tâm hơn nữa, giá biệt dược điều trị các nhóm bệnh như ung thư, chuyên khoa tim mạch còn quá cao khiến nhiều bệnh nhân mắc các nhóm bệnh hiểm nghèo này không có khả năng khám, chữa bệnh. Đồng ý quản điểm với Bộ trưởng "đã là biệt được thì giá cũng rất đặc biệt" nhưng Bộ Y tế cần có các biện pháp giảm giá biệt dược bởi đa số những nhóm bệnh phải dùng đến biệt dược là những căn bệnh hiểm nghèo, chi phí điều trị tốn kém trong khi thời gian sống chỉ kéo dài được ngắn. Thiết nghĩ, Bộ Y tế đã ban hành cơ chế quản lý giá thuốc đến các cơ sở y tế nhưng chưa áp dụng triệt để và cần có cơ chế giảm giá biệt dược bằng cách ban hành danh mục thuốc tương đương điều trị với biệt dược gốc để tham gia đấu thầu, tăng tính cạnh tranh, giảm giá thuốc đem lại quyền lợi cho người dân”. (
LÊ HOA ghi)
* Cử tri Nguyễn Minh Bích, xã Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội): Cần tận dụng mô hình cửa hàng thuốc và minh bạch giá thuốc
Tôi thấy việc Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận trách nhiệm tình trạng dược sĩ kê đơn thay bác sĩ là rất có trách nhiệm nhưng cần phải nhìn nhận một thực tế rằng, đó là nhu cầu của người dân và nó đã tồn tại rất lâu. Nếu chỉ ốm bình thường như hắt hơi, sổ mũi hay viêm họng, viêm phế quản… mà tất cả mọi người cũng đến bệnh viện thì tình trạng quá tải sẽ ra sao? Bởi thực tế bệnh viện của chúng ta cũng đang quá tải rồi. Việc Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý Dược thí điểm mô hình quản lý nhà thuốc, sắp tới sẽ nhân rộng cũng là một tín hiệu tốt nhưng mô hình ra sao thì cần phải tính kỹ. Nếu chỉ mở mới các mô hình quản lý nhà thuốc thì cũng sẽ chưa thể đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội nói chung và người bệnh nói riêng.
Cử tri Nguyễn Minh Bích, xã Nam Hồng (Đông Anh, Hà Nội).
Theo tôi, ngành Y tế làm sao phải lồng ghép được tính chuyên nghiệp của mô hình quản lý nhà thuốc vào các cửa hàng thuốc có sẵn hiện nay, bởi vì hệ thống các cửa hàng thuốc trên cả nước có rất nhiều, cần tận dụng tiềm năng sẵn có này. Việc giá thuốc cũng là một vấn đề dư luận rất quan tâm, bởi vì từ trước đến nay, bất cứ ai có bệnh đi mua thuốc cũng chỉ hỏi bao nhiêu tiền rồi thanh toán chứ không hề có căn cứ để đối chiếu. Vậy đâu là giá sàn và dựa vào đâu để người dân biết được mức giá của các loại thuốc hay các nhóm biệt dược? Thuốc cũng là mặt hàng như bao mặt hàng khác, giá cần phải được công khai và minh bạch. (
THÁI SƠN ghi)
* Cử tri Đỗ Thị Thanh Huyền (Tây Hồ, Hà Nội): Cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở
Tôi cho rằng, khám chữa bệnh tại cơ sở là nơi triển khai toàn bộ công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân tại địa phương. Mục đích của một số cơ sở khám chữa bệnh được cung cấp chủ yếu ở tuyến này đó là các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, các chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế, khám chữa bệnh ban đầu... những dịch vụ này lại chưa thực sự phát huy đúng nhiệm vụ và vai trò của nó.
Cử tri Đỗ Thị Thanh Huyền (Tây Hồ, Hà Nội).
Hiện nay, có một thực trạng là tại các bệnh viện tuyến cơ sở thường không có bệnh nhân, nhưng tại các tuyến trên như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương... lại đang bị quá tải nghiêm trọng. Theo tôi, điều đó cho thấy một là do người dân không tin tưởng vào đội ngũ bác sĩ, hai là cơ sở vật chất ở một số địa phương còn kém, đó là chưa kể đến tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn thì tình trạng khám chữa bệnh đáng ở mức báo động. Nhiều trường hợp do tắc trách, trình độ chuyên môn còn hạn chế hoặc cơ sở vật chất còn chưa đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh khiến cho tình trạng bệnh nhân nặng thêm, thậm chí còn nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó, tại những vùng sâu, vùng xa, người dân thường chữa bệnh theo truyền thống, tự chữa ở nhà.
Do vậy, chúng tôi cần những đội ngũ bác sĩ không những chỉ có tay nghề cao, mà còn phải có tâm với nghề để không những khám chữa bệnh cho người dân chúng tôi mà còn phải tuyên truyền để người dân hiểu và bỏ những thói quen chữa bệnh hủ tục. Chính vì vậy, tôi mong rằng trong thời gian tới, Bộ Y tế cần quan tâm hơn nữa tới đội ngũ bác sĩ cũng như cơ sở vật chất tại các vùng khó khăn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa để người dân có điều kiện khám chữa bệnh tốt hơn và cũng nhằm giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên. (VƯƠNG THÚY ghi)
* Đại tá Đỗ Hữu Cẩn, Chính ủy Lữ đoàn 683, Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần): Cần có biện pháp bảo vệ bác sĩ
Đại tá Đỗ Hữu Cẩn cho rằng, những vấn đề mà các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là thực tế, rất khách quan, xác đáng và đáp ứng kỳ vọng của cử tri cả nước. Ông cho rằng, thời gian qua ngành y đã làm được nhiều việc, cần được xã hội biểu dương, tôn vinh và trân trọng.
Đại tá Đỗ Hữu Cẩn, Chính ủy Lữ đoàn 683, Cục Vận tải (Tổng cục Hậu cần).
Thế nhưng cử tri Đỗ Hữu Cẩn cũng băn khoăn bộc bạch rằng, truyền thông, dư luận xã hội chưa quan tâm nhiều đến vấn đề này mà chỉ chăm chăm nhìn vào những khiếm khuyết của ngành y để moi móc, phê phán là không thỏa đáng và công bằng; không tương xứng với công lao cống hiến của họ. Việc này gây ra hệ lụy đáng buồn mà ngay cả các đại biểu Quốc hội cũng chưa đề cập đến khi chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Đại tá Đỗ Hữu Cẩn nêu ví dụ, thời gian gần đây, rất nhiều y bác sĩ bị các nhóm côn đồ, người nhà người bệnh và thậm chí bị chính bệnh nhân chửi rủa, gây khó khăn, ngăn cản, đánh đập và thậm chí còn dùng hung khí để hành hung. Những sự việc ấy diễn cả ở những bệnh viện lớn và ở tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn trong cả nước. Cử tri Đỗ Hữu Cẩn phân tích, sự gia tăng dân số, sự phát triển nhanh của khoa học công nghệ, mở rộng hội nhập, nhất là khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng nâng cao và cả những vấn đề “nóng” khác của xã hội đang khiến ngành y tế của ta chưa thích ứng kịp, nhất là công tác quản lý còn nhiều chồng chéo, bất cập và có những “lỗ hổng” để các đối tượng xấu lợi dụng, trục lợi. Ông hy vọng, sau kỳ họp này, ngành Y tế, nhất là Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cần quyết tâm hành động, để lĩnh vực y khoa hoàn thành trọng trách và sứ mệnh cao cả là chăm sóc sức khỏe toàn dân ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn. (THẢO HUYỀN ghi)
* Ông Lù Văn Ánh - Bí thư Thị đoàn, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên: Bài toán về nhân sự
Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tôi nhận thấy, bác sĩ là một ngành rất quan trọng, nó cứu sinh mạng cho con người, giúp cho người dân sống khỏe mạnh hơn. Nhưng, thực tế cho thấy, số lượng bác sĩ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại cơ sở, nhất là bác sĩ có tay nghề cao, trong đó thiếu nhiều nhất ở các lĩnh vực chuyên khoa và y tế dự phòng.
Theo tôi, một trong những khó khăn lớn nhất đó là vấn đề về nhân lực, tình trạng thiếu nhân lực cũng là thực trạng trung tại một số bệnh viện tuyến cơ sở. Chính sự thiếu hụt nhân lực khiến cho việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao ở tuyến y tế cơ sở gặp nhiều hạn chế, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng cao về khám, chữa bệnh của người dân.
Do vậy, để giải bài toán nguồn nhân lực, ngành y tế cần siết chặt hơn nữa công tác giảng dạy, đào tạo đối với ngành y tế, tăng cường công tác đào tạo thông qua nhiều hình thức như đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, đưa y sĩ đi học liên thông lên bác sĩ nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng khám chữa bệnh. Đây là vấn đề không hề mới, đã được bàn đến rất nhiều. Nhưng lần này, Bộ trưởng và các đại biểu Quốc hội đã dám nhìn thẳng vào vấn đề, không né tránh để cùng thảo luận đưa ra giải pháp thiết thực. Tôi rất mong trong thời gian tới Bộ trưởng sẽ chỉ đạo sát sao và đôn đốc các cơ quan chức năng để thực hiện cho đúng kế hoạch góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. (THI VĂN ghi)
* Cử tri Nguyễn Hoàng Sơn (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Hiện tượng quá tải tại các bệnh viện vẫn ở mức cao
Qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, tôi thấy nội dung trả lời đã đi thẳng vào vấn đề. Một trong số những vấn đề được nhiều người dân quan tâm là quá tải bệnh viện.
Cử tri Nguyễn Hoàng Sơn (Học viện Báo chí và Tuyên truyền).
Thời gian qua, Bộ Y tế cũng đã triển khai nhiều phương pháp cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh được hướng dẫn triển khai có hiệu quả nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ y tế. Tuy nhiên, hiện tượng quá tải bệnh viện vẫn còn xảy ra ở một số bệnh viện tuyến Trung ương như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Nhi Đồng của TP Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, hệ thống y tế cơ sở chưa được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, chất lượng chuyên môn khám chữa bệnh,… nên chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới vẫn còn hạn chế, chưa được người dân tin tưởng, dẫn đến tình trạng nhiều người bệnh vượt tuyến đi khám bệnh ở các cơ sở y tế tuyến trên, làm cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là bệnh viện tuyến tỉnh, Trung ương quá tải… Mặt khác, năng lực y tế ở tuyến cơ sở còn bộc lộ nhiều hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân khiến các bệnh viện tuyến trên quá tải, trong khi nhiều bệnh viện tuyến quận, huyện xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu thốn, thiếu cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao. Cùng với đó, cơ chế chính sách đãi ngộ đối với nhân viên y tế còn bất cập. Lương và phụ cấp cho cán bộ y tế còn thấp, không tương xứng với thời gian đào tạo, môi trường và điều kiện làm việc vất vả, đầy áp lực.
Theo tôi, để giải quyết tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên nhằm nâng cao chất lượng điều trị cho người dân, Đảng và Nhà nước ta cần tập trung đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành y về cơ sở vật chất, trang thiết bị; giải quyết tận gốc, toàn diện và triệt để cả về tổ chức, nhất là con người. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải có chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho cho đội ngũ y, bác sĩ như: Cải cách tiền lương hợp lý, phân bố hài hòa lực lượng nhân sự hiện có, tránh tình trạng cán bộ giỏi và trang thiết bị hiện đại dồn lên tuyến trên. (ANH ĐÔNG ghi)