Đại hội lần này có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ vạch ra đường hướng cho WPC trong thời gian tới, thúc đẩy những sáng kiến, chương trình hành động thiết thực vì hòa bình và đoàn kết quốc tế, mà đây cũng là minh chứng rõ ràng cho sự gắn bó thủy chung của Việt Nam với WPC, với các phong trào nhân dân tiến bộ trên thế giới đấu tranh vì một thế giới hòa bình, phát triển công bằng và bền vững.
 |
Các đại biểu Việt Nam và quốc tế ký lên bức tranh biểu tượng hòa bình thế giới. Ảnh: NGUYỄN YẾN
|
Ngược dòng thời gian trở về năm 1949, Việt Nam đã tham gia sáng lập WPC tại Đại hội Nhân dân thế giới bảo vệ hòa bình tại Paris. Khi ấy, Việt Nam đã cử một đoàn đại biểu 11 người tham gia Đại hội thành lập WPC. Thấy trước vai trò quan trọng của WPC cũng như sự cần thiết kết nối Việt Nam với tổ chức quốc tế này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chỉ đạo thành lập Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam.
Theo Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam Uông Chu Lưu, hơn 7 thập kỷ qua, WPC luôn dành cho Việt Nam những tình cảm hữu nghị tốt đẹp, tình đoàn kết quốc tế cao cả và sự ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay.
Điển hình như năm 1950, khi đó là Đại hội lần thứ hai của WPC diễn ra tại Ba Lan, lần đầu tiên WPC ra lời kêu gọi ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam. Đây là nghị quyết đầu tiên của WPC đối với Việt Nam.
Sau lời kêu gọi đó, phong trào hòa bình thế giới và các hoạt động hòa bình ủng hộ Việt Nam diễn ra ở nhiều nước, trong đó có những hoạt động diễn ra ngay tại chính nước Pháp như những hành động quả cảm của các chiến sĩ hòa bình Pháp phản chiến.
Đó là bà Raymonde Dien-một chiến sĩ hòa bình Pháp-đã nằm trên đường tàu để ngăn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam lúc bấy giờ. Chính việc ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ cùng những hành động quả cảm của các chiến sĩ hòa bình, Chính phủ Pháp đã thể hiện sự không hài lòng với WPC và trục xuất Hội đồng (khi đó có trụ sở chính tại Paris) ra khỏi nước Pháp.
Những năm 60 của thế kỷ 20, khi quân đội Mỹ can thiệp vào Việt Nam, WPC dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Romesh Chandra-nhà hoạt động hòa bình rất nổi tiếng-đã xác định nhiệm vụ đoàn kết, ủng hộ Việt Nam là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của WPC. Trong thời gian đó, với lời kêu gọi tập hợp, phong trào hòa bình thế giới đã diễn ra ở hầu hết các nước với hàng nghìn cuộc mít tinh, tuần hành, những hoạt động chính trị, văn hóa... kêu gọi sự đoàn kết, ủng hộ Việt Nam.
Trong thời kỳ Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, WPC cũng đoàn kết, kề vai sát cánh ủng hộ Việt Nam trong những vấn đề dân chủ, nhân quyền ở các diễn đàn của Liên hợp quốc, ủng hộ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh. Năm 2010, WPC đã lấy ngày 10-8 hằng năm là Ngày Quốc tế đoàn kết với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.
73 năm gắn bó với WPC, Việt Nam luôn thể hiện được vị trí, vai trò là thành viên sáng lập WPC, đồng thời tham gia rất tích cực, chủ động vào các hoạt động của Hội đồng. Bà Socorro Gomes Coelho, nguyên Chủ tịch WPC, từng chia sẻ: “Vai trò của Việt Nam trong WPC rất quan trọng. Các bạn là quốc gia đã từng phải trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt trong quá khứ. Nhưng rồi, Việt Nam đã giành được thắng lợi, đưa nhân dân thoát khỏi ách áp bức và từng bước xây dựng một đất nước tiến bộ về mọi mặt. Giờ đây, Việt Nam đã và đang hội nhập trong một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên của sự phát triển, hòa bình vì con người. Các bạn đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cá nhân tôi và bạn bè quốc tế. Chúng tôi thực sự trân trọng và yêu mến các bạn”.
Bà Socorro Gomes Coelho cũng bày tỏ, chính những thách thức hiện nay trên thế giới là động lực để các phong trào vì hòa bình phát triển mạnh mẽ và Việt Nam sẽ luôn là biểu tượng của niềm tin, của khát vọng hòa bình, của tình đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
NGỌC THƯ