“Thu hút” cả nam, nữ
Một người phụ nữ 36 tuổi, trú tại Hà Nội, nhập Viện SKTT trong tình trạng rối loạn tâm thần do thua lỗ khi đầu tư chứng khoán. Ban đầu, chị chơi chứng khoán với mong muốn phụ giúp kinh tế gia đình. Khi có lãi, chị dần bị cuốn vào vòng xoáy đầu tư, không thể dừng lại kể cả khi thua lỗ, nợ nần chồng chất. Khoản nợ lớn khiến chồng phải bán nhà, đưa cả gia đình về quê sống. Bệnh nhân từng bỏ nhà trốn đi và có ý định tự tử. Tại Viện SKTT, được gia đình động viên, sau khi trị liệu tâm lý kết hợp dùng thuốc, tình trạng của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, không còn thôi thúc đầu tư và hiện đã đi làm cùng chồng để trả nợ.
 |
Bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho một bệnh nhân. |
Bác sĩ Cao Thị Ánh Tuyết, Phòng Rối loạn sử dụng chất, hành vi và giấc ngủ (M7), Viện SKTT, chia sẻ về một bệnh nhân rối loạn cờ bạc mà chị đang điều trị. Đó là anh N.T.V từng có công việc ổn định và thu nhập khá tại công ty nước ngoài, gia đình hạnh phúc. Nhưng V lại có đam mê từ thời sinh viên là cá độ bóng đá, thời gian và tiền bạc V dành cho loại cá độ này ngày càng nhiều. Sau khi công ty ngừng hoạt động, V thất nghiệp, vợ chồng ly hôn. V đến quán internet chơi tài xỉu, cá độ để giải tỏa áp lực. Mỗi tháng V tiêu 60-80 triệu đồng cho cờ bạc, có lúc đánh một ván tới 100 triệu đồng, vay mượn khắp nơi, nói dối để có tiền chơi tiếp. Dù nhiều lần cố gắng cai nghiện, lập kế hoạch làm lại cuộc đời nhưng đều thất bại. Càng ngày, V càng tự ti, suy sụp tinh thần. Gia đình đã phải đưa V vào Viện SKTT để điều trị.
Nỗi lo nghiện “kép”
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó trưởng phòng M7 cho biết, rối loạn cờ bạc hiếm khi xuất hiện một mình. Theo nghiên cứu, có tới 96% người mắc rối loạn cờ bạc đồng thời có ít nhất một rối loạn tâm thần khác. Trong đó phổ biến nhất là trầm cảm, rối loạn nhân cách (trên 60%), rối loạn cảm xúc (khoảng 50%), rối loạn lo âu (trên 40%)... Rối loạn cờ bạc thường xảy ra đồng thời với các rối loạn do sử dụng chất gây nghiện, rối loạn cảm xúc, rối loạn lo âu và rối loạn nhân cách. Ở người lớn, hành vi cờ bạc có liên quan đến tình trạng y tế mãn tính, béo phì và tình trạng thể chất kém. Ngoài ra, người nghiện cờ bạc có thể kèm theo nghiện chất (rượu bia, thuốc lá, thuốc và các chất gây nghiện khác)... Đáng lo ngại hơn, khoảng 20% người nghiện cờ bạc từng có hành vi tự sát, tỷ lệ rất cao so với mặt bằng chung.
Bác sĩ Lê Thị Thu Hà, Trưởng phòng M7 lại đưa ra thực tế đáng lo ngại, số người mắc rối loạn cờ bạc trong cộng đồng khá đông, nhưng rất ít người đi khám để được tư vấn và điều trị. Nguyên nhân do mọi người thường nhận thức, nghiện cờ bạc là hành vi xấu chứ không phải là bệnh mà cần đi chữa trị. "Rối loạn cờ bạc là một loại bệnh, nếu bạn hoặc người thân đang có dấu hiệu của “nghiện cờ bạc”, đừng ngần ngại tìm kiếm sự giúp đỡ từ chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để điều trị đúng cách, tránh để lại những hậu quả nghiêm trọng", bác sĩ Lê Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Bài và ảnh: HÀ VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.