Những năm gần đây, AI đã và đang thâm nhập vào các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, giáo dục, y tế và nhiều ngành nghề khác. Công nghệ AI có thể tự động hóa các công việc lặp lại, từ việc chăm sóc khách hàng qua tổng đài, nhập liệu cho đến sáng tạo nội dung và thậm chí là viết code như kỹ sư phần mềm. Điều này mang đến những lợi ích rõ rệt về hiệu quả công việc và tiết kiệm chi phí, tuy nhiên cũng đặt ra một câu hỏi lớn: AI sẽ tác động như thế nào đến công việc của hàng triệu lao động truyền thống?

Sử dụng kỹ thuật số tại nhà máy may xuất khẩu thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn (Thanh Hóa). Ảnh: PHẠM HƯNG 

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023, trên toàn cầu khoảng 83 triệu việc làm có thể bị thay thế do tự động hóa, trong khi chỉ có 69 triệu việc làm mới được tạo ra.

Tại Việt Nam, các ngành như dệt may, da giày, chế biến thực phẩm đang phải đối mặt với nguy cơ cao bị thay thế bởi máy móc và công nghệ tự động. Tuy nhiên, thay vì nhìn nhận AI như một thách thức về việc làm, nhiều chuyên gia cho rằng AI cũng mở ra những cơ hội mới cho lao động, đặc biệt là trong các ngành nghề liên quan đến công nghệ cao. Ví dụ, AI có thể giúp nâng cao năng suất lao động, mở rộng các lĩnh vực sáng tạo, hoặc hỗ trợ trong các công việc đòi hỏi tư duy phức tạp như y tế, giáo dục hay nghiên cứu khoa học.

 Bên cạnh việc đào tạo kỹ năng mới, các doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm trong việc triển khai công nghệ AI. Thay vì sa thải ồ ạt nhân công thì doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch đào tạo nội bộ, giúp nhân viên làm quen và hợp tác với AI thay vì đối đầu với nó. Chẳng hạn, một công nhân trong dây chuyền sản xuất có thể sử dụng AI để theo dõi tiến độ công việc, từ đó nâng cao hiệu quả mà không cần phải thay thế hoàn toàn vị trí công việc.

Ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Cổ phần Golden Star Media (Hà Nội) cho rằng, về phía Nhà nước, điều quan trọng đầu tiên là phải xây dựng và triển khai chính sách đào tạo lại và nâng cao kỹ năng một cách có hệ thống, dễ tiếp cận và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Các chương trình này cần gắn với thực tiễn, kết hợp giữa đào tạo nghề truyền thống và kiến thức công nghệ số cơ bản. Bên cạnh đó, Nhà nước cần đầu tư vào hạ tầng giáo dục nghề hiện đại, khuyến khích mô hình đào tạo tại chỗ, học suốt đời và đặc biệt chú trọng tới nhóm lao động có nguy cơ bị thay thế cao. Về phía doanh nghiệp, họ chính là những người hiểu rõ nhất kỹ năng nào đang thiếu và có thể chủ động tổ chức các chương trình huấn luyện, chuyển đổi công việc nội bộ. Các doanh nghiệp cũng cần thay đổi cách nhìn, đó là đầu tư vào người lao động không chỉ là trách nhiệm xã hội mà còn là chiến lược dài hạn để tăng khả năng cạnh tranh. Một yếu tố không kém phần quan trọng là thay đổi nhận thức của chính người lao động. Cần truyền thông rộng rãi về vai trò của học tập và thích nghi trong thời đại số, để người lao động không cảm thấy bị bỏ lại phía sau, mà thấy mình là một phần của quá trình chuyển đổi.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Tùng, nhìn chung có thể thấy rằng, AI giúp tăng năng suất lao động, tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại, mở ra cơ hội lớn trong các lĩnh vực như nông nghiệp thông minh, sản xuất công nghệ cao, dịch vụ số, giáo dục trực tuyến. Với dân số trẻ, nhanh nhạy công nghệ, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng AI để rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là nguy cơ bất bình đẳng trong tiếp cận công nghệ. Một bộ phận lớn lao động phổ thông có thể mất việc nếu không được đào tạo lại để thích nghi với xu thế mới. Ngoài ra, hạ tầng dữ liệu, nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như khung pháp lý để quản lý AI một cách hiệu quả còn là những bài toán cần lời giải.

Sự chuyển đổi nghề nghiệp trong kỷ nguyên AI là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu biết cách tận dụng cơ hội và chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta có thể biến những thách thức thành động lực để phát triển. Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động cần chung tay xây dựng một chiến lược chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý, giúp lực lượng lao động Việt Nam vươn lên trong kỷ nguyên số. 

HỒNG ANH - KIỀU OANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.