Tôi vô tình gặp lại Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, hiện là Phó chính ủy Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 12) khi về đơn vị công tác. Cách đây gần 3 năm (tháng 7-2022), anh mang quân hàm Trung tá, công tác tại Trường Quân sự Quân đoàn 1; tôi là người biên tập bài viết “Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn trả lại gần 90 triệu đồng” đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 26-7-2022, do Đại tá Lê Văn Tú, Trưởng khoa Chuyên môn-Kỹ thuật, Trường Quân sự Quân đoàn 1 gửi về tòa soạn. Theo nội dung bài báo, khoảng giữa tháng 7-2022, chị Đinh Thị Vân Anh, thường trú tại phường Bắc Sơn, TP Tam Điệp (Ninh Bình) thực hiện giao dịch nộp tiền vào tài khoản tại cây ATM thuộc Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB), chi nhánh Tam Điệp. Nghĩ rằng đã hoàn thành giao dịch nên chị vội đi giải quyết một số công việc luôn. Ngày hôm sau, khi kiểm tra thông tin tài khoản, chị mới biết giao dịch đã không được thực hiện. Đến MB chi nhánh Tam Điệp, chị Vân Anh được biết số tiền của chị giao dịch, để quên tại cửa lấy tiền cây ATM đã được anh Tuấn phát hiện khi đi rút tiền và bàn giao cho ngân hàng, nhờ chuyển giúp tới người đã tiến hành giao dịch với tổng số tiền 89,5 triệu đồng. Chiều 20-7-2022, chị cùng một người bạn đến Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Quân sự Quân đoàn 1 để cảm ơn về hành động đẹp của Trung tá Nguyễn Thanh Tuấn.

Đối tượng Lê Việt Hùng (giữa) tại cơ quan công an. Ảnh do Công an tỉnh Lạng Sơn cung cấp 

Trước đó, câu chuyện này được một tờ báo đưa tin và dẫn lên một nhóm Facebook với hàng triệu thành viên. Tuy nhiên, do sai sót khi viết “giao dịch nộp tiền vào tài khoản tại cây ATM” của chị Đinh Thị Vân Anh  thành “giao dịch rút tiền” nên nhiều người bình luận với thái độ đầy châm chọc, mỉa mai việc làm tốt của anh Tuấn. Ngày 25-7-2022, tôi nhận được bài viết của Đại tá Lê Văn Tú và phát hiện được chi tiết sai nêu trên nên đăng ngay bài viết trên nhóm Facebook kia để nói rõ sự việc. Thế nhưng, nhiều người dùng Facebook và cả người quản trị vẫn bình luận đầy ác ý, thậm chí với thái độ hung hăng, đe dọa; sau đó đưa tôi ra khỏi nhóm. Gặp lại tôi vào cuối tháng 4 vừa qua, Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn cảm ơn Báo Quân đội nhân dân đã kịp thời đăng tải bài viết, xóa bỏ những hiểu lầm, nghi ngờ, giúp anh và gia đình đi qua “dông bão”, trở lại cuộc sống bình yên.

Ở một chiều hướng khác, sau khi cơ quan chức năng khởi tố một số đối tượng có "tiếng tăm" trên MXH, nhiều người chợt nhận ra ranh giới giữa "đỉnh cao" và "vực sâu" của các “idol mạng” chưa bao giờ mong manh đến thế. Mới đây nhất, ngày 7-5, Công an tỉnh Lạng Sơn xác nhận đã bắt giữ Lê Việt Hùng (sinh năm 1987), trú tại phường Hoàng Văn Thụ, TP Lạng Sơn, để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản. Với những video ghi lại cảnh dẹp bãi xe trái phép, phản ánh tiêu cực đô thị, Hùng nhanh chóng sở hữu lượng người theo dõi lớn và được tung hô như “hiệp sĩ công lý MXH”. Từ đó, Hùng say máu, trở thành kẻ ảo tưởng sức mạnh, coi mình là luật, là công lý, là truyền thông và bắt đầu trượt dài. Từ phản ánh bất cập xã hội, Hùng chuyển sang công kích cá nhân, từ livestream “chống tiêu cực” thành dàn dựng, kích động, thách thức lực lượng chức năng.

Trước đó, ngày 23-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã ra quyết định khởi tố đối với Bùi Phương Nam (sinh năm 1997), quê ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ. Nam được biết đến là “một ngôi sao MXH” với tài khoản Nam "Birthday” có hàng triệu người theo dõi trên TikTok. Có điều, Nam không nổi tiếng nhờ vào học thức, tài năng mà lại nhờ vào việc livestream chống đối, có những lời lẽ thiếu chuẩn mực với lực lượng chức năng.

Lê Việt Hùng, Nam “Birthday” và Tuấn “phò mã” (Hoàng Đình Tuấn, 40 tuổi, quê ở Thường Xuân, Thanh Hóa)... đều gục ngã với cùng một kịch bản: Với một vài video "hot trend" trên MXH, các đối tượng này được đám đông người dùng MXH tung hô, cổ vũ bằng những “tràng pháo tay”, lượt xem, lượt like, chia sẻ lệch chuẩn và trở thành hiện tượng MXH chỉ sau một đêm. Và họ ảo tưởng, nghĩ mình có thể làm bất cứ gì với chiếc điện thoại bằng cách livestream, bất chấp đạo lý, pháp lý mà đâu biết rằng, khi ngồi trong phòng giam thì chính đám đông tung hô hôm nào lại quay sang “ném đá hội đồng”.

Là người thường xuyên theo dõi MXH, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, bên cạnh những mặt tích cực thì MXH còn nhiều tồn tại, mặt trái, tiêu cực. Thông tin giả, xấu độc xuất hiện tràn lan trên các nền tảng MXH đang tác động tiêu cực đến tâm lý, nhận thức, văn hóa, ý thức của người sử dụng, đặc biệt là người trẻ. Việc sử dụng các tính năng của MXH rất dễ dàng, trong đó có tính năng phát trực tiếp dẫn đến nhiều đối tượng lợi dụng để thực hiện các hoạt động trái pháp luật như công kích cá nhân, bới móc đời tư, lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật... Từ đó, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị: “Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để quản lý các hoạt động trên không gian mạng, trong đó có hoạt động MXH sao cho phát huy tối đa những mặt tích cực của các nền tảng này, hạn chế đến mức thấp nhất những mặt trái. Các quy định pháp luật cũng cần quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị cung cấp dịch vụ MXH; ngăn chặn hiệu quả thông tin giả mạo, bịa đặt, sai sự thật trên MXH, đặc biệt là các thông tin có yếu tố kích động bạo lực, chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm Luật An ninh mạng”.

ĐỨC TUẤN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.