Đây là bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Đại học Quốc gia Hà Nội vào nhóm 500 đại học hàng đầu thế giới giai đoạn 2026-2030.

Tuyển chọn 300 ứng viên giảng viên, nhà khoa học tương lai

Trọng tâm của chiến lược là Chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học giai đoạn 2026-2031, với mục tiêu tuyển chọn khoảng 300 học sinh, sinh viên xuất sắc có năng lực học thuật vượt trội, đam mê nghiên cứu và khát vọng trở thành giảng viên, nhà khoa học trong tương lai.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân (ngoài cùng bên phải) tham quan phòng thí nghiệm của Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: VIỆT HÀ

Tiêu chuẩn tuyển chọn được xây dựng khắt khe, không chỉ dựa vào thành tích học tập mà còn yêu cầu năng lực ngoại ngữ, tư duy phản biện, khả năng nghiên cứu độc lập, đặc biệt là cam kết gắn bó lâu dài với Nhà trường. Đại học Quốc gia Hà Nội cũng ưu tiên các ứng viên có hoàn cảnh khó khăn nhưng có ý chí vươn lên và nguyện vọng cống hiến cho khoa học.

Các ứng viên sau khi trúng tuyển sẽ được ký hợp đồng đào tạo chính thức, tạo cơ sở ràng buộc trách nhiệm hai chiều. Lộ trình đào tạo được cá nhân hóa, gồm các khóa bồi dưỡng trong và ngoài nước, hợp tác cùng các đại học hàng đầu như Tokyo (Nhật Bản), Thanh Hoa (Trung Quốc), Paris-Saclay (Pháp), KU Leuven (Bỉ), Arizona (Mỹ) và Học viện Ngoại giao Moscow (Nga).

Ứng viên được hỗ trợ toàn diện về học phí, sinh hoạt phí, chi phí đi lại, nghiên cứu, thực tập trong và ngoài nước, tương đương các chương trình học bổng danh tiếng quốc tế. Ngoài ra, Đại học Quốc gia Hà Nội còn bảo đảm bảo hiểm, học ngoại ngữ, chỗ ở, cơ hội tham gia vào mạng lưới nhà khoa học trẻ toàn cầu do trường thiết lập.

Những người hoàn thành chương trình và đạt tiêu chuẩn sẽ được ưu tiên tuyển dụng chính thức làm giảng viên, nghiên cứu viên tại Đại học Quốc gia Hà Nội. Trường hợp không đáp ứng được yêu cầu học tập (kết quả dưới mức khá) sẽ bị loại khỏi chương trình.

Tăng tốc đầu tư vào nhà khoa học và nhóm nghiên cứu xuất sắc

Song song, Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai Đề án đầu tư phát triển nhà khoa học xuất sắc và nhóm nghiên cứu mạnh. Mục tiêu là xây dựng đội ngũ 200 nhà khoa học xuất sắc, mỗi người công bố ít nhất 4 bài báo quốc tế ISI/Scopus, qua đó tăng số lượng công bố thêm 400-500 bài so với năm 2023.

Đồng thời, trường thành lập Câu lạc bộ VNU200 nhằm kết nối, hỗ trợ đội ngũ này, phát triển hệ sinh thái nghiên cứu tiên tiến. Khoảng 50 nhóm nghiên cứu mạnh được đầu tư theo hai hướng: Gắn với ứng dụng và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa, tập trung công bố quốc tế đỉnh cao để nâng cao vị thế học thuật.

Giai đoạn 2026-2030, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt mục tiêu trở thành đại học nghiên cứu chuẩn quốc tế, vào top 500 trường đại học hàng đầu thế giới. Kế hoạch bao gồm: Tăng công bố quốc tế trung bình lên 1,8 bài báo/giảng viên, phát triển CLB 500 nhà khoa học xuất sắc, xây dựng 100 nhóm nghiên cứu mạnh, mở rộng 15-20 lĩnh vực khoa học đạt xếp hạng quốc tế, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường đại học.

Các chương trình trên không chỉ góp phần nâng tầm học thuật và nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội, mà còn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 45-NQ/TW về đổi mới sáng tạo và phát huy vai trò đội ngũ trí thức quốc gia.

KHÁNH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.