Gia đình chị Nguyễn Thị Thái, quê ở An Giang, có 4 người con sống trong căn nhà trọ 30m2, tại phường 10, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh với mức thuê 2,5 triệu đồng/tháng. Mọi chi phí phục vụ sinh hoạt của gia đình chủ yếu dựa vào thu nhập 6 triệu đồng/tháng của chị làm tại cơ sở sản xuất dịch vụ ở chợ Trần Hữu Trang (Phú Nhuận) và tiền chạy xe ôm thất thường của chồng. Thế nhưng từ tháng 11-2022, chị phải giảm giờ làm vì cơ sở không có đơn đặt hàng, khiến gia đình gặp nhiều khó khăn. Biết hoàn cảnh của chị, các đoàn thể phường 10 đã giới thiệu chị làm nhân viên vệ sinh của chợ Trần Hữu Trang và tặng phiếu mua hàng trong Chương trình “Siêu thị mini Tết 0 đồng” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Nhận phần quà trị giá 400.000 đồng, chị Thái xúc động: “Có việc làm, lại được tặng quà, thế là gia đình tôi có Tết rồi. Tôi cảm ơn tình cảm, trách nhiệm của các ban, ngành địa phương đã hỗ trợ gia đình tôi kịp thời. Đây là nguồn động viên lớn để gia đình tôi vượt qua khó khăn”. Chị Thái là một trong số gần 20.000 người lao động khó khăn được nhận quà từ Chương trình “Siêu thị mini Tết 0 đồng”.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh trao bảng tượng trưng hỗ trợ kinh phí tặng các đơn vị, địa phương để chăm lo Tết cho công nhân, người dân nghèo.  

TP Hồ Chí Minh đang từng bước phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn do thiếu đơn hàng, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao nên phải cắt giảm chi phí sản xuất. Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố, từ tháng 11-2022 đến nay, hơn 100.000 công nhân phải giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, tạm nghỉ việc và hơn 6.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng.

Trước tình hình này, Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh đã yêu cầu các cấp, các ngành phải có chính sách cụ thể hỗ trợ công nhân, người lao động tạm thời mất việc làm, mất việc lâu dài, công nhân chưa có điều kiện về quê ăn Tết. Thực hiện chủ trương trên, UBND thành phố đã quyết định dành 927 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2022) để chăm lo Tết cho người có công, hộ nghèo, công nhân tạm nghỉ việc, mất việc làm. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã sử dụng các nguồn quỹ và vận động được hơn 46 tỷ đồng chăm lo Tết cho công nhân, người dân nghèo. Với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết", LĐLĐ thành phố đã phối hợp với một số đơn vị tổ chức trao 1.500 vé xe, 1.500 suất quà tặng công nhân khó khăn quê miền Trung, miền Bắc được về Tết. Đến thời điểm này, LĐLĐ thành phố đã vận động được 140 tỷ đồng để chăm lo Tết cho 10.000 gia đình đoàn viên khó khăn và tặng vé tàu hỏa, xe ô tô cho hơn 30.000 công nhân về quê đón Tết. Bên cạnh đó, các tổ chức công đoàn còn chủ động phối hợp với các ban, ngành tổ chức nhiều đoàn công tác đến cơ sở tặng quà, nắm tình hình đời sống công nhân; phối hợp với các doanh nghiệp chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động và vận động doanh nghiệp, khu phố có nhiều hình thức tặng quà, phiếu mua hàng, hỗ trợ tiền tàu, xe, tổ chức tất niên cho công nhân bằng nhiều chương trình như: “Xuân đoàn kết-Tết nghĩa tình”; “Góc phố chào xuân-đón Tết nghĩa tình”... 

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ cho hay: "Bên cạnh trích quỹ lợi nhuận, công ty còn vận động mỗi cán bộ, nhân viên đóng góp một ngày lương để tặng quà công nhân khó khăn và tổ chức các hoạt động vui Tết; nhân lên tinh thần tương thân tương ái trong công ty, xây dựng công ty ngày càng phát triển bền vững". 

Theo đồng chí Phạm Chí Tâm, Phó chủ tịch LĐLĐ thành phố, các chương trình đã huy động nhiều nguồn lực chăm lo Tết cho công nhân khó khăn nhằm giữ chân người lao động cho doanh nghiệp, lan tỏa sâu rộng truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc trong dịp Tết Quý Mão 2023.

Bài và ảnh: NGUYỄN HIỂN