leftcenterrightdel
Chợ hoa quận Gò Vấp vắng khách. 

Tại chợ hoa Tết quận Gò Vấp, các mặt hàng hoa, như cúc mâm xôi, mai, cúc, vạn thọ… phong phú rực rỡ nhưng so với mọi năm, lượng khách mua rất thấp. Anh Ngô Văn Thái, ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh than thở: “Tiền thuê mặt bằng 3,5 triệu đồng trong 7 ngày mà từ sáng đến 14 giờ chiều 18-1, tôi vẫn chưa bán được cây mai nào”. Theo anh Thái, giá bán từ 300.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/chậu, chỉ như giá bán so với ngày thường nhưng khách chủ yếu đến xem, hỏi giá rồi bỏ đi.

leftcenterrightdel
Chợ hoa Tết quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh rực rỡ nhưng vắng khách.

Bày bán gần 200 chậu vạn thọ, cúc, mào gà, cục… (mỗi chậu 12-15 bông), chị Hà Thị Thủy, ngụ huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh lo lắng: “Giá bán mỗi chậu cũng chỉ dao động 50.000-70.000 đồng/chậu, nhưng mấy ngày qua, tôi cũng chỉ bán được 12 chậu. Trừ chi phí công chăm sóc, phân bón, tiền mặt bằng, công vận chuyển, tôi không biết có thể lấy lại được vốn không”.

Khảo sát tại các chợ hoa Tết tại TP Hồ Chí Minh như công viên Tao Đàn (quận 1), TP Thủ Đức, chợ đầu mối Bình Điền, đường hoa Phú Mỹ Hưng, chợ hoa xuân “Trên bến dưới thuyền” ở quận 8… với nhiều hoa cao cấp nhưng cũng rất vắng khách, một số chậu lan hồ điệp có giá 30-40 triệu đồng/chậu; các loại mai dáng đẹp, hoa bền có giá dao động 10-17 triệu đồng/chậu…

leftcenterrightdel
Chợ hoa quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh vắng khách.

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - văn hóa lớn ở phía Nam, luôn cần một lượng hàng hóa lớn phục vụ Tết cho người dân, trong đó có hoa Tết. Vì vậy, cận Tết, các nhà vườn từ khắp các địa phương đều tìm cách đổ xô chuyển hàng về thành phố với số lượng lớn khoảng hơn 3 triệu cây cảnh, chậu hoa, cành hoa với mong muốn bán được giá cao. Bởi năm nay, khí hậu thuận lợi, người dân các địa phương phấn khởi gieo trồng vụ hoa Tết bội thu.

Nguyên nhân chợ hoa Tết truyền thống vắng khách còn do tâm lý của không ít người dân thường để cận Tết (ngày 29 hoặc 30 Tết) mới mua hoa. Thêm vào đó, giá thuê mặt bằng tại TP Hồ Chí Minh, nhiều nơi tăng cao nên không ít thương lái chọn những vỉa hè, chợ tự phát có giá thuê mặt bằng thấp để bày bán. Vì vậy, các chợ hoa truyền thống tại TP Hồ Chí Minh khó cạnh tranh. Mặt khác, không ít thương lái tại các chợ hoa truyền thống cũng lợi dụng ngày Tết tăng giá cao từ 20-70% nên khiến người dân thường chọn mua hoa tại những nơi bán tự phát…

Khắc phục hạn chế, khó khăn trên, ngành chức năng thành phố đã tăng cường kiểm tra khắc phục việc “chặt chém”, đồng thời yêu cầu các thương lái phải công khai, niêm yết giá bán; đồng thời chấn chỉnh việc buôn bán tùy tiện tại các vỉa hè, chợ tự phát. Bên cạnh đó, thành phố cũng rà soát, kiểm tra giá thuê mặt bằng trong những ngày Tết; đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng.  

Tin, ảnh: NGUYỄN HIỂN