Hầu hết người dân ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đều cảm nhận được sự rung lắc do ảnh hưởng bởi trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông ngày 28-7.

Chị Đặng Thị Hoài Thương, trú tại huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) cho hay, khi chị và gia đình đang ăn cơm trưa thì thấy các vật dụng trong nhà đều rung chuyển. Ban đầu chị Thương nghĩ là xe ô tô tải chạy qua làm rung chuyển nhưng sau đó vài giây, chị và gia đình đều cảm nhận thấy mặt đất và toàn bộ nhà rung lắc, khiến gia đình rất sợ hãi.

Trường THCS xã Đắk Ring bị rạn nứt tường xây do động đất ngày 28-7. 

Ông Nguyễn Văn Thành, trú tại thành phố Pleiku (tỉnh Gia Lai) kể, lúc xảy ra động đất, tủ chén bát, ti vi, bàn uống nước của gia đình đều rung lắc. Theo ông Thành, đã có những trận động đất ở huyện Kon Plông ảnh hưởng đến các tỉnh lân cận nhưng đây là trận động đất mọi người cảm nhận được sự rung lắc rõ nhất.

Theo thông báo của Viện Vật lý địa cầu, sáng 28-7, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum xảy ra 4 trận động đất; trong đó, trận động đất xảy ra vào lúc 11 giờ 35 phút 10 giây có độ lớn 5.0 độ richter tại vị trí có tọa độ 14,827 độ vĩ Bắc, 108,245 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,1km. Đây là trận động đất có độ lớn cao nhất từ trước tới nay xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông.

Ngay sau khi liên tiếp xảy ra các trận động đất có độ lớn từ 3,3 đến 5,0, UBND huyện Kon Plông đã chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện; các cơ quan đơn vị trực thuộc UBND; UBND các xã và thị trấn Măng Đen khẩn trương đến địa bàn nắm tình hình, đánh giá thiệt hại nhà cửa, tài sản, trụ sở các cơ quan, đơn vị để có phương án xử lý, khắc phục kịp thời thiệt hại do động đất gây ra. Phối hợp với UBND các xã, thị trấn triển khai các biện pháp ứng phó với động đất, đồng thời nắm bắt tư tưởng, động viên nhân dân ổn định tư tưởng, tiếp tục lao động, sản xuất và ổn định cuộc sống.

Đại tá Nguyễn Thế Vinh, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kon Tum cho biết, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức quán triệt, thông báo tới cán bộ, chiến sĩ nắm rõ tình hình động đất trên địa bàn huyện Kon Plông, không để bộ đội hoang mang, dao động tư tưởng, ảnh hưởng đến nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị. Đồng thời quán triệt, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn. Xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu thời bình và chuẩn bị con người, vật chất, phương tiện sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xảy ra. Chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu nội dung, phương pháp huấn luyện bổ sung cho các lực lượng về ứng phó với động đất, cứu hộ, cứu nạn.    

Bài, ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.