Chiến dịch tiến công Trị - Thiên

Ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chính thức thông qua Kế hoạch tiến công chiến lược năm 1972. Việc Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định chọn Trị - Thiên là hướng tiến công chủ yếu là do vị trí chiến lược quan trọng của địa bàn tiếp giáp với hậu phương lớn miền Bắc, nơi ta có các đơn vị chủ lực lớn đứng chân hoạt động, là nơi mà lực lượng và thế bố trí của địch tương đối mỏng yếu hơn so với các chiến trường khác. Nếu giải phóng được Quảng Trị, ta có điều kiện bảo vệ và giữ vững đường vận chuyển chiến lược Trường Sơn cho toàn bộ chiến trường miền Nam.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật chất, cách đánh, ngày 30-3-1972, các đơn vị của ta đã đồng loạt mở cuộc tiến công vào tuyến phòng thủ Đường 9 - Quảng Trị, Kon Tum (Tây Nguyên) và miền Đông Nam Bộ khiến quân địch bị bất ngờ về hướng và quy mô cuộc tiến công, phải bị động đối phó. Trên hướng Trị - Thiên, quân ta mở cuộc tiến công và lần lượt tiêu diệt các căn cứ, vị trí Động Toàn, Ba Hồ, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Quán Ngang, Đầu Mầu, Điểm cao 241… phá vỡ tuyến phòng thủ Đường 9 - bắc Quảng Trị sau 6 ngày chiến đấu mãnh liệt, kết thúc đợt 1 Chiến dịch Trị - Thiên.

Trong đợt 2 từ ngày 14 đến 26-4-1972, quân ta dồn dập pháo kích, tiến công và làm chủ các vị trí, địa bàn Đông Hà, Ái Tử, Lai Phước và La Vang, vây ép địch ở thị xã Quảng Trị, buộc chúng phải rút chạy sau đó. Ngày 2-5-1972, quân ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị. Đây là tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Sau chiến thắng quan trọng này, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chủ trương nhân lúc địch đang hoang mang, rối loạn, tập trung lực lượng phát triển tiến công kết hợp với nổi dậy của quần chúng, tiêu diệt địch, giải phóng tỉnh Thừa Thiên, kể cả thành phố Huế.

 Rạng sáng 2-5-1972, cờ giải phóng trong tay chiến sĩ Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 tung bay trên cổng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh tư liệu 

Lo sợ bị mất địa bàn chiến lược này, đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vội điều động lực lượng lớn cùng vũ khí, trang bị tăng cường bảo vệ Huế, Đà Nẵng và hòng tái chiếm tỉnh Quảng Trị. Về phía ta, sau hai đợt chiến đấu liên tục hết sức ác liệt, tuy giành được thắng lợi lớn, nhưng lực lượng chiến đấu trực tiếp bị tiêu hao, mỏi mệt, vũ khí, đạn dược chưa kịp bổ sung, vì thế đợt tiến công thứ 3 vào phòng tuyến sông Mỹ Chánh từ ngày 20 đến 26-6-1972 không đạt kết quả, lực lượng bị tổn thất thêm. Từ ngày 28-6-1972, ngụy quân Sài Gòn đã tập trung lực lượng, phản kích tái chiếm Quảng Trị dưới sự yểm trợ tối đa của máy bay ném bom và pháo các loại trong đất liền và từ tàu chiến ngoài biển bắn phá. Cuộc chiến đấu ác liệt chưa từng có của các đơn vị bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã diễn ra trong 81 ngày đêm (từ ngày 28-6 đến 16-9-1972) dưới mưa bom, bão đạn của địch, trở thành bản hùng ca của ý chí quyết tâm và lòng quả cảm.

Chiến dịch Nguyễn Huệ

Thực hiện mệnh lệnh của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân ủy Miền và Bộ Tư lệnh Miền đã khẩn trương triển khai các công tác chuẩn bị về lực lượng, cách đánh, đảm bảo binh khí kỹ thuật, hậu cần, mở chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ trên địa bàn miền Đông Nam Bộ từ ngày 1-4-1972 đến 19-1-1973. Đây là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô quân đoàn tăng cường trên địa bàn 4 tỉnh Bình Long, Phước Long, Tây Ninh và Bình Dương nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn miền Đông Nam Bộ làm nơi đứng chân của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; xây dựng bàn đạp tiến công Sài Gòn từ hướng Bắc và Tây Bắc trong những năm tới.

Các sư đoàn 5, 7 và 9 chủ lực của Bộ Tư lệnh Miền, các trung đoàn bộ binh độc lập, các đơn vị bộ đội địa phương, phối hợp với các đơn vị xe tăng, pháo binh, đặc công, phòng không đã được huy động vào chiến dịch quan trọng này. Sáng 1-4-1972, Chiến dịch Nguyễn Huệ mở đầu bằng trận tiến công nghi binh quân địch trên hướng thứ yếu dọc Đường số 22 nhằm buộc quân địch phải điều động lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực cơ động, triển khai lực lượng trên hướng chủ yếu dọc Đường 13 gồm cụm cứ điểm Lộc Ninh, thị xã An Lộc (còn gọi là Hớn Quản, Bình Long) và các vị trí cầu Cần Lê, phía Bắc thị xã An Lộc và từ phía Nam thị xã đến Bắc Chơn Thành.

Ngày 5-4-1972, bộ đội ta mở cuộc tiến công chi khu quân sự Lộc Ninh, chính thức mở đầu cuộc tiến công trên hướng chủ yếu Đường số 13. Sau nhiều trận đánh quyết liệt, quân ta làm chủ chi khu Lộc Ninh chiều 7-4-1972. Phối hợp với hướng chủ yếu, bộ đội chủ lực và lực lượng vũ trang địa phương Bình Long tổ chức tiến công các vị trí địch trên Đường số 13, phía Nam và phía Bắc thị xã Bình Long. Ngày 13-4-1972, Quân giải phóng tiến công thị xã An Lộc, chiếm được một số vị trí ở ngoại ô như điểm cao 128 và 169, núi Gió… nhưng do địch chống trả quyết liệt nên không làm chủ được thị xã, sau đó chuyển sang bao vây, tập kích thị xã này liên tục từ ngày 15-4-1972 đến cuối tháng 9-1972. Trong thời gian này, Bộ Tư lệnh Miền tiếp tục tập trung lực lượng tiến công các vị trí địch và tổ chức phòng ngự chốt chặn các cuộc phản kích của địch trên Đường số 13, đoạn từ phía Nam thị xã Bình Long xuống tới Bắc Chơn Thành. Tuy quân ta chưa thực hiện được mục tiêu đề ra là đánh chiếm được thị xã An Lộc nhưng đã giam chân một bộ phận lớn các đơn vị địch tại đây và trên Đường 13 - Bình Long, tạo điều kiện cho các địa phương ở miền Đông Nam Bộ như Tây Ninh, Biên Hòa liên tiếp tổ chức đánh địch, giành thắng lợi.

Cùng với tiến công, bao vây, kìm chân địch ở thị xã An Lộc và khu vực hai bên Đường số 13, Bộ chỉ huy chiến dịch chủ trương sử dụng một bộ phận lực lượng phối hợp với bộ đội địa phương, du kích tổ chức đánh phá hoạt động bình định của địch ở Bình Dương, Củ Chi, tiêu diệt nhiều tên, làm chủ được hàng chục xã, thôn. Đồng thời, đánh bại cuộc hành quân lấn chiếm của địch trên khu vực Rạch Bắp - Dầu Tiếng, Đường số 14 và Long Nguyên - Minh Hòa, loại khỏi vòng chiến đấu hàng trăm tên địch. Đến giữa tháng 1-1973, Bộ Tư lệnh Miền quyết định kết thúc chiến dịch.

Chiến dịch tiến công Bắc Tây Nguyên

Ngày 23-3-1972, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Mặt trận Tây Nguyên: “Sử dụng lực lượng bản thân cùng lực lượng và binh khí kỹ thuật tăng cường, tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực quân đoàn 2 và lực lượng tổng dự bị quân địch, giải phóng vùng Đăk Tô - Tân Cảnh, thị xã Kon Tum; khi có điều kiện phát triển xuống Pleiku, mở rộng vùng căn cứ Tây Gia Lai, Đăk Lắk, hình thành một vùng căn cứ hoàn chỉnh, nối liền với căn cứ địa miền Đông Nam Bộ”[1].

Thực hiện sự chỉ đạo, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên đã mở Chiến dịch Bắc Tây Nguyên - Xuân Hè 1972, phối hợp với hướng tiến công chiến lược Trị Thiên và miền Đông Nam Bộ. Căn cứ vào sự bố phòng của địch ở Tây Nguyên, sau khi phân tích, đánh giá các điều kiện thuận lợi, khó khăn cần khắc phục, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định tiến công tiêu diệt cụm cứ điểm phòng ngự Đắc Tô - Tân Cảnh, ở phía Bắc - Tây Bắc thị xã Kon Tum 37km, gồm hệ thống các cứ điểm phòng ngự ở thị trấn Tân Cảnh (Căn cứ 42 - Tân Cảnh), quận lỵ Đắc Tô và căn cứ Phượng Hoàng. Đây là trận then chốt mở màn Chiến dịch Bắc Tây Nguyên, ngày 24-4-1972; là trận đánh hiệp đồng binh chủng giữa bộ binh, xe tăng, pháo binh, phối hợp đánh địch từ nhiều hướng, nhiều mũi. Chỉ trong thời gian chưa đầy một ngày, quân ta đã tiến công làm chủ thị trấn Tân Cảnh, căn cứ Tân Cảnh, căn cứ 42, căn cứ Đắc Tô 2, quận lỵ Đắc Tô, diệt và bắt hàng đại bộ phận quân địch. Toàn bộ khu vực phòng ngự Đắc Tô - Tân Cảnh bị xóa sổ, đánh thiệt hại nặng sư đoàn 22 ngụy quân Sài Gòn, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 địch. Đây là lần đầu tiên các lực lượng vũ trang Mặt trận Tây Nguyên tổ chức tiến công địch bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đồng loạt, dồn dập, nhanh chóng đập tan cụm cứ điểm phòng ngự then chốt và vững chắc nhất của địch ở Bắc Tây Nguyên, mở ra khả năng đánh tiêu diệt lớn trên chiến trường quan trọng này. Hơn 25.000 đồng bào các dân tộc đang sống trong các trại tập trung, ấp chiến lược dọc hai bên Đường số 14 và Đường số 18, đoạn từ Võ Định đi Tân Cảnh và Đắc Tô đi Đắc Mót được giải phóng. Chiến thắng Đắc Tô - Tân Cảnh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi trong đợt 1 Chiến dịch Bắc Tây Nguyên.

Ý nghĩa lịch sử sâu sắc

Kể từ đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thời điểm năm 1972, chưa bao giờ trong cùng một thời gian mà lực lượng vũ trang của ta tiêu diệt được một lực lượng lớn quân địch, phá vỡ nhiều tuyến phòng ngự cơ bản của địch, chiếm giữ được nhiều địa bàn xung yếu. Thế bố trí lực lượng của địch trên toàn chiến trường bị phá vỡ không thể khôi phục được.

Cuộc tiến công chiến lược 1972 đã giải phóng gần hết tỉnh Quảng Trị, Kon Tum, phía Bắc tỉnh Bình Định, hoàn chỉnh vùng giải phóng Đông Nam Bộ thuộc các tỉnh Tây Ninh, Bình Long và Phước Long, mở ra vùng giải phóng mới ở đồng bằng Khu V, đồng bằng sông Cửu Long. Thêm 1 triệu nhân dân từ Quảng Trị đến Cà Mau được giải phóng, đưa tổng số dân được giải phóng và làm chủ lên tới 4 triệu người cùng với 2 triệu dân vùng tranh chấp trong tổng số 11 triệu dân ở nông thôn miền Nam.

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 với việc giải phóng tỉnh Quảng Trị đã đập tan hệ thống phòng thủ kiên cố của địch, phá tan huyền thoại về sự bất khả xâm phạm của tuyến hàng rào điện tử Mc. Namara. Việc chiến đấu giữ Thành cổ Quảng Trị trong suốt 81 ngày đêm với sự hy sinh to lớn của bộ đội ta không đơn thuần là cuộc chiến giữ thành quách như trong lịch sử cổ - trung đại. Việc chiếm và giữ Thành cổ trong những ngày tháng đó là giải pháp chính trị và ngoại giao khi Hội nghị Paris đang đến hồi kết. Việc chiếm giữ được Thành cổ là thể hiện sức mạnh về quân sự trên chiến trường, đưa đến ưu thế trên bàn đàm phán, thực sự trở thành vấn đề có ý nghĩa sống còn cho cả hai phía. Khi một giải pháp có lợi cho ta tại hòa đàm Hội nghị Paris đã được định đoạt, việc giữ thành không còn ý nghĩa nữa, ta quyết định rút khỏi Thành cổ về án ngữ bờ Bắc sông Thạch Hãn.

Cuộc tiến công chiến lược năm 1972 đã thể hiện và khẳng định sự hoạt động có hiệu quả của bộ đội chủ lực Quân Giải phóng. Sau cuộc tiến công chiến lược này, hơn 10 sư đoàn chủ lực ta vẫn đứng vững trên địa bàn miền núi và triển khai sâu vào các vùng đồng bằng đông dân ở Khu V và Nam Bộ. Bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển cả về số lượng và chất lượng. Lực lượng vũ trang ba thứ quân đã được bố trí thành thế trận vững mạnh, tạo thế tiến công vững chắc cho cách mạng miền Nam. Cũng qua cuộc tiến công chiến lược này, lực lượng chính trị của ta đã phát triển cả về số lượng và nâng cao về chất lượng, cùng với lực lượng vũ trang phối hợp tiến công địch, giành quyền làm chủ quê hương.

Tuy còn có mặt hạn chế so với yêu cầu chiến lược đề ra, song thắng lợi đã giành được trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972 là vô cùng to lớn. Đây là cuộc tiến công và nổi dậy dài ngày, rộng khắp và mạnh mẽ của quân và dân miền Nam từ sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, đẩy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ đến bờ vực phá sản.

“Thắng lợi to lớn của cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của ta đã làm thay đổi cục diện chiến trường ở miền Nam cùng với việc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 của Mỹ ở miền Bắc, ta đã đạt được mục tiêu giành thắng lợi quyết định. Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam…, tạo nên so sánh lực lượng mới có lợi cho ta kể từ 18 năm chống Mỹ, cứu nước”[2].

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Viện Lịch sử quân sự

[1] Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Tóm tắt các chiến dịch trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1975), Nxb Quân đội nhân dân, H, 2001, tr.293.

[2] Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị: Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước: Thắng lợi và bài học. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 84.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.