Thực dân Pháp triển khai Kế hoạch Navarre

Sau những thất bại liên tiếp ở Hòa Bình, Tây Bắc và Thượng Lào, thực dân Pháp lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan”. Với bản chất ngoan cố, thực dân Pháp chủ trương dựa vào viện trợ Mỹ, cố gắng giành những thắng lợi để tiến tới thoát khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự.

Tháng 5-1953, Chính phủ Pháp cử Đại tướng Henri Navarre, Tham mưu trưởng Lục quân khối Trung Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), sang thay tướng Raoul Salan làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Navarre khẩn trương xây dựng một kế hoạch tác chiến lớn mang tên “Kế hoạch của Navarre”, nhằm xoay chuyển cục diện Chiến tranh Đông Dương. Mục tiêu của kế hoạch này là trong vòng 18 tháng sẽ giúp thực dân Pháp “kết thúc chiến tranh trong danh dự”.

Theo kế hoạch này, thực dân Pháp sẽ giữ thế phòng ngự ở phía Bắc vĩ tuyến 18 và tìm cách tránh giao chiến lớn, trong khi tiến công để ổn định miền Trung và nam Đông Dương. Đặc biệt, phải đánh chiếm được Liên khu 5. Sau khi hoàn thành mục tiêu đề ra cho bước 1, thực dân Pháp sẽ chuyển lực lượng ra chiến trường Bắc Bộ, thực hiện tiến công chiến lược, qua đó giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho thực dân Pháp, nhằm kết thúc chiến tranh. Nếu phía Việt Nam tiếp tục từ chối đàm phán, thực dân Pháp sẽ tập trung các lực lượng mạnh nhất của họ, để hủy diệt hoàn toàn bộ đội chủ lực của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chủ trương của Đảng mở cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân với phương châm “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”

Thực hiện kế hoạch, thực dân Pháp tăng thêm quân viễn chinh, phát triển khối quân cơ động, ráo riết bắt thanh niên vào lính ngụy, tăng cường lực lượng phỉ ở vùng rừng núi. Mùa hè và mùa thu năm 1953, địch mở hàng chục cuộc càn quét lớn, nhỏ ở Bắc Bộ, Bình-Trị-Thiên và Nam Bộ, đánh phá ác liệt các căn cứ của ta; cho quân nhảy dù xuống Lạng Sơn (tháng 7-1953), rút lực lượng chiếm đóng Nà Sản (Sơn La) về tập trung ở Đồng bằng Bắc Bộ (tháng 8-1953), biến Đồng bằng Bắc Bộ thành nơi tập trung binh lực lớn nhất.

Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh họp bàn kế hoạch tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Ảnh: TTXVN

Trước những diễn biến mới của tình hình, cuối tháng 9-1953, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp hội nghị mở rộng, bàn về kế hoạch, nhiệm vụ Đông Xuân 1953 - 1954.

Sau khi cân nhắc các phương án tác chiến do Bộ Tổng Tham mưu xây dựng và ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị đề ra phương châm tác chiến chung là “tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và xác định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953 - 1954 là: Sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch trong vận động ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta. Cùng với đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch, tích cực tiến hành mọi sự chuẩn bị cần thiết[1].

Điều quan trọng trong kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954 là khắc phục mọi khó khăn, sử dụng mọi biện pháp, giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán, phá vỡ khối cơ động tập trung, điều động từng bộ phận chủ lực địch ra từng hướng khác nhau, rồi chọn hướng thuận lợi cho ta mà đánh trận tiêu diệt lớn.

Mở các cuộc tiến công chiến lược vào các hướng quan trọng nhằm phân tán lực lượng quân Pháp

Để thực hiện chủ trương trên, ta đã mở 5 đòn tiến công chiến lược vào các hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu.

Thứ nhất, chủ lực ta tiến công Lai Châu (từ 10-12 đến 20-12-1953), giải phóng Lai Châu, uy hiếp Điện Biên Phủ từ phía Bắc. Navarre buộc phải đưa 6 tiểu đoàn cơ động tăng cường Điện Biên Phủ, biến Điện Biên Phủ trở thành một tập đoàn cứ điểm mạnh.

Thứ hai, tiến công Trung - Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia (21-12-1953 đến tháng 5-1954), giải phóng một vùng đất đai rộng lớn từ Nam, Bắc đường 9 đến đông Xavannakhẹt với hàng chục nghìn dân, hãm địch vào thế “Đông Dương bị cắt làm đôi”, buộc Navarre phải huy động 10 tiểu đoàn tổ chức Sênô thành một tập đoàn cứ điểm.

Thứ ba, tiếp tục tiến sâu xuống Hạ Lào, giải phóng Attapư và toàn bộ cao nguyên Boloven và vùng Nam Xaravan, nối liền vùng giải phóng Hạ Lào và Trung Lào, buộc thực dân Pháp phải điều 2 binh đoàn cơ động đến xây dựng Xaravan thành tập đoàn cứ điểm thứ hai ở Trung và Hạ Lào.

Thừa thắng, ta tiến xuống phía Nam, phối hợp cùng bộ đội Itxarắc của Campuchia giải phóng Voxai, Xiêm Pạng, uy hiếp Stung Treng, tiến xuống sát sông Sơ Lông. Trong khi đó, một bộ phận Quân tình nguyện Việt Nam cùng bộ đội Itxarắc ở miền Đông Campuchia hoạt động từ phía Nam, giải phóng phần lớn Công Pông Chàm, tiến gần tới sông Sơ Lông. Căn cứ miền Đông và Đông Bắc Campuchia được nối liền với vùng giải phóng Hạ Lào.

Thứ tư, ta tiến công Bắc Tây Nguyên (26-1 đến 17-2-1954), giải phóng Kon Tum, uy hiếp Pleiku. Thực dân Pháp buộc phải tăng cường lực lượng cho Pleiku.

Thứ năm, liên quân Lào - Việt tiến công Thượng Lào (29-1 đến 13-2-1954), giải phóng lưu vực sông Nậm Hu và toàn tỉnh Phongsaly. Navarre gấp rút đưa quân từ đồng bằng Bắc Bộ tăng cường cho Louangphabang, Mường Sài. Đồng thời, ta cũng phát triển mạnh phong trào du kích ở các vùng sau lưng địch, như: Nam Bộ, Nam Trung Bộ, Bình - Trị - Thiên, Đồng bằng Bắc Bộ…

Với các hướng tiến công chiến lược trên, ta đã tiêu diệt, tiêu hao nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, phá được âm mưu tập trung lực lượng cơ động chiến lược của Navarre ở vùng đồng bằng, buộc địch phải phân tán lực lượng lên Điện Biên Phủ, Trung và Hạ Lào, Tây Nguyên và Thượng Lào đối phó với ta, đồng thời tạo thế trận tiến công địch liên hoàn trên khắp Đông Dương.

Từ ngày 13-3 đến 7-5-1954, quân và dân ta đã huy động mọi nguồn sức mạnh từ hậu phương và tập trung đại bộ phận bộ đội chủ lực tinh nhuệ, mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ, tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào đàm phán ở Geneve về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương.

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ là một minh chứng cho sức mạnh, ý chí kiên cường, bất khuất, lòng yêu nước và tinh thần chiến đấu anh dũng của Quân đội nhân dân Việt Nam và nhân dân ba nước Đông Dương; là thắng lợi to lớn nhất, oanh liệt nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ.

Trung tá, ThS PHAN ÁNH TUYẾT (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan. 


[1] Bộ Quốc phòng, Việt Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954), tập 4, Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 -1954 kháng chiến kết thúc thắng  lợi, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội. 20116, tr. 71.