Đánh giá tình hình và âm mưu địch, ngày 18-11-1951, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương và Tổng Quân ủy nhận định: Đánh ra Hòa Bình, địch đã phân tán lực lượng cơ động ra một địa hình rừng núi hiểm trở, binh lực ở đồng bằng Bắc Bộ bị dàn mỏng và tương đối sơ hở, đây là một cơ hội hiếm có để ta tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tiến công lớn trên hai mặt trận: Tập trung chủ lực trên mặt trận chính Hòa Bình, đồng thời đưa một bộ phận chủ lực vào hoạt động trong vùng địch hậu đồng bằng Bắc Bộ, đẩy mạnh chiến tranh du kích trong vùng địch tạm chiếm[1]. Bộ Chính trị quyết định tổ chức Bộ chỉ huy Chiến dịch Hòa Bình: Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tham mưu trưởng, Thiếu tướng Hoàng Văn Thái, Chủ nhiệm Chính trị kiêm Phó bí thư Đảng ủy Chiến dịch Nguyễn Chí Thanh.

Xe tăng và trận địa hỏa lực của Pháp bị bộ đội ta tiêu diệt trong Chiến dịch Hòa Bình. Ảnh tư liệu  

Hạ tuần tháng 11-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho các lực lượng vũ trang, nêu rõ: "Trước kia, ta phải lừa địch ra mà đánh. Nay địch tự ra cho ta đánh. Đó là một cơ hội rất tốt cho ta"[2]. Lực lượng ta tham gia chiến dịch có các đại đoàn bộ binh 308, 312, 304, Đại đoàn Công pháo 351 và lực lượng vũ trang địa phương đánh địch ở Mặt trận Hòa Bình (hướng chính). Hai đại đoàn bộ binh 316 và 320 hoạt động ở vùng sau lưng địch.

Lực lượng địch tiến công lên Hòa Bình có 13 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn dù, 4 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn thiết giáp và 2 đại đội xe tăng. Chúng tổ chức phòng ngự thành 2 phân khu: Phân khu Sông Đà - Ba Vì (khu Bắc) và phân khu Hòa Bình - Đường 6 (khu Nam), với 28 cứ điểm lớn nhỏ, mỗi cứ điểm có từ 1-2 đại đội bộ binh đóng giữ (những cứ điểm quan trọng bố trí 3 đại đội bộ binh và tăng cường 1 trung đội xe tăng, thiết giáp, 1 đại đội pháo)[3].

Sau ba đợt chiến đấu: Đợt 1, từ ngày 10 đến 26-12; đợt 2, từ ngày 27 đến 31-12-1951; đợt 3, từ ngày 7-1 đến 25-2-1952, ta loại khỏi vòng chiến đấu 22.000 tên địch, bức hàng bức rút hơn 1.000 đồn bốt, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh, mở rộng các căn cứ du kích, giải phóng hơn hai triệu dân[4]. Trong chiến dịch nhiều đơn vị và cán bộ, chiến sĩ lập thành tích xuất sắc. Chiến sĩ Cù Chính Lan anh dũng diệt xe tăng địch. Chiến sĩ Hoàng Cầm sáng tạo bếp nấu không khói sau này được gọi là "bếp Hoàng Cầm". Trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) diệt cứ điểm Tu Vũ, được tặng danh hiệu "Trung đoàn Tu Vũ".

Chiến dịch Hòa Bình thành công trên các vấn đề tổ chức lực lượng lớn tham gia một chiến dịch, giải quyết hiệp đồng giữa các lực lượng và các hình thức hoạt động, tạo nên thế mạnh tổng hợp của chiến dịch, hình thành thế bao vây chia cắt để tiêu diệt địch; kết hợp hoạt động của các lực lượng giữa Mặt trận Hòa Bình và mặt trận vùng sau lưng địch; bố trí sử dụng lực lượng hợp lý, chỉ huy, xử lý các tình huống kịp thời đạt hiệu quả chiến đấu cao.

Sau khi Hòa Bình được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch: "So với những thắng lợi trước, thắng lợi lần này là khá to. Thắng lợi lần này đã đánh dấu một bước tiến bộ mới của bộ đội ta, và đã làm cho địch phải thất bại nhục nhã trong âm mưu củng cố phòng ngự chuyển lên tiến công..."[5].

Thiếu tá ThS, TRẦN QUỐC DŨNG – Viện Lịch sử quân sự

[1] Bộ Quốc phòng, Bách khoa toàn thư Quân sự Việt Nam, Quyển 1: Lịch sử quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.165.

[2] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.117.

[3] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Tổ chức quân sự Việt Nam, Tập 3 (1930-1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.445,446.

[4] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, 60 năm Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2004, tr.117.

[5] Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hồ Chí Minh biên niên sự kiện quân sự (1919-1969), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2011, tr.350.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.