Ta đã làm thất bại âm mưu đánh chiếm vùng tự do, phá được ý đồ giành lại quyền chủ động trên chiến trường Bắc Bộ của địch; bảo đảm đường giao thông liên lạc giữa Việt Bắc và Liên khu 3, Liên khu 4, đồng thời phá tan âm mưu thâm độc chia rẽ đồng bào Mường của địch.

Một trong những nguyên nhân góp phần thắng lợi quan trọng của chiến dịch đó là sự chủ động, sáng tạo trong công tác bảo đảm hậu cần. Dựa vào sự giúp đỡ của nhân dân các địa phương, hậu cần chiến dịch đã huy động và cung cấp kịp thời cho các đơn vị gần 6.300 tấn gạo, hơn 200 tấn thực phẩm, 280 tấn đạn, cứu chữa gần 6.400 thương binh; huy động hơn 330.400 lượt dân công phục vụ chiến dịch khoảng 12 triệu ngày công...

Các lực lượng hậu cần đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm về bảo đảm cho chiến dịch tiến công quy mô lớn (5 đại đoàn) trong điều kiện chưa có chuẩn bị trước, tác chiến ác liệt, dài ngày cả trên mặt trận chính Hòa Bình và mặt trận phối hợp trong vùng địch hậu; nhu cầu vật chất, cứu chữa thương binh số lượng lớn trong khi nguồn lực của đất nước còn hạn chế, viện trợ quốc tế mới có rất ít. Mặt khác, các chiến trường bị chia cắt, vùng tự do và vùng tạm bị địch chiếm xen kẽ, đường vận chuyển không thuận lợi, việc huy động nhân lực, vật lực gặp nhiều khó khăn.

leftcenterrightdel

Lực lượng dân công vận chuyển vũ khí, lương thực cho Chiến dịch Hòa Bình năm 1951-1952. Ảnh tư liệu 

Dựa vào dân, phát huy sức mạnh của hậu cần nhân dân, cùng sự giúp đỡ của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, cơ quan cung cấp chiến dịch đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong huy động nhân lực, vật lực tại chỗ và ở hậu phương chuyển đến, cùng với khả năng bảo đảm của trên phục vụ cho chiến đấu ở tiền tuyến, hoàn thành tốt nhiệm vụ hậu cần. Những bài học đó đã được kế thừa, vận dụng, phát triển trong chiến tranh giải phóng, góp phần cùng toàn dân đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đi đến thắng lợi cuối cùng. 

Trong điều kiện mới, đòi hỏi công tác hậu cần phải tiến hành đồng bộ nhiều nội dung, biện pháp, nhất là hậu cần nhân dân phải được xây dựng vững mạnh toàn diện; đổi mới tư duy hậu cần, nghiên cứu đề xuất với Chính phủ thành lập các hội đồng bảo đảm quốc phòng từ cấp tỉnh, thành phố đến cơ sở với mô hình tổ chức phù hợp, có quy chế hoạt động chặt chẽ, hiệu quả, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp trong xây dựng và huy động các nguồn lực (trong đó có hậu cần - kỹ thuật) trong xây dựng và tác chiến của khu vực phòng thủ.

Đồng thời phát huy vai trò nòng cốt của hậu cần quân sự địa phương trong xây dựng hậu cần nhân dân các cấp, trọng tâm là tổ chức dự trữ vật chất, phương tiện; phương án huy động hậu cần nhân dân trong các tình huống; phòng thủ dân sự và duy trì sản xuất thời chiến bảo đảm cân đối giữa nhu cầu quốc phòng và dân sinh, nâng cao khả năng hậu cần tại chỗ...

HƯƠNG GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.