Năm 1957, tình hình cách mạng trên hai miền Nam - Bắc có những chuyển biến quan trọng: Tại miền Bắc, kế hoạch khôi phục kinh tế đang trên đà phát triển. Công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất thu được những kết quả tốt. Tình hình chính trị - xã hội ổn định, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng có bước phát triển mới.

Trong khi đó, tại miền Nam, sau khi thiết lập bộ máy cai trị từ trung ương đến cơ sở, với mưu đồ chia cắt lâu dài nước ta, Mỹ và chính quyền Sài Gòn từng bước xé bỏ Hiệp định Genève, thi hành chính sách “tố cộng, diệt cộng”, khủng bố phong trào cách mạng… Tình hình đó đặt ra những yêu cầu mới cao hơn đối với công cuộc xây dựng, tăng cường sức chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 3 năm 1957, Hội nghị lần thứ 12, Khóa II, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị ra Nghị quyết “Về vấn đề xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng”, trong đó nêu rõ nhiệm vụ là: “Bảo vệ công cuộc củng cố và xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ và an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, chủ yếu là chủ nghĩa đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai”[1].

Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó, Trung ương Đảng xác định phương châm xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam là: “Tích cực xây dựng một Quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước đến chính quy hóa và hiện đại hóa”. Đồng thời, Trung ương Đảng nêu rõ: Thực hiện chính quy hóa nhằm thống nhất Quân đội về mọi mặt, chủ yếu là thống nhất chỉ huy, biên chế, huấn luyện, chế độ, kỷ luật, thích hợp với yêu cầu của chiến tranh hiện đại. Thực hiện chính quy hóa nhằm từng bước trang bị cho quân đội các loại vũ khí và phương tiện hiện đại, rèn luyện cho con người nắm vững khoa học kỹ thuật hiện đại, đưa Quân đội ta từ một quân đội đơn thuần bộ binh đến một Quân đội gồm nhiều quân chủng và binh chủng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm một đơn vị bộ đội ở Nam Định (1957). Ảnh: Tư liệu TTXVN

Căn cứ vào tình hình, nhiệm vụ cách mạng và nhiệm vụ quân sự trong giai đoạn mới, Trung ương Đảng nhấn mạnh: “Để bảo đảm nhiệm vụ xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng... yếu tố quyết định là cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ. Vấn đề xây dựng quân đội chính quy và hiện đại, vấn đề củng cố nền quốc phòng trong điều kiện chiến tranh hiện đại không chỉ là vấn đề quân sự mà còn là vấn đề chính trị, vấn đề kinh tế, vấn đề khoa học. Nó đòi hỏi một sự cố gắng liên tục và tích cực của toàn Đảng và toàn dân”[2].

Như vậy, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng là sự nghiệp to lớn của toàn Đảng, toàn dân, có quan hệ trực tiếp đến sự an toàn của quốc gia, đến độc lập, chủ quyền của Tổ quốc, đến đời sống hòa bình và hạnh phúc của nhân dân và tiền đồ của cách mạng. Do đó, Quân đội cần giáo dục, nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ quán triệt sâu sắc nhiệm vụ cách mạng và nhiệm vụ Quân đội trong giai đoạn mới, hiểu rõ mục tiêu phấn đấu của Đảng ta và nhân dân ta không phải chỉ là độc lập, thống nhất và dân chủ mà còn là xã hội chủ nghĩa.

Về xây dựng Quân đội chính quy, hiện đại, Trung ương Đảng chỉ rõ: Thực hiện chính quy hóa nhằm thống nhất Quân đội về mọi mặt, chủ yếu là thống nhất chỉ huy, biên chế, huấn luyện, chế độ, kỷ luật, thích hợp với yêu cầu của chiến tranh hiện đại.

Thực hiện hiện đại hóa nhằm từng bước trang bị cho Quân đội các loại vũ khí và phương tiện hiện đại, rèn luyện con người nắm vững khoa học kỹ thuật hiện đại, đưa Quân đội ta từ một Quân đội đơn thuần bộ binh đến một Quân đội gồm nhiều quân chủng và binh chủng. Trong tình hình kinh tế của đất nước chưa phát triển, việc hiện đại hóa của Quân đội ta dựa một phần quan trọng vào sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Trung ương Đảng nhấn mạnh yêu cầu nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu của Quân đội, làm cho Quân đội ta dù ở trình độ nào, tình huống nào cũng luôn sẵn sàng chiến đấu. Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và của Quân đội, Trung ương Đảng chủ trương xây dựng lực lượng thường trực mạnh, có số lượng thích hợp và chất lượng cao, xây dựng lực lượng hậu bị hùng hậu, phát triển đến phạm vi toàn dân, trên cơ sở thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự.

Phân tích tình hình, nhiệm vụ cách mạng và nhiệm vụ quân sự trong giai đoạn mới, Trung ương Đảng nêu rõ nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, hiện đại phải kết hợp chặt chẽ với nhiệm vụ củng cố xây dựng hậu phương, củng cố quốc phòng phải kết hợp chặt chẽ với xây dựng kinh tế.

Nhận định về những hạn chế của Quân đội ta, của nền kinh tế nước ta, về những đặc điểm địa hình, thời tiết và căn cứ vào nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ của Quân đội, vào khả năng giúp đỡ của các nước anh em, Trung ương Đảng đề ra phương châm “tích cực xây dựng Quân đội tiến dần từng bước vững chắc lên chính quy, hiện đại”. Trong khi thực hiện phải chống tư tưởng nóng vội, thoát ly thực tế. Nhưng phải hết sức cố gắng tranh thủ thời gian vì âm mưu của địch rất thâm độc, đòi hỏi của tình hình rất cấp thiết, nhiệm vụ xây dựng Quân đội rất khẩn trương và nặng nề.

Những quan điểm cơ bản về xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng trong giai đoạn cách mạng mới được Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đề ra, đánh dấu bước phát triển mới về lý luận quân sự nói chung và lý luận xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng nói riêng của Đảng ta. Những quan điểm đó đã hoàn chỉnh thêm một bước những vấn đề lý luận về xây dựng Quân đội nhân dân và củng cố nền quốc phòng toàn dân được vạch ra từ nghị quyết về Đội tự vệ của Đại hội lần thứ nhất của Đảng (năm 1935), nghị quyết Hội nghị quân sự Bắc Kỳ (năm 1945) và các nghị quyết quân sự của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954). Nghị quyết Hội nghị lần thứ 12, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa II chỉ rõ phương hướng mục tiêu cho Quân đội ta xây dựng nâng cao sức mạnh chiến đấu và trình độ sẵn sàng chiến đấu trong những năm miền Bắc có hòa bình, thiết thực chuẩn bị cho cuộc chiến tranh quy mô lớn chống đế quốc Mỹ, đập tan chế độ ngụy quyền tay sai, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Đại úy, ThS NGUYỄN NGỌC TOÁN (Viện Lịch sử Quân sự


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, tr. 286

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 18, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2002, tr. 300.

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Vững bước dưới Quân kỳ Quyết thắng xem các tin, bài liên quan.