Đây là ấn phẩm kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Bác (19-5-1890 / 19-5-2023) và tròn 80 năm (1943-2023) ngày Bác viết tập thơ “Ngục trung nhật ký”.

Tháng 8-1942, Nguyễn Ái Quốc lấy tên Hồ Chí Minh với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam sang Trung Quốc công tác. Khi đến Túc Vinh, Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ, và từ đây bắt đầu hành trình 13 tháng đầy gian nan, cực khổ trải qua 18 nhà lao của 13 huyện thuộc tỉnh Quảng Tây. Trong những tháng ngày đó, Người đã sáng tác tập thơ “Nhật ký trong tù”.

Mỗi bài thơ là tiếng lòng của tác giả, khắc họa sâu sắc tâm hồn, những suy nghĩ, tình cảm của Bác trong thời gian bị giam cầm nơi đất khách. Đó là lòng yêu nước tha thiết, mong được trở về hòa mình vào cuộc chiến đấu của đồng bào. Mặc dù chịu bao khổ cực, áp bức nhưng Người luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm đến mọi người, đặc biệt là các bạn tù. Tình yêu thương bao la, vô bờ bến của Bác không chỉ dành cho mọi kiếp người, không phân biệt giai cấp, dân tộc mà còn là tình yêu thiên nhiên, hòa mình vào muôn cảnh vật. Toát lên từ toàn bộ tập “Nhật ký trong tù” là một tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày mai tươi sáng, ý chí kiên cường, bền bỉ, lòng quyết tâm sắt đá của Người. Bản lĩnh của người chiến sĩ cộng sản, sức mạnh tinh thần lớn lao đã đưa Người vượt qua thử thách, đến với ngày tự do, trở về Tổ quốc thân yêu, lãnh đạo toàn dân giành độc lập, tự do cho dân tộc.

leftcenterrightdel
Cuốn sách “Nhật ký trong tù” do nhà thơ, học giả Quách Tấn phỏng dịch từ tập “Ngục trung nhật ký” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Dưới hình thức những bài thơ ngắn gọn, giản dị, tập thơ đã làm nổi bật phẩm chất đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh - một bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, tiêu biểu cho khí phách, tâm hồn Việt Nam.

Bản dịch “Nhật ký trong tù” được tập thể dịch giả Viện Văn học chuyển ngữ, xuất bản rộng rãi năm 1960. Vài năm sau, ở trong lòng chế độ ngụy quyền, nhà thơ, học giả Quách Tấn có được tập thơ của Bác do người bạn ở nước ngoài gửi về. Theo lời kể của nhà sử học Dương Trung Quốc trong cuộc trò chuyện với nhà thơ Quách Tấn năm 1978 tại TP Nha Trang thì nhà thơ Quách Tấn đã đọc kỹ phần dịch ra quốc ngữ do các bậc túc nho ngoài Bắc dịch, thấy có nhiều điều hay nhưng cũng có điều chưa thật ưng ý. Với cái thú của người vốn thích dịch thơ Đường nên nhà thơ Quách Tấn cất công ngồi dịch lại. Có nhiều bài nhà thơ Quách Tấn thấy dịch thành lục bát ý vị hơn. Dịch xong, nhà thơ Quách Tấn mời vị túc nho người Quảng Ngãi tên là Trần Thúc Lâm ra Nha Trang chơi cả tháng nhờ chép chữ thật đẹp vào cuốn sách giấy quý này làm kỷ niệm. Tập di cảo này đã được thân nhân nhà thơ Quách Tấn gửi nhà sử học Dương Trung Quốc sau khi nhà thơ qua đời.

PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, Phó giám đốc Thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, cho biết: “Với tư cách là một dịch giả thơ chữ Hán, nếu trước đây, người đọc đã biết tài năng dịch thuật của nhà thơ Quách Tấn qua việc dịch thơ Nguyễn Du, Thái Thuận… thì hôm nay, trong cuốn sách này của ông, chúng ta hiểu và trân trọng hơn tài năng dịch thuật, đặc biệt là về tình cảm của Quách Tấn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, qua những trang dịch thơ tập “Ngục trung nhật ký”.

HOÀNG HOÀNG