QĐND - Như tin đã đưa, ngày 6-9, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học 70 năm tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng nhiều nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ uy tín đã đến dự. Ngoài việc khẳng định những giá trị vượt thời gian của “Nhật ký trong tù”, đã xuất hiện một số cách nhìn mới, sâu sắc hơn về tập thơ bất hủ này...
 |
Một số công trình nghiên cứu về “Nhật ký trong tù”.
|
Còn mãi với thời gian
Tập thơ “Nhật ký trong tù” được Bác Hồ sáng tác bằng chữ Hán trong 14 tháng (đầu năm 1942 đến đầu năm 1943) khi bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giam giữ trong các nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) và đã được công nhận là bảo vật Quốc gia. Tuy nhiên, không nhiều người biết, ai là người cất giữ bản thảo tập thơ “Nhật ký trong tù” sau khi Bác được thả tự do? Và ai đã gửi bản thảo tới Bác qua đường bưu điện năm 1955?... Những câu hỏi chưa có lời giải trên cần phải được các nhà sử học làm rõ.
Về phương diện nghệ thuật của tập thơ “Nhật ký trong tù”, hai giáo sư Trần Đình Sử và Phương Lựu đều có khẳng định mới mẻ rằng, “Nhật ký trong tù” tuy sáng tác bằng chữ Hán, theo thể Đường luật và có một số bài thơ phỏng cổ nhưng “Nhật ký trong tù” rất khác với thơ Đường. Cái khác thể hiện ở một số điểm như: Từ ngữ được sử dụng theo hướng phổ thông hóa, đại chúng hóa, đặc biệt là khẩu ngữ; về mặt thể loại, cống hiến lớn nhất của Bác là đã sáng tạo ra thể thơ tứ tuyệt tự sự không có trong thơ Đường; gắn liền với vấn đề thể loại là sự phá vỡ phong cách, cấu tứ so với thơ Đường.
Những nghiên cứu mới về nghệ thuật thơ trong tập “Nhật ký trong tù”, thiết nghĩ cần được phổ biến để người dân hiểu thêm về tài năng thơ ca của Bác, dù Bác không nhận mình là nhà thơ. Song, điều cần làm hơn cả nhân dịp 70 năm “Nhật ký trong tù” là khẳng định lại giá trị đạo đức cách mạng sáng ngời của Bác được thể hiện trong tập thơ. Qua đó, giáo dục, cổ vũ mọi người hăng hái thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
“Nhật ký trong tù” là tập thơ duy nhất Bác làm để cho chính mình như Bác tâm sự trong bài “Khai quyển”: “Ngâm thơ ta vốn không ham/ Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây/ Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/ Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”. Nhưng từ việc làm thơ cho chính mình, những phẩm chất đạo đức của Bác được bộc lộ rõ ràng nhất. Đó là: Dù hoàn cảnh có gian lao đến đâu vẫn không chịu lùi bước, luôn lạc quan yêu đời; giành sự chủ động về tinh thần nhưng không sa vào kiểu thắng lợi tinh thần của AQ (Lỗ Tấn); luôn quan tâm đến cuộc sống cơ cực của người dân với tinh thần nhân đạo cao quý…
 |
Quang cảnh buổi tọa đàm khoa học 70 năm “Nhật ký trong tù”.
|
Tiếp tục phát huy giá trị của “Nhật ký trong tù”
Năm 1960, khi “Nhật ký trong tù” được dịch ra chữ Quốc ngữ, đã có sức lan tỏa đến đông đảo quần chúng nhân dân. Sau đó, tập thơ đã được dịch ra gần 30 thứ tiếng và được bạn bè trên khắp thế giới đánh giá cao.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hiện nay, trong giới trẻ nhiều người đã không còn biết rõ về giá trị và xuất xứ tập thơ “Nhật ký trong tù”. Một trong những lý do là theo tinh thần giảm tải chương trình phổ thông hiện nay, số tiết học và số lượng các bài thơ trong “Nhật ký trong tù” giảm đi so với chương trình giáo dục trước đây. Cụ thể, ở trung học cơ sở (lớp 8) có các bài “Ngắm trăng”, “Đi đường”; ở trung học phổ thông (lớp 11) có bài “Chiều tối” và bài “Lai Tân” (chỉ đọc thêm ở chương trình chuẩn, được học chính ở chương trình nâng cao). Mặt khác, chương trình cũng không dành tiết học riêng cho việc giới thiệu chung về “Nhật ký trong tù”. Học sinh không có điều kiện tìm hiểu chung về tập thơ, từ đó việc tiếp nhận bài thơ cụ thể sẽ có khó khăn. Chúng tôi cho rằng, trong khi chờ đợi một sự thay đổi từ sách giáo khoa ngữ văn giới thiệu về tập thơ “Nhật ký trong tù” kỹ hơn, cần quy định học sinh lớp 8 đọc toàn bộ “Nhật ký trong tù” như một trong các cuốn sách bắt buộc phải đọc. Sau khi đọc xong, các em phải thực hiện bài viết về “Nhật ký trong tù” để giáo viên thẩm định, nhưng không chấm điểm. Việc quy định học sinh đọc các cuốn sách bắt buộc, ở các nước châu Âu đã làm từ lâu. Điều này sẽ giúp các em học sinh vừa hiểu được xuất xứ và một phần giá trị tập thơ, qua đó hiểu về tấm gương đạo đức của Bác; song lại không gây áp lực về vấn đề điểm số cho các em.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tiếp tục tổ chức dịch và xuất bản “Nhật ký trong tù” ra các thứ tiếng của các tộc người thiểu số đang sinh sống trên khắp nước ta; hoặc hỗ trợ những cá nhân tâm huyết như NGƯT Hoàng An - người đã dịch “Nhật ký trong tù” trực tiếp từ chữ Hán sang tiếng Tày-Nùng thành tập thơ dịch “Nhật ký chang từ”. NGƯT Hoàng An cho biết, sau khi sách in ra, rất nhiều bà con các dân tộc và các phòng Giáo dục-Đào tạo trong tỉnh Cao Bằng đã đến xin sách; chứng tỏ nhu cầu bà con dân tộc thiểu số muốn tìm hiểu “Nhật ký trong tù” của Bác rất lớn nhưng chưa được đáp ứng đầy đủ.
Ngoài ra, trong tương lai, các tổ chức và cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật cần suy nghĩ để có thể chuyển tải “Nhật ký trong tù” bằng nhiều hình thức khác nhau như: Sách điện tử, qua nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh… để giới thiệu và truyền bá sâu rộng hơn nữa những giá trị bất hủ của “Nhật ký trong tù” ở trong nước và cả ở nước ngoài. TS Lý Xuân Chung (Viện nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, người Hàn Quốc rất thích và hiểu được các giá trị tinh thần của “Nhật ký trong tù” thông qua triển lãm thư pháp.
Ngày nay, khi giao lưu văn hóa trở nên mạnh mẽ, để góp phần tạo dựng “sức mạnh mềm” văn hóa thì những giá trị văn hóa dân tộc cần tiếp tục được khẳng định và quảng bá. “Nhật ký trong tù” có lịch sử ra đời đặc biệt và là tác phẩm của một vĩ nhân, chắc chắn sẽ có tác động lớn đến người đọc trên khắp thế giới. Nếu được tuyên truyền, quảng bá tích cực và hiệu quả, “Nhật ký trong tù” sẽ lôi cuốn được nhân dân trong và ngoài nước hiểu thêm về những giá trị tinh thần tốt đẹp, nhân văn của Việt Nam, thông qua Hồ Chí Minh.
Bài và ảnh: HÀM ĐAN