Trong thời gian hai năm qua, đã có một đột biến nhỏ về số lượng các tác phẩm văn học lấy đề tài lịch sử của người viết trẻ. Tiêu biểu trong đó là tiểu thuyết dã sử “Ngự tiền quan án - Đại án Quảng Nam” của Lương Hoài Trọng Tính, “Tước Gấm Giấu Đay” của nhiều tác giả, “Tây Sơn Phụng Thần Ký” của Thành Châu. Riêng đầu năm nay đã có 3 tác phẩm được cấp phép xuất bản gồm “Trăng Tan Đáy Nước” (tập truyện về những thiên tình sử) của Hoàng Yến, “Như Sơ” của Việt Chi khai thác mối tình Trần Quang Khải và Phụng Dương, “Lúc biết xuyên không thì đã muộn” của tác giả Mật Tiễn.

leftcenterrightdel
 Buổi Talk Show diễn ra thành công tốt đẹp.

Bắt đầu viết được 6 năm, lúc đầu Hoàng Yến chỉ dự định viết tiểu thuyết có bối cảnh lịch sử ghép với các yếu tố giả tưởng. Nhưng quá trình đọc tài liệu khiến cho cô ngày càng yêu thích lịch sử và có tham vọng gửi gắm tình yêu của mình vào các tác phẩm. Theo quan điểm của Hoàng Yến, điều quan trọng nhất là chọn được đúng đề tài, đúng nhân vật mình yêu thích.

Ngoài việc chia sẻ về thành công của mình, Hoàng Yến cũng không ngần ngại đề cập đến những vấn đề khó khăn và thuận lợi của việc viết tiểu thuyết dã sử đối với các tác giả trẻ. Một trong những khó khăn lớn nhất là việc nghiên cứu sâu sắc về thời kỳ lịch sử mà họ muốn tái hiện trong tiểu thuyết. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và cố gắng để hiểu rõ về văn hóa, xã hội và nhân vật quan trọng của thời đại đó. Đồng thời, tác giả cũng phải đảm bảo rằng tiểu thuyết của họ phản ánh đúng và chính xác các sự kiện, tình huống lịch sử, tránh được hiểu nhầm hoặc biến tấu quá mức.

leftcenterrightdel
 Nhà văn Hoàng Yến và nhà văn Đức Anh chia sẻ trong buổi trò chuyện.

Khi được hỏi về ngôn ngữ, Hoàng Yến nhấn mạnh cách xưng hô, ăn nói, từng chi tiết trong hành xử… là điều rất quan trọng và nếu không cẩn thận thì sẽ bị so sánh với dã sử của các quốc gia khác. Tuy nhiên, việc tổng quát hơn là xây dựng một cốt truyện đủ mạnh, có mục tiêu, có rào cản và từ đó, tác giả sẽ “tự động” có nhu cầu xây dựng bối cảnh và nhân vật cho đúng với thời đại.

Theo Linh Lan Books, hiện nay dã sử là một đề tài được nhiều tác giả lựa chọn, đa phần vì các câu chuyện lịch sử thường gây nhiều cảm hứng. Đặc biệt lịch sử Việt Nam ghi nhận rất nhiều đề tài về các nhân vật nữ anh hùng, thường gây được sự đồng cảm ở đông đảo độc giả thuộc phái nữ. Với kỹ thuật truyền thông qua nội dung ngắn trên các mạng xã hội, tác giả tạo được cộng đồng của riêng mình và sau đó tìm được các độc giả tiềm năng mua sách của họ. Đây là một làn gió mới cho mảng đề tài này. 

“Viết về lịch sử là đam mê của tôi. Chúng ta, nhất là các độc giả thanh thiếu niên, cần phân biệt giữa dã sử và chính sử. Chính sử là những gì đã được ghi nhận và công nhận. Còn dã sử có bàn tay của sáng tạo văn học, đó là cánh cửa để chúng ta đi vào lịch sử, thêm động lực để tìm hiểu và yêu văn hóa nước nhà hơn” - Nhà văn Hoàng Yến chia sẻ.

Cũng trong buổi tọa đàm, Linh Lan Books cùng các độc giả đã chia sẻ những cảm hứng xoay quanh tác phẩm "Trăng Tan Đáy Nước". Tập truyện ngắn "Trăng Tan Đáy Nước" là tập truyện về những mối tình nổi tiếng, xuyên suốt 2000 năm lịch sử. Những mối tình đó đều gắn liền với những sự kiện lịch sử hoặc huyền sử quan trọng, bắt đầu từ Trọng Thủy - Mị Châu và kết lại bằng mối nhân duyên giữa Vua Bảo Đại và Hoàng Hậu Nam Phương thời Nguyễn. Chỉ sau 8 ngày phát hành, tác phẩm đã bán được hơn 1.000 bản chỉ trên một gian hàng thương mại điện tử.

THANH HẢI

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.