Năm 2022, nhà thơ tập hợp những trang nhật ký và những bài thơ được viết trong suốt năm 1972-thời điểm sáng tác sung sức và nhiều thành tựu của mình-để in thành sách có tên “Quảng Trị 1972-Từ nhật ký đến thơ” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2022). Không chỉ khẳng định nguyên lý muốn có thơ hay nhà thơ, phải nhập thân hết mình vào cuộc sống để lắng nghe tiếng nói và nắm bắt bản chất, tinh thần của thời đại, tập sách còn cho thấy một chân dung tuyệt đẹp của thế hệ thanh niên tràn đầy lý tưởng, trong sáng đến tận cùng, sẵn sàng xả thân đến quên mình vì đất nước.
 |
Bìa cuốn sách.
|
Đúng như tên gọi, cuốn sách giới thiệu những trang nhật ký của người lính thông tin Nguyễn Đức Ngọc (tên khai sinh của nhà thơ) một cách trung thực nhất để bạn đọc hôm nay hiểu thêm về những ngày bộ đội ta đánh Mỹ ở Quảng Trị-một trong những chiến trường ác liệt nhất, đồng thời là những tư liệu về bối cảnh sáng tác tin cậy của những bài thơ nổi tiếng, trong đó có chùm thơ được giải nhì cuộc thi thơ năm 1972-1973 của Tuần báo Văn nghệ. Tập sách góp phần tái hiện khí thế của thế hệ trẻ thời ấy nhập cuộc sẵn sàng cầm súng ra trận một cách nhẹ nhàng, vô tư. Họ coi việc đi vào chiến trường cũng là một cách rèn luyện nhân cách tốt hơn, đẹp hơn: “Tôi xong nước lửa này, mình đã có thể rắn chắc đủ độ” (viết lúc 10 giờ đêm 12-3-1972).
Chưa là một nhà sáng tác thực thụ nhưng những ngày này, Anh Ngọc đã có một quan niệm đúng về cuộc kháng chiến sẽ là “vốn sống”, “vốn cho đời” và “nguồn sáng tạo mãi mãi cho văn nghệ” (viết ngày 14-3-1972). Những trang nhật ký sinh động ấy làm hiện lên hoàn cảnh lịch sử toàn dân ta đánh giặc, với lòng quyết tâm đánh Mỹ, cứu nước của tất cả, từ cụ già tới em nhỏ, cùng một tinh thần rất đỗi lạc quan. Trên đường ra trận, người lính ấy bắt gặp “Từ tím hoa xoan tới gặp tím hoa cà/ Đất nước nở hoa suốt mùa đánh giặc” (Gặp lại, ngày 6-4-1972), được trực tiếp chứng kiến mối tình quân dân cá nước, ruột thịt... Nhưng rõ nhất vẫn là những trạng thái hoạt động của anh lính thông tin vượt lên trên khả năng của bản thân, để “Sáng nay lại đi tiếp, vác dây. Hai chuyến. Chuyến sau đi suốt từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều... Về đến nơi chỉ còn bò ra. Nằm gần như bất tỉnh nhân sự...” (viết đêm 16-4-1972). Đó còn là tình đồng đội mộc mạc gắn liền với kỷ niệm về cây lúa có trên khắp mọi nẻo quê đất nước: “Đêm phục kích hái một bông lúa chín/ Chụm đầu cắn chắt bên nhau” (viết đêm 3-6-1972)...
Đặc sắc nhất của tập sách vẫn là những câu chuyện “thai nghén” về tác phẩm (thơ), tức câu chuyện về quan hệ giữa cuộc sống-tác giả-tác phẩm. Vấn đề này lý luận văn học đã giải quyết khá cơ bản trên phương diện lý thuyết, đóng góp của tập sách này chính là sự cụ thể hóa, sinh động hóa bằng những chi tiết chỉ có trong hoàn cảnh chiến tranh. Có những câu thơ nói về một sự thật, rất giản dị nhưng lại cắt nghĩa một điều lớn lao là vì sao chúng ta thắng đế quốc Mỹ xâm lược. Trong tận cùng gian khổ, mất mát, hy sinh, thế mà vẫn có nhiều những “Anh lính trẻ hái một cành xấu hổ/ Ướp vào trong trang sổ của mình” (Cây xấu hổ, ngày 31-5-1972). Vì cả dân tộc ta yêu nước, quật khởi... và rất yêu cái đẹp, rất anh hùng và cũng rất nhân văn, nghệ sĩ!
Từ cái nhìn, suy nghĩ của một người có thể nhìn ra thế đứng của cả một dân tộc. Từ một trang sách có thể nhìn ra cả một trang thời đại. Tập sách này phần nào, dù có thể là rất nhỏ, đã thể hiện điều ấy.
NGUYÊN THANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.