Hiểu một cách đơn giản, tự sự học (narrative) nghiên cứu cấu trúc văn bản nghệ thuật để tìm ra những cách đọc khác nhau. Giống như trong ngôn ngữ, để nói và viết một câu đúng, đủ truyền đạt thông tin để người khác hiểu, chúng ta cần phải biết ngữ pháp vốn là cấu trúc có tính công thức. Tự sự học trong văn chương chính là nghiên cứu “ngữ pháp” kiến tạo tác phẩm.

Đầu thế kỷ 20, với vai trò tiền phong của chủ nghĩa hình thức Nga, mới có những kết quả thuyết phục về tự sự học. Khái niệm trung tâm của các nhà hình thức Nga là “thủ pháp” (device). Thủ pháp nghệ thuật (trong đó có văn học) là các cách thức biến những chất liệu chỉ có giá trị tiêu dùng, được sử dụng một cách phổ biến trở thành hạt nhân thẩm mỹ trong tác phẩm nghệ thuật. Không phải bất cứ thủ pháp nào cũng có giá trị mà chỉ có những thủ pháp “lạ hóa” (defamiliarization) mới có tính nghệ thuật.

Sau đó, các nhà lý luận văn học trên thế giới tiếp tục đào sâu các vấn đề trong nội tại cấu trúc tác phẩm như: Điểm nhìn, giọng điệu, chức năng nhân vật, tác giả hàm ẩn... Từ cuối thập niên 1960, tự sự học dần trở thành một bộ môn nghiên cứu liên ngành, liên kết với ngôn ngữ học, sử học, nhân học... Bởi lẽ người ta nhận ra: Tôn giáo, lịch sử, nghệ thuật, khoa học... muốn truyền đạt thông tin, thông điệp, muốn hấp dẫn quần chúng đều cậy nhờ tự sự. Tất nhiên, tự sự văn học là phức tạp nhất, đáng nghiên cứu nhất, làm thành đối tượng chủ yếu của tự sự học.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn sách.

Công trình của TS Cao Kim Lan nghiên cứu các quan điểm về tự sự học Âu Mỹ với các đại diện là R.Scholes, R.Kellogg, W.Booth... đặc biệt là công trình “Tu từ học tiểu thuyết” của W.Booth (Mỹ). Ảnh hưởng bởi chủ nghĩa thực dụng, W.Booth nhấn mạnh, mọi thủ pháp kỹ thuật hướng đến mục đích duy nhất là tạo ra sức hấp dẫn “ma thuật” cho truyện kể.

Với những người yêu thích văn xuôi, đặc biệt là tiểu thuyết đều có chung “cảm giác”: Đọc khoảng hơn chục trang sách mà không thấy hấp dẫn, sẽ có “dự cảm” tác phẩm không có nhiều giá trị. Nếu được trang bị kiến thức về tự sự học, độc giả sẽ hiểu ngay đó là do tác giả đã không kết hợp nhuần nhuyễn các yếu tố nghệ thuật kể chuyện. Chẳng hạn, trong tiểu thuyết hình sự, thông thường tác giả sẽ kể chuyện, dần dần hé lộ thủ phạm, dẫn dắt độc giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, để cuối cùng lộ diện “trùm cuối”. Nhưng cũng có cách kể mà chính thủ phạm xuất hiện ngay từ những trang đầu tiên và đồng thời là người kể chuyện. Làm thế nào để người đọc dù biết rõ hung thủ vẫn đọc ngấu nghiến vài trăm trang sách. Như vậy, dùng ngôi kể chuyện nào, giọng điệu ra sao, cùng với đó là điểm nhìn, sắp xếp các yếu tố để tương thích với nhau làm nên một cấu trúc nghệ thuật là “ma thuật” thể hiện tài năng sáng tạo của nhà văn.

Sau khi giới thiệu lý thuyết, TS Cao Kim Lan đã ứng dụng để đọc những tác phẩm văn xuôi nổi tiếng của các nhà văn Việt Nam: Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Nguyễn Xuân Khánh. Cách đọc của TS Cao Kim Lan có tính liên ngành khi đọc Vũ Trọng Phụng không thể tách rời ngữ cảnh văn hóa, đọc “Mẫu Thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh thông qua hệ thống biểu tượng, khám phá người kể chuyện tự ý thức trong “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh... Những vấn đề tác giả đặt ra khi đọc tác phẩm có thể là không phải đầu tiên nhưng thông qua bộ công cụ khái niệm của tự sự học, những kiến giải về các tác phẩm trở nên thuyết phục, có chiều sâu, tránh hiện tượng võ đoán, phán đoán giá trị theo kiểu “úp nơm”.

Với việc kết hợp lý luận và thực tiễn, khả năng ứng dụng rộng rãi, “Ma thuật của truyện kể” đã được giới nghiên cứu văn học đánh giá cao, được tặng thưởng mức A của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương vào năm 2020.

MỘC MIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.