Cuốn sách “Truyện truyền kỳ Việt Nam” chọn lọc 50 truyện là các thần tích, thần phả và truyện cổ tích mang yếu tố truyền kỳ đậm nét từ một số tập sách lớn như “Hát Đông thư dị”, “Công dư tiệp ký”, “Sơn cư tạp thuật”, “Kiến văn tiểu lục”, “Tang thương ngẫu lục”, “Lan Trì kiến văn lục”, “Thánh Tông di thảo”, “Truyền kỳ mạn lục”, “Truyền kỳ tân phả”…

Trong đó, có những truyện như: “Hổ bộc” (làm đầy tớ hổ), “Quy nữ” (gái đội lốt rùa), “Truyện hồ Ba Bể”, “Thần hồ Động Đình”, “Sự tích Linh Lang Đại vương”, “Sự tích Đại thánh Từ Đạo Hạnh”, “Ông Sư tiên núi Nưa”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên”, “Chuyện tướng Dạ Xoa”, “Loại côn trùng tranh cãi nhau”, “Chuyện chức phán sự đền Tản Viên”...

Những người biên soạn đã tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau, tuyển chọn những truyện có yếu tố truyền kỳ khá đậm, để người đọc có thể có ý niệm rõ rệt về dòng sáng tác, biên soạn này.

leftcenterrightdel

 Cuốn sách "Truyện truyền kỳ Việt Nam".

Truyện truyền kỳ Việt Nam là một thể loại văn học viết, tập trung khai thác các mô típ kỳ lạ, hoang đường, các nhân vật là những anh hùng Việt Nam thời xa xưa được truyền thuyết, thần thánh hóa, mang tầm vóc sử thi, hay các nhân vật chỉ xuất hiện trong tưởng tượng như thánh thần, tiên phật, ma vương quỷ dữ, các con vật, cây cối... thành tinh biến hóa khôn lường và cả những kiếp người hiện hữu quanh ta.

Truyện truyền kỳ ở Việt Nam mang đậm văn hóa dân tộc, rất có chừng mực cho nên những yếu tố kỳ quái, kinh dị ít xuất hiện; ngược lại chỉ có yếu tố lạ lùng, hấp dẫn. Cho nên truyện truyền kỳ rất thích hợp cho trẻ em do kích thích trí tưởng tượng, sự ham mê tìm hiểu văn hóa, xã hội cổ xưa của dân tộc. Với cách dùng yếu tố kỳ ảo làm phương thức chuyển tải nội dung, truyện truyền kỳ luôn tạo được sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với mọi lứa tuổi, mọi thời đại, đặc biệt là các em nhỏ.

Bên cạnh mang đến cho độc giả, đặc biệt là các em nhỏ, những câu chuyện kỳ thú, hấp dẫn, cuốn sách là nguồn tài liệu tham khảo giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thể loại truyện truyền kỳ qua các giai đoạn phát triển của lịch sử văn học Việt Nam.

Tin, ảnh: HOÀNG HOÀNG