Dù đa dạng về chủ đề nhưng thơ anh vẫn nổi lên hai mảng sâu đậm là đất và người. Hình tượng người mẹ trong thơ anh mang một dáng vẻ riêng của vùng đất Kinh Bắc giàu có truyền thống nghệ thuật: “Mẹ ngồi quét điệp mẹ ơi/ Dịu dàng nền dó vẫn ngời lòng con/ Nét đầu rung sắc tươi non/ Bàn tay tạo dựng nên hồn quê hương” (Trắng trong sắc điệp). Bút pháp khái quát đã nâng hình tượng lên một tầm cao mới, người mẹ được ca ngợi như là sự vĩ đại của tạo hóa để sáng tạo nên “hồn quê hương”. Một hình tượng mẹ thật cảm động: “Bao năm tóc trắng mẹ tôi/ Đầu sông cuối chợ một thời đạn bom/ Bao nhiêu nắng quái chiều hôm/ Nghiêng dài bóng mẹ hắt dồn sang tôi” (Mẹ tôi). Còn cảm động hơn về cái tình của đứa con đến khi có tuổi mới thấm thía, thấu cảm cái gian nan mà vĩ đại của mẹ tần tảo buôn bán nuôi con thời chiến tranh. Bốn chữ “hắt dồn sang tôi” thật đắt, mà không có chúng sẽ chỉ là thơ miêu tả!

leftcenterrightdel

 Bìa cuốn "Thơ Nguyễn Thanh Kim".

Nguyễn Thanh Kim viết nhiều về các bạn bè văn nghệ sĩ, nhưng nổi bật là hình ảnh nhà văn Nguyên Hồng được kiến tạo bằng ngôn từ của thơ và cảm xúc chân thành, lắng đọng: “Đã ghét, ghét cay đắng/ đã yêu, yêu hết lòng/ trái tim ông run rẩy/ nước mắt ông lưng tròng”. Đó là tính cách, là tâm hồn, là nét riêng ngoài đời. Còn là nét sinh hoạt rất mực dân dã, chân quê: “Chõng tre và ghế bạt/ ly rượu, vầng trăng suông/ quần ống cao ống thấp/ vẫn đỏ quạch bụi đường/ mớ rau cùng bó củi/ việc nhà ông lo toan” (Về Hải Phòng nhớ nhà văn Nguyên Hồng). Nhiều chân dung nhưng mỗi người mỗi dáng vẻ. Ví như một người mê quan họ được quan họ trao gửi cái hồn cốt “phong nhã”, “huê tình”: “Người bén duyên câu hát/ dùng dằng cuối triền sông/ giã bạn đêm chia biệt/ vơi đầy người có mong” (Người bén duyên quan họ). Các chữ “dùng dằng”, “vơi đầy” rất đúng với văn hóa của người quan họ Bắc Ninh.

Nguyễn Thanh Kim đi nhiều, vào Nam ra Bắc, miền xuôi miền ngược, đến mỗi vùng đất đều ghi lại dấu ấn và cảm xúc mới mẻ: “Rượu Bắc Kạn uống mãi chẳng cạn/ Rót đầy rồi anh uống chéo em/ Hồ Ba Bể sao không một bể/ Em có đợi anh đến cạn ngày” (Rót rượu Bắc Kạn nhớ hồ Ba Bể). Một lối chơi chữ khá duyên, một sự liên tưởng bất ngờ, từ tập quán uống rượu ở vùng miền núi liên tưởng đến một dạng thái cơ bản (nhớ) của tình yêu. Nhưng miền Kinh Bắc quê anh vẫn hiện lên thân thương, ý nhị, tình tứ và đầy tự hào hơn cả. Vùng quê ấy tài tình, tài hoa nổi tiếng: “Chạm rồng trăm dáng vẻ/ như hào khí ông cha.../ Cây trúc trầm nhiều đốt/ gợi cốt cách xa xưa/ sắc mai vàng óng nuột/ vừa tưới nhuần qua mưa” (Thăm đình Thổ Hà).

Thơ Nguyễn Thanh Kim nhẹ nhàng, dung dị, đủ một chút chơi vơi, bâng khuâng cho hồn người xao động, rung cảm: “Anh đi về phía không em/ Phía trời xa có ngọn đèn ngóng trông/ Ngô đồng ơi hỡi ngô đồng/ Mỏng như câu hát bềnh bồng cõi anh” (Mỏng như câu hát). Nhờ chịu khó tìm tòi theo một lối đi riêng: “Một tôi lận đận, một tôi kiếm tìm” (Trái tim thức đập) nên thơ anh có một dư vị riêng, khó lẫn: “Nhiều khi ta tự bóc mình như bóc một trái cam/ Chợt ngọt đầu môi mà se se đắng” (Nhiều khi). Thơ anh được yêu mến, được đi ra với thế giới (đã dịch sang tiếng Anh và tiếng Romania) có lẽ cũng nhờ vậy. Từ trường hợp thơ Nguyễn Thanh Kim cho thấy, nhà thơ phải gắn bó, đi sâu, cùng nhịp với đời sống của con người để quan sát, trải nghiệm mới có cảm xúc thật và chi tiết hay. Chỉ có thể xây tòa tháp thơ ca trên nền móng đời sống. Nền móng càng bề thế, vững vàng, tòa tháp càng vươn cao!

NGUYÊN THANH