Nhiều bài thơ có giá trị nghệ thuật cao, trở thành di sản văn học Việt Nam. Là người làm thơ thế hệ sau, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải không vì thế mà cảm thấy “ngợp”, bằng tình yêu thành kính với Bác, ông đã sáng tác nhiều thi phẩm giá trị.

Nhà thơ Nguyễn Hưng Hải sinh năm 1959 ở huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Vốn là sinh viên Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây, ông từng có thời gian công tác trong Quân đội, sau đó chuyển sang làm báo tại Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh Phú Thọ. Dù bận rộn với công việc làm báo nhưng thơ ca đã ngấm vào máu thịt của ông, chiếm nhiều thời gian và tâm huyết.

leftcenterrightdel
       Các tập thơ viết về Bác Hồ của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Ông sáng tác nhiều thơ và trường ca về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tất cả niềm tự hào. Đến nay, Nguyễn Hưng Hải đã in gần 30 tập thơ và trường ca. Riêng về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Hưng Hải đã có 7 tập thơ và 1 trường ca. Trong đó, các tập thơ “Bài thơ dâng Bác”, “Dâng Bác một niềm thơ”, “Cây bụt mọc trong vườn Bác” từng đoạt giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. 

“Vẫn con cá những chiều nào/ Vỗ tay Bác gọi cá vào cá ăn/ Cá tư lự, cá tung tăng/ Biết đâu Bác những đêm trăng một mình” (Chiều chiều gọi cá lên ăn). Chỉ với một khổ thơ này, Nguyễn Hưng Hải đã góp phần khắc họa hình ảnh gần gũi, giản dị, thanh tao trong cuộc đời Hồ Chí Minh. Ai từng vào Lăng viếng Bác, thăm nhà sàn của Người, nhìn đàn cá trước nhà sàn mà không lặng người đi khi đọc những câu thơ này? Không chỉ thế, từ cảm hứng trước những câu chuyện cụ thể về tấm gương đạo đức của Bác, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải còn luôn soi rọi qua bản thân, trăn trở, suy tư về cuộc sống hiện tại.

Đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh là đề tài lớn của văn học-nghệ thuật nói chung, thơ ca nói riêng. Cũng xin nhắc lại, lãnh tụ Hồ Chí Minh là một hiện tượng văn hóa đặc biệt, độc đáo, đa dạng, hội tụ nhiều phương diện; giữa các phương diện có mối liên hệ thống nhất, hài hòa, tạo nên nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh. Từ trước đến nay, nhiều nhà thơ nổi tiếng đã khai thác đề tài Hồ Chí Minh trong sáng tạo văn học. Có thể kể đến Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh..., nhất là Tố Hữu với những thành công vang dội.

Về văn xuôi, có thể kể đến các tên tuổi như: Sơn Tùng, Hồ Phương, Hoàng Quảng Uyên... Gần đây, miệt mài với đề tài Hồ Chí Minh phải kể đến nhà văn, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ với “Nợ nước non” (năm 2022), “Lênh đênh bốn biển” (năm 2023) khắc họa hình tượng anh thanh niên Văn Ba trên tàu những năm 1919-1921...

Một lần tôi hỏi nhà thơ Nguyễn Hưng Hải: “Với các nhà thơ nổi danh, thành danh về đề tài Bác Hồ, ông có ngợp không?”. Nguyễn Hưng Hải hiền hậu: “Tôi nghĩ viết về Bác tiếp tục là mong ước của nhiều nhà văn, nhà thơ. Ai thành công đều mừng. Với riêng tôi, đề tài về Bác tiếp tục là miền cảm xúc. Mỗi lần viết là một lần ghi nhớ công ơn, nguyện sống xứng đáng với Người”. Có lẽ vì thế mà ông vẫn tâm huyết để viết, coi đó là trách nhiệm và hạnh phúc.

“Cả dân tộc này, ai chẳng là cháu con của Bác/ Đã là cháu con, ta phải biết làm gì/ Để không thẹn với Người, cả những khi phải đương đầu đối mặt với cái xấu, cái ác/ Cứ sống thật với mình sẽ được Bác chở che” (Sống thật với mình). Tôi biết, từ trong trái tim, nhà thơ Nguyễn Hưng Hải kính yêu Bác Hồ sâu nặng. Hỏi ông, vẫn tiếp tục mạch cảm xúc về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Hưng Hải trả lời chân tình: “Tất nhiên, đó là điều tôi trăn trở, cả đời thơ của mình”.

Nguyễn Hưng Hải là người mô phạm, hiền lành cả đời và thơ. Không hiểu sao, mỗi lần ông về Hội Nhà văn Việt Nam, gặp ông, trong tôi vang lên câu thơ “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn” (Tố Hữu). Trân trọng mạch cảm xúc, suy tư của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. Tôi nghĩ câu thơ của Tố Hữu “vận” vào nhà thơ Nguyễn Hưng Hải, ông trong sáng trong đời lẫn thơ.

Nhà thơ NGÔ ĐỨC HÀNH