Thời Trần, các nhà quý tộc uống rượu, ngâm thơ. Đến thời Lê Trung hưng, theo sử sách thì Trung thu là ngày hội trong Phủ Chúa Trịnh được trang hoàng lộng lẫy bằng hàng nghìn chiếc đèn, tạo nên một đêm Trung thu lung linh đầy màu sắc. Trong dân gian, ngày Tết Trung thu cũng trở nên rực rỡ với tục chơi đèn, phá cỗ trông trăng…

Tiếp nối truyền thống về Tết Trung thu xưa và phát huy giá trị Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long, đặc biệt các giá trị văn hóa phi vật thể và tăng cường các sản phẩm du lịch đến với du khách, dịp Trung Thu 2022, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình Vui Tết trung thu với chủ đề “Đèn thu lung linh”.

leftcenterrightdel
Các em được trải nghiệm hoạt động Trung thu tại Hoàng thành Thăng Long. 

Thông qua chương trình, góp phần tạo ra một sân chơi đặc sắc để thiếu nhi thủ đô có thêm những trải nghiệm, hiểu thêm về lịch sử văn hóa nói chung và Tết Trung thu nói riêng.

Đến với chương trình Vui Tết Trung thu 2022 tại Hoàng thành Thăng Long, du khách và các em nhỏ sẽ được trở về với đúng tuổi thơ với các hoạt động đặc biệt, được hòa mình trong không gian đậm màu sắc văn hóa dân tộc.

Trung thu 2022 với chủ đề “Đèn thu lung linh”, điểm nhấn là chiếc đèn kéo quân khổng lồ và rất nhiều loại đèn Trung thu truyền thống như đèn ông sao, đèn cù, đèn thỏ; đặc biệt là một số loại đèn Trung thu đầu thế kỷ XX được nhà nghiên cứu Trịnh Bách phục hồi lại theo các nguồn tư liệu.

leftcenterrightdel
Đèn lồng trang trí trong chương trình “Đèn thu lung linh”.

Ngoài ra, các em còn được tham gia vào những hoạt động trải nghiệm bổ ích như: Làm bánh dẻo, đèn ông sao, đèn thỏ, đèn cù, tô, vẽ mặt nạ giấy bồi, làm diều giấy… Chương trình biểu diễn nghệ thuật múa sư tử sẽ là hoạt động thu hút cả trẻ em và người lớn, nghe tiếng trống là ký ức tuổi thơ ùa về.

Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tạo ra những không gian, hoạt động bổ ích cho cả người lớn, trẻ em, các bạn trẻ vào dịp Trung thu năm nay.

Thời gian diễn ra các hoạt động bắt đầu từ ngày 2 đến 10-9.

GIA KHÁNH