Nói đến tấm gương văn hóa tiết kiệm, không thể không nhắc lại về lối sống giản dị, thanh cao mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiếc giường gỗ thường, cái quạt giấy, bộ áo quần ka ki, đôi dép cao su, một hộp sữa dùng xong đựng bút-đó là những hiện vật làm xúc động lòng ta khi đến thăm nơi Bác Hồ từng sống giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Là Chủ tịch nước, nguyên thủ quốc gia, dẫu không đòi hỏi thì Bác vẫn có “quyền” được hưởng những tiện nghi cao hơn thế. Tuy vậy, với một lãnh tụ “Mong manh áo vải hồn muôn trượng” và “Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa/ Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già” (thơ Tố Hữu) thì tiết kiệm là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm và thực hành đến nơi đến chốn. Với Bác, lời nói đi đôi với việc làm; tiết kiệm cũng là yêu nước, thương dân; tiết kiệm là đạo đức, văn minh, văn hóa của con người. Bác dặn: “Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch. Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối”. Như vậy, tiết kiệm không phải việc nhỏ mà là việc lớn của mỗi người, của quốc gia, đặc biệt với cán bộ có chức, có quyền vừa là người lãnh đạo, vừa làm "công bộc/đầy tớ" của nhân dân.

Tranh minh họa: Internet

Tuy nhiên, không thực hành tiết kiệm đang trở thành vấn nạn nhức nhối ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hiện nay. Rất nhiều biểu hiện lãng phí, thất thoát về lao động, thời gian, tiền của của nhân dân, đất nước xảy ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, nhiều ngành. Tiền công thành tiền “chùa”, người ta mặc sức chi tiêu, không ngần ngại vung tay quá trán. Khi được bổ nhiệm vào vị trí mới, việc đầu tiên cần làm của không ít “tân quan” là sửa sang phòng ốc, thay đổi bàn ghế, thiết bị, ô tô... tốn kém hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Nhiều lễ kỷ niệm, hội thảo, hội hè phô trương hình thức quá mức cũng là điều phải chỉnh đốn. Rồi chuyện tiếp khách, yến tiệc, chào đón, “ông thầy ăn một, bà cốt ăn hai” rất tốn kém vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng “khổ lắm, trời ơi”, nói mãi mà nhiều người có chịu sửa đâu!

Đáng nói hơn là chuyện di chuyển trụ sở làm việc một cách thiếu tính toán ở một số địa phương. Trụ sở làm việc của bộ máy công quyền đang rất thuận lợi cho dân thì bỗng nhiên chuyển đi chỗ khác. Muốn chuyển phải có đất, có tiền. Đất rộng, tiền nhiều được dùng vào một việc mà nhiều người dân cho rằng chưa thật cần thiết lắm. Trong khi số tiền ấy, diện tích đất ấy có thể dùng vào việc khác có ích cho phát triển kinh tế, ổn định dân sinh. 

Tiết kiệm nên hiểu là một việc làm cần thiết với con người, nó hoàn toàn khác với sự bủn xỉn, keo kiệt. Lúc nghèo khó tiết kiệm đã đành mà khi giàu mạnh, có của ăn của để rồi cũng không được lơ là, xem nhẹ việc này. Việc gì cần đầu tư thì nên đầu tư, tuy nhiên phải quản lý hết sức chặt chẽ, chống tham ô, lợi dụng. Đương nhiên phải tính toán kỹ càng, tránh rơi rụng, thất thoát. Thiết nghĩ, tiết kiệm tài nguyên môi trường, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nhân lực, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm tiền của là điều vô cùng cấp thiết hiện nay, vì thời gian qua, nhiều nơi đã để xảy ra lãng phí, thất thoát quá nhiều. Phải có một tầm nhìn xa rộng, một chiến lược thực hành tiết kiệm cơ bản và lâu dài trong bộ máy công quyền và trong toàn dân. Trước hết, cán bộ, đảng viên là người đi đầu, gương mẫu trong nói và thực hành tiết kiệm. Chống lãng phí, xa hoa như chống “giặc nội xâm” là vậy. Thua “loại giặc” này thì nguy cơ Đảng tan, chế độ mất không quá xa xôi.

Tiết kiệm luôn là quốc sách. Đừng bao giờ cho đó là việc vụn, việc vặt. Nên khắc sâu lời Bác Hồ căn dặn: Tiết kiệm từ những việc nhỏ thì sẽ thành điều to tát, nhờ tiết kiệm mà lợi cho dân ta rất nhiều.

NGUYỄN HỮU QUÝ