Giao tiếp, phát ngôn là một hành vi quan trọng thể hiện tư cách, nhân cách và trí tuệ con người. Bởi thế, ông cha ta căn dặn: “Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” và quá thấu hiểu tác hại khôn lường của ác khẩu: “Lời nói đọi máu”.
Nhận thức đó cũng trùng khớp với quan niệm của nhà Phật về khẩu nghiệp. Nhà Phật cho rằng khẩu nghiệp là một trong 4 loại nghiệp nặng nhất của con người. Nói thô thiển, nói dối trá, nói khích bác, kể cả nói năng ba phải sẽ tạo ra nghiệp chướng. Nghiệp chướng sẽ sinh tạo từ những lời nói làm hại người khác. Bởi, cuộc đời này luôn công bằng theo cách riêng của nó. Nhân quả có thể đến muộn nhưng nhất định là có. Gieo mầm thiện ắt gặt được quả thiện, gieo mầm ác sẽ gặt nhân ác. Đó là lời Phật.
 |
Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo. |
Luật nhân quả có người tin, kẻ không, song thật đáng suy ngẫm. Xã hội vẫn còn kẻ ác khẩu và trong “thế giới phẳng” thời nay thì tác hại của sự ác khẩu càng nhân lên gấp bội. Trong cuộc sống và xã hội, không phải không còn những cách nói làm tổn thương ở nhiều mức độ với người khác. Những lời nói dối trá với cá nhân, với tổ chức, thậm chí với cả cộng đồng gây ra tác hại khôn lường. Vì tâm địa hẹp hòi, góc nhìn thiên kiến, có người sẵn sàng đổi trắng thay đen, chà đạp lên sự thật, nói lấy được, bất chấp đúng-sai.
Khi mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống thì mọi sự tốt-xấu, hay-dở, phải-trái luôn lan truyền cực kỳ nhanh chóng. Từng giây, từng phút trôi qua, rất nhiều thông tin thật-giả, đúng-sai, thực-hư trà trộn, đan cài vào nhau. Có kẻ đã lợi dụng những thành quả thời đại công nghệ số để thực hiện mưu mô, dã tâm của mình. Họ tung lên mạng những “tút” đánh bóng đề cao mình và bôi đen người khác. Nguy hại hơn là nói xấu đất nước, chế độ, bóp méo, “làm bẩn” hình ảnh những người mà nhân dân kính trọng. Có kẻ vừa mới cầm sổ hưu đã “trở giọng”, lên mạng nói khác những điều mình từng nói khi còn tại chức. Họ hí hửng cho rằng như thế “là ta đã về với nhân dân”(!). Có kẻ mới chuyển thành công dân của quốc gia khác ít năm đã không tiếc lời chê bai đất nước từng sinh ra, nuôi dưỡng mình lớn khôn, trưởng thành. Sự hằn học đã làm cho họ không còn công tâm nữa, cố không nhìn thấy những thành quả, những cái tốt đẹp, sáng sủa đang có trên đất nước này. Suy cho cùng, đó cũng là một loại ác khẩu vậy.
Điều chúng ta thường gặp nhiều hơn là hiện tượng nói xấu người khác hay “kết tội” những người mình không ưa bằng cách dựng lên những câu chuyện, sự việc chưa được kiểm chứng hoặc vu cáo hoàn toàn. Càng trở nên tai hại khi sự ác khẩu đó lại nhận được sự a dua, cổ xúy một cách vô tư, hồn nhiên của không ít người trong xã hội. Sự nghi ngờ như cơn gió độc lan nhanh, làm hoang mang không ít người khác, chẳng biết đâu là thật, đâu là giả. Mới đây, một người đàn bà là doanh nhân khá nổi tiếng đã coi mạng xã hội như một thứ “quyền lực vô biên” để đưa ra những lời thóa mạ, sỉ nhục, xúc phạm người khác. Cái sự ác khẩu vô lối đó đã phải trả giá bằng sự xử lý nghiêm khắc, thích đáng của pháp luật! Thực tế, dù một số kẻ ác khẩu đã bị lột tẩy và người bị hại được trả lại thanh danh, nhưng cũng có người yếu thế vì không chịu nổi sức ép dư luận đã chọn các biện pháp tiêu cực để giải thoát. Thật oan khiên biết mấy, đau lòng biết mấy!
Ác khẩu chính là mầm ác, là phần tăm tối, xấu xa của con người. Vậy nên, không có gì tốt đẹp hơn là ta phải loại trừ ác khẩu và luôn luôn cảnh giác với nó. Tự mỗi người phải làm điều đó bằng sự thanh lọc, gạn đục khơi trong chính mình. Đừng ác khẩu cũng là để gieo mầm thiện, gặt quả lành. Và quan trọng hơn là biết chống lại sự ác khẩu như chống một sự xấu xa làm tha hóa nhân cách con người.
NGUYỄN HỮU QUÝ