Sân chùa vang tiếng trẻ thơ
Sáng sớm những ngày tháng 6, khi ánh nắng đầu ngày còn chưa kịp xuyên qua hàng cây thốt nốt rợp bóng, sân chùa Som Rong đã rộn ràng bước chân của những học trò nhí. Từng tốp học sinh tay ôm sách vở, miệng ríu rít chuyện trò, háo hức bước vào lớp học đặc biệt-lớp học chữ Khmer mùa hè do nhà chùa tổ chức.
Lớp học năm nay đón khoảng 150 em nhỏ, từ lớp 1 đến lớp 5. Không phân biệt hoàn cảnh gia đình hay trình độ ban đầu, tất cả các em đều được chào đón bằng sự trìu mến và nhiệt tâm của các vị sư. Trong gian nhà rộng rãi, mát mẻ dưới mái chùa cổ kính, những chiếc bàn ghế được xếp ngay ngắn, bảng đen dựng đầu lớp với nét chữ Khmer mềm mại như những họa tiết truyền thống hiện ra sống động.
 |
Lớp học chữ tại chùa Khmer của các em nhỏ ngày hè. |
Người gắn bó với lớp học nhiều năm qua là sư phó Lâm Bình Thanh, một vị sư hiền hậu, tận tâm. Suốt hơn 10 năm, thầy đều đặn chuẩn bị chu đáo giáo án, bài giảng. Thầy không chỉ dạy chữ mà còn truyền dạy cả đạo lý, lịch sử và truyền thống văn hóa của dân tộc Khmer cho lớp trẻ. “Điều tôi mong muốn nhất không chỉ là các em biết đọc, biết viết tiếng Khmer mà còn là để mỗi con chữ trở thành sợi dây níu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình”, sư phó Lâm Bình Thanh chia sẻ.
Trong lớp học, tiếng thầy giảng hòa cùng tiếng học trò đọc bài râm ran, tạo nên âm thanh rộn ràng mà ấm áp. Có em còn lạ lẫm với mặt chữ, có em đã đọc trôi chảy, nhưng tất cả đều chăm chỉ và say mê. Em Sơn Quanh Tha, lần đầu tiên tham gia lớp học, hồn nhiên nói: “Ngày đầu con rất lo vì không biết viết, đọc tiếng Khmer. Nhưng sư thầy kiên nhẫn cầm tay con viết từng nét. Giờ con đã biết các phụ âm, nguyên âm rồi. Con thích học lắm và sẽ cố gắng học giỏi để cuối khóa thi được điểm cao”.
Chữ viết - cầu nối văn hóa
Cần Thơ hiện nay và Sóc Trăng trước đây là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, nơi tiếng nói và chữ viết Khmer không chỉ là phương tiện giao tiếp mà còn là linh hồn của văn hóa. Chính vì vậy, việc tổ chức lớp học chữ Khmer trong các ngôi chùa vào dịp hè đã trở thành một nét đẹp truyền thống lâu đời. Đây không chỉ là hoạt động giáo dục mà còn là hành trình gìn giữ di sản văn hóa của cả cộng đồng.
Không chỉ riêng chùa Som Rong, nhiều ngôi chùa Khmer khác trên địa bàn, như: Chùa Serey Pôthi Đơm Pô; chùa Mahatup; chùa Sala Pôthi Serey Sakor... cũng đều tổ chức các lớp học chữ Khmer miễn phí vào dịp hè. Tùy điều kiện từng nơi, lớp có thể ít hay nhiều học sinh, nhưng điểm chung là lòng nhiệt huyết và tâm nguyện trong truyền dạy chữ Khmer của các vị sư. Điều đáng quý là các lớp học đều không thu học phí mà còn hỗ trợ sách vở, bữa ăn nhẹ cho các em nhỏ. Trong những ngôi chùa ấy, các em không chỉ học chữ mà còn học làm người, được sống trong môi trường thanh tịnh, gần gũi với đạo lý và truyền thống tốt đẹp.
Anh Thạch Chanh, phụ huynh của một em học sinh lớp 3 tại chùa Som Rong xúc động chia sẻ: “Hè năm trước, con tôi chưa biết gì về chữ Khmer. Sau 3 tháng học ở chùa, cháu đã đọc được sách cổ tích Khmer cho ông bà nghe. Gia đình tôi biết ơn các vị sư đã tận tình dạy dỗ. Không chỉ là học chữ, con tôi còn học được lễ nghĩa, sự kiên nhẫn và lòng tự hào về dân tộc mình”.
Các lớp học hè trong chùa cũng trở thành nơi gắn kết cộng đồng, là môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ nhỏ. Thay vì vùi đầu vào điện thoại hay các trò chơi vô bổ, các em được tiếp xúc với một không gian văn hóa đặc sắc, học tập trong sự đùm bọc và tình thương yêu. Đó là cách giáo dục bằng cả trí tuệ và trái tim.
Tuy nhiên, phía sau sự rộn ràng ấy là những nỗi niềm trăn trở. Nhiều em sinh ra trong gia đình người Khmer nhưng lại không còn biết nói, biết viết chữ Khmer. Sự xâm lấn của lối sống hiện đại khiến một phần giới trẻ dần xa rời cội nguồn văn hóa của chính mình. “Không có sự quan tâm kịp thời, chỉ vài thế hệ nữa thôi, có thể chúng ta sẽ không còn ai sử dụng được tiếng Khmer”, sư phó Lâm Bình Thanh chậm rãi nói, giọng trầm buồn.
Vậy nên, với thầy và các vị sư khác, việc duy trì lớp học không chỉ là trách nhiệm mà còn là tâm nguyện. Đó là cách mà họ giữ cho ngọn lửa văn hóa không bao giờ tắt trong lòng thế hệ trẻ. Sự đồng hành của nhà chùa, gia đình, ngành giáo dục và chính quyền địa phương chính là điểm tựa để những lớp học như thế này tồn tại và phát triển. Nhiều giáo viên Khmer trong hệ thống giáo dục chính quy cũng được huy động hỗ trợ, tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại.
Chiều xuống, trên sân chùa Som Rong, tiếng đọc bài vẫn vang đều. Những con chữ Khmer vẫn hiện ra đều đặn, từng nét chắc tay như từng nhịp nối liền văn hóa. Lớp học chữ Khmer mùa hè không chỉ là nơi gieo chữ mà còn là nơi ươm mầm lòng tự hào dân tộc, để các em hôm nay, mai sau không quên nguồn cội.
Bài và ảnh: THÚY AN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.