Trong chuyện “Sự tích con thạch sùng” kể về người tên Thạch Sùng rất nghèo kiếm sống bằng nghề ăn mày, nhờ tằn tiện tích cóp dần dần có ít vốn rồi gặp và biết tận dụng cơ hội mà trở nên giàu có. Tậu nhiều trâu bò vườn ruộng, rồi mua lúa rẻ, cho vay nặng lãi, nhiều vốn, ông ta buôn to bán lớn. Thuyền buôn của Thạch Sùng đi khắp nơi, lại thông đồng với bọn cướp làm những chuyện vô nhân nên kiếm được rất nhiều của cải, tiền vàng châu báu. Từ đó ông ta trở nên giàu có! Thế rồi Thạch Sùng nghĩ cách “hối lộ” vua để có tước quận công. Từ đó Thạch Sùng có tiền, có danh, lại có quyền, trong trướng phủ có tới hàng nghìn kẻ hầu hạ, ăn mặc toàn đồ lụa là gấm vóc...

 Tranh minh họa: Internet.

Nhưng một phút bốc đồng, Thạch Sùng sa vào một canh bạc lớn nhất là thách của với một kẻ giàu khác và bị trả giá không chỉ mất hết tài sản, gia đình, lại còn mất cả mạng sống. Vì chỉ có mánh khóe của kẻ đi buôn chứ không có tri thức nhờ học hành, càng không có văn hóa ứng xử của người tử tế nên dân gian đã bắt Thạch Sùng phải chết, chết cay chết đắng, chết rồi còn biến thành con thạch sùng suốt ngày đêm kêu tiếc của!

Chi tiết “cái mẻ kho” rất đắt, như cái gương soi của nhân quần: Đừng bao giờ quên quá khứ, cho dù là quá khứ nghèo khổ. Đó là bài học giáo dục lòng tri ân lịch sử, nhớ về nguồn gốc, nếu không con người sẽ như cái cây không có cội rễ. Thạch Sùng giàu có nhưng lại quên mất thuở hàn vi!

Như một sự bổ sung cho truyện “Sự tích con thạch sùng” về bài học làm giàu phải có đạo đức, người giàu phải tuân theo đạo lý, chuyện “Đồng tiền Vạn Lịch” cũng thật ý nghĩa. Có người lái buôn tên Vạn Lịch giàu có vào hạng nhất nhì trong nước, đồ dùng toàn bằng vàng bạc. Một hôm thuyền buôn đậu ở bãi vắng, có người đánh giậm ở đâu đến xin Mai Thị-vợ Vạn Lịch một miếng trầu cho đỡ rét. Thấy cảnh vợ “tình tứ” với trai lạ, cơn ghen nổi lên, Vạn Lịch xỉ vả vợ thậm tệ rồi đuổi đi... Thấy vợ thương người mà giúp người, lẽ ra phải khen, phải phục thì ông ta lại mắng chửi. Về sau Vạn Lịch bị sạt nghiệp vì thua lỗ... Đấy là ánh sáng xa xưa của cổ tích hắt về rồi đọng lại: Ở ác gặp ác! Nhưng ý nghĩa phổ quát thì rộng dài hơn nhiều: Dù giàu sang hay nghèo khổ, con người ta phải có chữ “tâm” làm đầu. Vạn Lịch thì ngược lại. Người vợ hiền lành tử tế mà ông ta còn đuổi đi, huống hồ người ngoài! Hối hận, Vạn Lịch giao tất cả tài sản cho Mai Thị rồi tự vẫn... Mai Thị xin vua lấy số tài sản ấy quy ra vàng rồi đúc thành loại tiền có tên “Đồng tiền Vạn Lịch”. Khép lại về câu chữ nhưng dư âm của câu ca dao kết truyện sẽ vọng mãi trong nhân gian: “Đồng tiền Vạn Lịch thích bốn chữ vàng...”. Không phải là “khắc” mà là “thích”. Ngày xưa người ta dùng chữ “thích” (thích chữ vào mặt) dành cho những tội nhân bị lưu đày với nghĩa khắc sâu để phơi bày cái xấu. Cái xấu xí của Vạn Lịch vẫn còn đến muôn đời!

Tưởng rằng chỉ có trong cổ tích nhưng thời nay lại “tái sinh” những Thạch Sùng, Vạn Lịch “đời mới”. Không ít “đại gia” trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán... giàu có nức tiếng thiên hạ vẫn thường rao giảng đạo lý kinh doanh phải coi lợi ích của đất nước, của cộng đồng lên trên hết, nhưng bản thân thì dùng đủ chiêu trò, mánh khóe, mưu mô để vơ vét tài sản, của cải vào mình...

Kinh doanh, làm giàu mà không dựa trên nền tảng văn hóa, đạo đức xã hội thì trước sau cũng tự phơi bày “chân tướng” lòng tham trước ánh sáng công lý. Hậu quả là cả cha con, anh chị em ruột mới hôm nào sống như “ông hoàng, bà chúa”, thì ít ngày sau lại “dắt díu” nhau vào “nhà giam”! Thế nên, câu chuyện Thạch Sùng, câu chuyện Vạn Lịch mà người xưa truyền lại cho hậu thế như một lời cảnh tỉnh nghiêm khắc cho những kẻ nào muốn giàu xổi mà thiếu cái tâm, thừa cái tham thì “giá đắt” phải trả là không tránh khỏi.    

NGUYÊN THANH