Rất nhiều người nổi tiếng, mỗi khi đời sống cá nhân gặp biến động theo chiều hướng không tốt, việc đầu tiên họ thường làm là khóa tài khoản cá nhân trên mạng xã hội (MXH). Khóa để tránh bị nhòm ngó, khóa để hạn chế bị khai thác đời tư, và quan trọng hơn cả là khóa để tránh bị...chửi!
Mấy hôm nay, dư luận truyền thông và MXH dồn sự chú ý vào việc, một số nhân vật có tiếng tăm trong đời sống xã hội vướng vòng lao lý. Họ bị bắt vì các hành vi phạm tội và sẽ bị xử lý bằng các chế tài pháp luật. Nếu nhìn nhận vấn đề một cách khách quan thì ai cũng thấy, người nào làm sai người đó phải chịu.
Đó chính là sự công bằng, nghiêm minh của luật pháp. Tuy nhiên, trên không gian mạng thì vấn đề không dừng lại ở đó. Bên cạnh việc chia sẻ thông tin, tham gia bình luận về các vụ việc gắn với con người cụ thể, là trào lưu “ném đá”. Hằng hà sa số những lời chửi bới, thóa mạ, mạt sát... không chỉ nhằm vào cá nhân người phạm tội, mà còn hướng đến gia đình, người thân, thậm chí là cả bạn bè, đối tác của họ...
 |
Ảnh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo. |
Chửi, dường như đã trở thành hội chứng của một bộ phận không nhỏ người dùng MXH. Một học sinh tự tử chưa rõ nguyên nhân, lập tức các bậc phụ huynh, gia đình phải gánh chịu nỗi đau chất chồng từ muôn lời chỉ trích, lên án. Vị trọng tài gặp sai sót trong một trận bóng đá, lập tức hứng chịu vô số ngôn từ thóa mạ...
Áp lực tiêu cực từ không gian mạng trong những trường hợp tương tự như vậy là vô cùng khủng khiếp. Nó khủng khiếp đến mức, một số chuyên gia tâm lý đã phải thốt lên trên các diễn đàn rằng, sẽ ra sao nếu một ngày nào đó chính ta, vì một lý do nào đó lại trở thành nạn nhân của hội chứng "khủng khiếp" này?
Vâng! Rất khó nói, bởi trong xã hội hiện đại, không ai dám khẳng định mình không có sai sót, không ai có thể nắm tay từ tối đến sáng. Không gian mạng đang trở thành thế giới thứ hai của cuộc sống con người. Về mặt tích cực, có thể thấy áp lực từ dư luận trên không gian mạng có tác động rất mạnh, góp phần cảnh tỉnh, điều chỉnh hành vi con người.
Tuy nhiên, nó chỉ thực sự có ích cho đời sống tinh thần khi người ta sử dụng nó như một công cụ, phương tiện để tham gia điều chỉnh hành vi xã hội theo hướng tích cực. Ngược lại, sự chửi bới chính là tác nhân gây rối, làm lệch chuẩn đạo đức xã hội.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng...”.
Quan niệm của người lãnh đạo cao nhất Đảng ta đã thể hiện một cách vừa khái quát, vừa cụ thể mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa toàn dân của Đảng. Để mỗi người, mỗi gia đình được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng thì bản thân mỗi thành tố trong đời sống xã hội phải có bổn phận vun đắp cho tình thương, lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng ấy.
Thế nên, trước khi có ý định chửi người khác, hãy bình tâm đặt mình vào vị trí của nạn nhân, hẳn sẽ có cách để kìm nén cơn giận. Bởi, chửi bới hoàn toàn không phải là biện pháp đấu tranh như không ít người vẫn lầm tưởng hoặc cố tình ảo tưởng. Đấu tranh phê bình, phản biện là giải pháp thúc đẩy phát triển, còn chửi bới, thóa mạ, lăng nhục... là tác nhân gây hận thù.
Nó là hành vi trái đạo đức, phản văn hóa! Càng nguy hiểm hơn nếu ai đó lại tự cho mình cái quyền đứng trên dư luận để công khai chửi bới, thóa mạ, làm nhục người khác. Đó không chỉ là hành vi phản văn hóa mà còn vi phạm pháp luật, nên trước sau cũng bị pháp luật nghiêm trị.
Mỗi công dân vừa là chủ thể, vừa là sản phẩm của chính môi trường sống mà mình tạo ra. Chửi người được thì ắt sẽ có lúc bị người chửi. Ông bà ta đã đúc kết: “Cười người chớ vội cười lâu/ Cười người hôm trước hôm sau người cười” là thế.
THANH KIM TÙNG