Truyền thông phương Tây đưa tin chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tạm dừng chuyển giao một số lô viện trợ vũ khí quan trọng cho Ukraine, vốn được cam kết dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden, một phần do lo ngại về mức dự trữ quốc phòng trong nước.
Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Anna Kelly cho biết quyết định này được đưa ra nhằm đảm bảo lợi ích trước tiên của nước Mỹ, sau khi Bộ Quốc phòng tiến hành rà soát toàn diện về hỗ trợ quân sự và viện trợ quốc phòng cho các nước trên toàn cầu.
 |
Hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất. Ảnh: Global Look Press |
Trong khi đó, hai nguồn thạo tin cho biết Lầu Năm Góc đã tạm dừng việc chuyển giao một số loại tên lửa phòng không và đạn dược chính xác cho Ukraine, do lo ngại nguồn dự trữ quốc phòng của Mỹ đang ở mức quá thấp. Theo hai nguồn tin này, việc chuyển giao một số loại vũ khí cho Ukraine theo cam kết từ thời cựu Tổng thống Biden, trong đó có tên lửa đánh chặn, đã chậm lại trong những ngày gần đây.
Trong một email, Lầu Năm Góc cho biết đang đệ trình lên Tổng thống Trump các phương án để tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, phù hợp với mục tiêu chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine bắt đầu từ tháng 2-2022. Ông Elbridge Colby, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách - một trong ba vị trí quan trọng nhất tại Lầu Năm Góc, nói rõ: “Bộ Quốc phòng Mỹ đang nghiêm túc đánh giá và điều chỉnh cách tiếp cận để vừa đạt được mục tiêu đó vừa đảm bảo duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Mỹ nhằm đáp ứng các ưu tiên quốc phòng hiện tại”.
Hiện Mỹ chưa công bố chính sách viện trợ quân sự mới nào. Toàn bộ viện trợ vũ khí của Mỹ đã từng bị tạm dừng ngắn hạn vào tháng 2 vừa qua và thêm một lần nữa kéo dài hơn vào tháng 3. Gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đã nối lại việc gửi những lô hàng viện trợ cuối cùng được phê duyệt dưới thời cựu Tổng thống Biden.
Trong khi đó, Đức không loại trừ khả năng chuyển giao tên lửa Taurus cho Ukraine. Trong cuộc phỏng vấn truyền hình với đài truyền hình ARD, ngày 1-7, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết nước này không loại trừ khả năng chuyển giao tên lửa hành trình Taurus cho Ukraine theo yêu cầu của Kiev, lưu ý “đây vẫn là một lựa chọn".
Mặc dù Đức là một trong những nước cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine, nhưng Berlin chưa bao giờ cung cấp tên lửa Taurus, loại tên lửa có tầm bắn vượt quá 480 km cho quốc gia Đông Âu này.
TTXVN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.
Ngày 4-6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tiến hành cuộc điện đàm thứ 4 kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, trong đó tập trung thảo luận về tình hình Ukraine, chương trình hạt nhân Iran và một số vấn đề quốc tế khác.
Ngày 2-6, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng gặp người đồng cấp Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi hai bên không đạt được tiến triển trong cuộc đàm phán cùng ngày tại Istanbul về một lệnh ngừng bắn.