Vào một ngày đầu tháng 7, tôi có dịp ghé thăm thôn Long Châu Miếu, nơi người ta vẫn thường gọi là thôn Trầm, bởi làng Long Châu Miếu nằm ngay dưới chân núi Trầm. Nơi đây, không khí lao động sản xuất đang rất nhộn nhịp. Chỉ mới đến đầu làng, tôi đã nghe thấy tiếng máy móc chạy, tiếng cưa, cắt, xẻ đá… vang mãi không dứt, dọc hai bên đường vào làng là những tác phẩm điêu khắc đá sống động làm từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân nơi đây.

leftcenterrightdel
Sản phẩm điêu khắc đá tại Long Châu Miếu đa dạng về mẫu mã, kích thước. 

Các sản phẩm điêu khắc đá tại thôn Trầm chủ yếu là tượng Phật, các linh vật như: Voi, Hổ, Sư tử, Rùa đá và các công trình phục vụ trang trí, trùng tu các di tích Đình, Đền, Chùa, Miếu. Nhiều năm qua, làng nghề phát triển thêm về trang trí tại các khu du lịch, các khu vui chơi giải trí, có những sản phẩm giá trị lớn lên đến vài trăm triệu đồng. Một số công trình lớn mà thợ làm đá ở thôn Trầm đảm nhận như: Cầu đá chùa Yên Tử, tượng Voi Đền Đô, tu sửa văn bia ở Quốc Tử Giám…

Để tạo ra một sản phẩm đẹp, hài lòng khách hàng phải trải qua nhiều công đoạn: Làm thô, làm tinh rồi đi đến hoàn thiện sản phẩm. Ông Nguyễn Xuân Trường, chủ cơ sở điêu khắc đá Trường Sơn cho biết: “Từ khâu chọn nguyên liệu, phải chọn sao cho phù hợp với sản phẩm định tạo. Khi chọn xong sẽ tiến hành tạo hình ở dạng thô, đó là công đoạn ra phôi, sau khi xác định tạo hình sẽ tiến hành in lên tảng đá. Với những sản phẩm khó, yêu cầu cao thì phải in bản thảo trên đất sét, khi đạt yêu cầu mới làm chính thức. Theo bản vẽ, phải tiến hành đục phôi, tạo hình, sau đó sẽ làm các chi tiết để hoàn thiện sản phẩm như: Chà nhám, chạm hình, trang trí, đánh bóng…”.

leftcenterrightdel
Ông Nguyễn Xuân Trường (bên trái) tư vấn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của khách hàng. 

Với đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của người thợ nơi đây, những phiến đá thô sơ, vô tri, vô giác đã trở nên có hồn, những sản phẩm điêu khắc đá ngày càng đa dạng về mẫu mã, danh tiếng của nghề điêu khắc đá thôn Long Châu Miếu cũng ngày càng vang xa.

Chị Lê Thị Giang (Hưng Yên) bày tỏ: “Đã nhiều lần mình mua các sản phẩm làm từ đá tại thôn Trầm, mình yêu thích bởi sự tinh xảo, sắc nét và đẹp của các sản phẩm nơi đây”.

leftcenterrightdel
Những tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ các phiến đá thô sơ. 

Ông Nguyễn Đình Hanh, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phụng Châu cho biết: “Thôn Long Châu Miếu có diện tích tự nhiên là 60,7ha với 400 hộ dân (khoảng 1360 nhân khẩu). Hiện nay có 30 hộ mở xưởng điêu khắc đá và có 300/590 lao động chính trong thôn tham gia làm nghề truyền thống. Việc làm đã tạo thu nhập cho người lao động từ 8-15 triệu đồng/tháng. Tháng 12-2015, làng nghề điêu khắc đá Long Châu Miếu đã được UBND thành phố Hà Nội công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội”.

Bà Đào Thị Khắc (55 tuổi), người dân thôn Trầm, đang làm việc tại Xưởng đá Nghiêm Quỳnh, chia sẻ: “Nghề làm đá khá bụi bặm và vất vả, đòi hỏi sự khéo léo và tỉ mỉ của người thợ. Mỗi ngày làm 8 tiếng chúng tôi có thể kiếm được 300.000-500.000 đồng tùy vào độ khó của các công đoạn mình đảm nhận”.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel

Nghề điêu khắc đá giúp cho người dân có thu nhập khá. 

Để giảm bớt sức người, hiện nay hầu hết các công đoạn chạm khắc một sản phẩm đá ở Long Châu Miếu đã được cơ giới hóa với các loại máy móc hiện đại, như máy cắt, máy đục, không còn thuần túy làm thủ công như xưa. Tuy vậy, không vì thế mà làm giảm đi độ tinh xảo, sắc cạnh trong những đường nét chạm khắc tác phẩm. Bởi nhiều chi tiết chỉ có đôi bàn tay tài hoa của những người thợ nơi đây mới có thể chế tác được để tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.

Khách hàng từ khắp trong Nam, ngoài Bắc đều tìm đến Long Châu Miếu để đặt hàng bởi sản phẩm dù kích cỡ nào, hay phức tạp đến đâu, các nghệ nhân nơi đây đều có thể chế tác được. Không những vậy, sản phẩm đá tại thôn Trầm đang trên đường vươn tới thị trường một số quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan…

Với niềm say mê với nghề điêu khắc đá, những người thợ tại Long Châu Miếu đã tạo ra các tác phẩm nghệ thuật. Đó là tâm, là sức của cả một quá trình lao động miệt mài. Những tác phẩm từ đá không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc mà còn giúp cho đời sống của người dân thôn Trầm ngày một khấm khá hơn và làm nên một bản sắc văn hóa làng.

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan. 

Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN