Làng nghề chạm trổ Chợ Thủ hưng thịnh hàng trăm năm phục vụ công trình kiến trúc tôn giáo, tư gia trong vùng. Bên cạnh đó, đội ngũ thương lái đông đảo từ Tiền Giang (thường gọi là lái Định Tường) đến Chợ Thủ mua đồ gỗ, theo các sông và kinh rạch đi bán khắp các tỉnh Nam Bộ đã góp phần làm cho làng nghề chạm trổ Chợ Thủ phát triển, phong phú và đa dạng.
Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng đồ gỗ trang trí nội thất tăng cao, kéo theo sự phát triển của chạm trổ nhằm đáp ứng nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Làng nghề chạm trổ Chợ Thủ dần hồi sinh và phát triển mạnh trở lại. Tháng 12-2006, chạm trổ gỗ Chợ Thủ được UBND tỉnh An Giang công nhận là làng nghề thủ công truyền thống. Chính quyền địa phương tích cực quan tâm và có cơ chế hỗ trợ cho những nghệ nhân của làng nghề.
 |
Một tay thợ ở làng nghề chạm trổ Chợ Thủ. |
Làng nghề chạm trổ Chợ Thủ hiện nay tập trung nhiều nhất ở xã Long Điền A (huyện Chợ Mới), có hơn 300 cơ sở với khoảng 1.000 hộ theo nghề chạm trổ. Làng nghề chạm trổ Chợ Thủ góp phần giải quyết việc làm cho hơn 2.300 lao động, chiếm gần 60% dân số vùng này; với thu nhập bình quân cho lao động chính 4-7 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó còn có gần 1.300 lao động gián tiếp, với mức thu nhập bình quân đầu người 2-3 triệu đồng/tháng.
Các thao tác, kỹ thuật của nghề chạm thủ công ở Chợ Thủ rất đa dạng. Chung quy gồm các thao tác chính là: Chạm trổ, chạm lộng, chạm âm và chạm nổi. Mỗi loại chạm ứng với từng loại sản phẩm khác nhau. Để tạo ra một sản phẩm, người thợ phải sử dụng nhiều dụng cụ đục, tách khác nhau. Có bộ lên đến 30-50 chiếc.
Ngày nay, với sự cải tiến của khoa học kỹ thuật, máy chạm trổ 3D tự động hóa (CNC) được đưa vào sử dụng góp phần giảm lao động thủ công, rút ngắn hơn một nửa công đoạn tạo ra sản phẩm. Xét về mặt mỹ thuật thì máy CNC vẫn không tạo ra sản phẩm có hồn hơn chạm thủ công. Một số nghệ nhân và những người con xứ Chợ Thủ tâm huyết với nghề chạm thủ công vẫn quyết chí giữ nghề và truyền lại cho con cháu. Một tín hiệu đáng mừng cho làng nghề là nhiều người trẻ rất đam mê và quyết chí theo nghề chạm thủ công truyền thống của quê mình. Họ vừa trẻ về tuổi đời, vừa có nhiều kiến thức công nghệ thông tin, nhạy bén, năng động và sáng tạo... Nhiều hứa hẹn cho sự phát triển, vừa hội nhập vừa giữ gìn những nét đặc trưng truyền thống của làng nghề.
Sản phẩm chạm trổ ở Chợ Thủ rất phong phú, đa dạng về mẫu mã, kích thước và nội dung. Từ các bao lam, thành võng, bàn ghế, vật dụng thờ tự cho đến các công trình trang trí, kiến trúc, nội thất và điêu khắc... Tất cả đều được chạm máy hoặc chạm thủ công tùy theo yêu cầu của người đặt hàng. Chợ Thủ ngày nay không chỉ là một điểm đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và làng nghề mà còn là địa chỉ đáng tin cậy về chất lượng sản phẩm chạm trổ.
Bài và ảnh: ĐỨC VINH