... Xa mẹ lên đường con vào tuổi hai mươi/ nắm cơm mo cau mẹ gói cả những mùa mưa nắng/ đêm cuối đông trở mình nghe sấm động/ thương mẹ lưng còng cấy lúa đồng sâu.../ Trải bao tháng năm mưa nắng dãi dầu/ muôn nẻo đục trong sông dồn về biển cả/ đời mẹ nghèo áo tơi nón lá/ nâng nhịp quân hành mỗi bước con đi...

Mấy câu thơ ấy tôi viết từ cái Tết đầu tiên trong đời quân ngũ. Một quãng Tết binh nhì! Hơn 30 năm rồi, chàng tôi non tơ ngày ấy, giờ tóc đã pha sương, nhưng ký ức của cái rét ngọt đêm trừ tịch, của mái tóc thoang thoảng hương nhu trong màn đêm đặc quánh sương mù vẫn vẹn nguyên, tươi rói...

leftcenterrightdel

Cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 14 (Sư đoàn 312, Quân đoàn 12) trang trí chuẩn bị đón Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: NGỌC LÂM 

Đơn vị tôi nhập ngũ là Tiểu đoàn 512 thuộc Trường Quân chính Tổng cục Hậu cần, đóng quân ở xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Đó là một vùng đồi núi, đất cằn đá sỏi, ngút mắt những vạt cây lúp xúp, rậm rì bên bờ sông Công nước xanh như ngọc. Sau thời gian huấn luyện tân binh, 45 chiến sĩ được Tiểu đoàn tuyển chọn bước vào khóa đào tạo tiểu đội trưởng. Một vùng đồi núi nhấp nhô bên dòng sông Công trở thành điểm đến hấp dẫn hằng ngày của chúng tôi. Nó hấp dẫn chả kém gì mấy cô cậu thế hệ “Gen Z” ngày nay tìm đến những địa điểm “view” đẹp để tạo dáng check-in. Tại sao thế? Quãng binh nhì nắng gió thao trường mà cũng có cảm xúc lãng mạn vậy ư? Có đấy! Bởi, những điểm cao, những lô cốt, giao thông hào, cửa mở... trong những bài học chiến thuật không chỉ có nắng mưa, gió bụi, rét cắt da và nắng sạm da... nơi đó còn có những vẻ đẹp “lá ngọc cành vàng”, có làn hương thôn nữ quyện trong mùi thơm nưng nức của những rổ sắn, bắp ngô bốc khói, làm ấm cả mùa đông.

Thì đấy! Dưới những điểm cao, xung quanh giao thông hào, ụ súng, lô cốt... là những nương sắn, vườn ngô của dân. “Không lấy cái kim, sợi chỉ của nhân dân...”; “luôn kính già, yêu trẻ, đứng đắn với phụ nữ”... Quãng binh nhì, ngày nào, tối nào trong giờ sinh hoạt, chúng tôi cũng được chỉ huy, từ đại đội đến tiểu đội quán triệt những điều ấy. Thuộc lòng rồi! Cứ răm rắp mà thực hiện. Nhưng, cái đẹp hây hẩy gió đông của thôn nữ Hồng Kỳ, nó cứ theo heo may mà lan, nó cứ theo rét ngọt mà tỏa, nó cứ mơ màng theo khói hương trầm mà ngát, nó cứ quấn theo lá dong xanh mà thắt eo thon... Nó cứ như thế mà đập vào mắt, mà đi vào giấc mơ, mà hừng đêm mộng, mà thành thơ đầy ắp trong những cuốn nhật ký. “Cái đó, đâu phải là cái kim, sợi chỉ, phải không đại đội trưởng?”-trong giờ giải lao, tôi mạnh dạn “chất vấn” anh Công, Đại đội trưởng, người nổi tiếng nghiêm khắc trong dàn cán bộ chỉ huy của Tiểu đoàn. Anh Công cười, chỉ về nương sắn, nơi có 3 người phụ nữ đang hí húi nhổ nhổ, đào đào: “Kìa! Có chú nào đủ năng lượng và năng lực thì tiếp cận đi. Nhưng tớ nhắc lại, vi phạm kỷ luật là tớ nghiêm trị. Rõ chửa?”. Thẳng hướng tay của Đại đội trưởng Công là bà Cúc và hai cô con gái xinh như mộng đang vào tuổi cập kê. Mà cái đất vùng núi Sóc Sơn ấy, ngày ấy, lạ thay, con gái nhà ai cũng xinh hây hẩy. Gái làng nhiều lắm, đến mấy chục cô. Cô nào cũng xinh...

Chả rõ có bao nhiêu chàng đem lòng tương tư thôn nữ Hồng Kỳ, chỉ biết là vào ngày nghỉ, chủ nhật, số lượng các chàng đăng ký đi xin chuối về cho đơn vị nuôi lợn, đăng ký đi lấy phân trâu, bò về tăng gia sản xuất cứ nhiều lên. Hóa ra các chàng cứ lao đến nương sắn, vườn khoai của dân. Nhà nào thu hoạch (nhất là các nhà có con gái) là bộ đội vào giúp ngay. Giúp nhiệt tình. Giúp trách nhiệm. Những thân hình vạm vỡ tuổi hai mươi vác các bao tải sắn to lừng lững chất lên xe bò cứ nhẹ như không. Rồi cuối ngày, thứ mà các chàng đem về không chỉ là chuối, là những chiếc xe cút kít đầy phân bón mà còn là sắn. Sắn Sóc Sơn ngon, bở, bùi, trắng phau phau, dậy mùi nức cả mùa đông...

Anh Thảo, Tiểu đội trưởng trúng số đào hoa khi "lọt vào mắt xanh" cô con gái lớn nhà bà Cúc. Anh là người hay chữ, giỏi đàn hát. Ngày nàng tạm biệt làng quê lên thành phố học sư phạm, anh Thảo ra ngẩn vào ngơ, tối nào cũng viết thư tình. Tết năm ấy, anh Thảo gọi chúng tôi lên, mở cái rương to đùng đựng toàn thư là thư cho chúng tôi đọc. Ngày ấy, đọc thư tình của đồng đội là thú vui không thể thiếu của quãng binh nhì.

Lần đầu tiên trong đời, tôi và đồng đội cùng trang lứa ở các vùng quê: Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An... được chỉ huy hướng dẫn cách gói bánh chưng, gói giò, mổ lợn, trang trí bàn thờ đón Tết. Doanh trại còn tuềnh toàng lắm. Đời sống bộ đội còn đơn sơ, thiếu thốn lắm. Đến quân phục cấp cho thanh niên nhập ngũ những ngày đầu cũng còn chưa đủ. Chả thế mà 3 ngày Tết được ăn ngon, được giao lưu với gái xinh, thích lắm! Chúng tôi dùng giấy màu cắt chữ dán lên tường, cắt những cành mai, cành đào dán lên các cánh cửa bằng cót ép lỗ chỗ vết thủng...

Đêm Ba mươi Tết, Chi đoàn xã Hồng Kỳ tổ chức một đoàn vào đơn vị giao lưu. Các em thôn nữ xênh xang áo mới, hương bồ kết, hương sả, hương nhu dậy lên từ những mái tóc mượt mà, óng ả, ríu rít, râm ran chuyện nhỏ chuyện to và tiếng đàn, tiếng hát mừng xuân. Anh Thảo ngồi bên cô em “lá ngọc cành vàng” nhà bà Cúc, nhìn Đại đội trưởng Công đầy hạnh phúc và cả sự kiêu hãnh nữa. Ý bảo: “Đại đội trưởng còn thách em nữa không?”. 

Đêm trừ tịch trời rét căm căm, tôi trở mình trên chiếc giường tầng, nghe tiếng gà lanh lảnh phía đầu làng vọng qua cổng gác. Tiếng gà cong vút như chiếc cần câu, rót vào tâm hồn lứa tuổi hai mươi những mông lung, vời vợi. Cánh đồng dưới chân núi và hương tóc thôn nữ Hồng Kỳ cứ chờn vờn trong dáng bà, dáng mẹ, dáng chị, dáng em ở cánh đồng bên bờ sông Ngàn Phố quê tôi... Rồi hồn thơ, rồi tứ thơ, rồi những trang nhật ký cứ thế mà ăm ắp những vời vợi thương nhớ... 

Trước Tết Giáp Thìn 2024, tôi nhận được điện thoại của anh bạn đồng ngũ năm ấy. “Thằng con lớn của vợ chồng tôi tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chính trị, nhận công tác ở Quân đoàn 4. Tết này cháu không về. Nó sẽ thay tôi đến chúc Tết ông. Hai bác cháu hàn huyên nhé!”. 

Nhanh quá! Những quãng Tết binh nhì cứ nối tiếp đến rồi đi, để lại những khung trời hoài niệm rưng rức. Ngày đó, tôi biết bạn mình say như điếu đổ một em ở xã Hồng Kỳ, nhưng không dám ngỏ lời, bởi “tôi phấn đấu đi học sĩ quan nên không muốn gieo vào tâm hồn ai một nỗi đợi chờ. Hữu duyên thì sau này sẽ gặp”. Bạn nói thế! Rồi bạn đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1. Rồi về công tác ở Quân khu 4. Và nay là trung tá nghỉ hưu. Tôi không nêu tên bạn trong bài, bởi mẹ của cậu con trai trung úy sắp lên chúc Tết tôi không phải là thôn nữ Hồng Kỳ mà bố cậu đã say như điếu đổ trong đêm giao lưu trừ tịch năm ấy. Cứ để thế, để mẹ cậu có đọc Báo Quân đội nhân dân còn có chuyện vui để thêm yêu chồng... 

Đáng yêu sao, đáng nhớ sao những quãng Tết binh nhì...!

PHAN TÙNG SƠN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.