Trên nghị trường, mỗi phát biểu của đại biểu Quốc hội cần phản ánh trung thực, đầy đủ những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất từ cơ sở. Tiếng nói ấy chỉ có thể thuyết phục khi được hình thành từ quá trình tiếp xúc, lắng nghe, tổng hợp một cách nghiêm túc thông qua các kênh chính thức như tiếp xúc cử tri, làm việc với địa phương, đơn vị, tổ chức xã hội... Mỗi lời nói của đại biểu không chỉ là trách nhiệm với cử tri nơi bầu ra mình mà còn là biểu hiện của bản lĩnh chính trị, trí tuệ và tinh thần phụng sự nhân dân.
 |
Đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quốc hội |
Thực tiễn hoạt động nghị trường cho thấy, nhiều đại biểu đã thực hiện rất tốt vai trò ấy, góp phần lan tỏa tiếng nói chính đáng của nhân dân trên các diễn đàn quan trọng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, trong một số trường hợp, nội dung phát biểu còn mang nặng tính cảm xúc, thiếu chiều sâu nghiên cứu hoặc chưa thật sát với thực tiễn đời sống, thậm chí có một số phát biểu phi thực tế, "làm màu" nhằm gây sự chú ý của truyền thông nhưng sau đó trở thành đề tài đàm tiếu của dư luận không gian mạng. Điều đó đặt ra yêu cầu cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phát biểu tại nghị trường, nơi mỗi lời nói đều có tác động nhất định đến dư luận xã hội, hoạt động lập pháp và công tác điều hành của bộ máy công quyền.
Trong bối cảnh truyền thông phát triển mạnh mẽ, mỗi phát biểu sâu sắc, có cơ sở thực tiễn, gắn với thực tiễn đời sống, quốc kế dân sinh... sẽ tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa giá trị và góp phần định hướng dư luận. Đây cũng là cách để báo chí đồng hành với đại biểu Quốc hội, chuyển tải tiếng nói của dân một cách khách quan, trách nhiệm, xây dựng.
“Nói tiếng nói của dân” không phải là vấn đề mới, nhưng luôn mang tính thời sự. Đó là yêu cầu gắn liền với sứ mệnh người đại biểu của dân, được cử tri gửi gắm niềm tin. “Nói tiếng nói của dân” là một yêu cầu xuyên suốt, đặt ra không chỉ tại nghị trường, mà trong toàn bộ quá trình thực hiện trọng trách đại biểu của nhân dân. Khi tiếng nói ấy xuất phát từ sự thấu hiểu, đồng hành và trách nhiệm, nó sẽ trở thành sợi dây nối liền giữa lòng dân và ý Đảng, góp phần tạo nền tảng vững chắc để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
PHAN TÙNG SƠN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.