Thời nay, một số người trong xã hội không những không yêu mẹ kính cha mà còn có những hành vi phi đạo đức, phi nhân tính đối với bậc sinh thành. Không kể những đứa con hư đốn, chơi bời lêu lổng, bất chấp lời dạy bảo khiến cha mẹ phiền lòng; táng tận lương tâm hơn, có những kẻ chỉ vì nghiện ma túy, cờ bạc, trò chơi điện tử mà trong lúc cuồng quẫn, xin tiền mẹ không được đã ra tay tước đoạt mạng sống người mang nặng đẻ đau sinh ra mình, khiến xã hội căm phẫn.

Lại một câu chuyện về tình mẫu tử khiến lòng người bàng hoàng, chua xót. Mới đây, tại tỉnh Hưng Yên xảy ra vụ việc ba người con gái mang xăng đến đốt nhà mẹ đẻ. Càng đáng lên án khi cả ba đứa con nhẫn tâm cùng chung ý định sát hại mẹ trong ngày giỗ cha. Vụ việc này như hồi chuông báo động về sự đảo lộn luân thường đạo lý, nền nếp gia phong và sự bất hiếu tột cùng của những đứa con đối với cha mẹ.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: VnExpress. 

Từ xưa đến nay, một trong những giá trị bền vững làm nên phẩm giá con người và nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh là đạo hiếu. Giáp cốt văn (chữ cổ viết trên mai rùa) hơn ngàn năm trước, chữ “hiếu” có hình tượng người con cõng cha mẹ trên lưng. Chữ “hiếu” ở đây được biểu thị bằng mối quan hệ cha (mẹ) trên lưng, con ở dưới; suy rộng ra đó là đạo nghĩa của con cái đối với cha mẹ; con cái lấy việc cung kính, phụng dưỡng cha mẹ làm đầu.

Đạo Nho và đạo Phật có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc ta bao đời nay. Cả hai tôn giáo này đều đặc biệt coi trọng, đề cao bổn phận hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ. Đạo Nho không chỉ quan niệm “Nhân sinh bách hạnh hiếu vi tiên” (Nét hiếu đứng đầu trăm nết tốt), mà còn nhấn mạnh “Hiếu hữu tam: Đại hiếu tôn thân, kỳ thứ phất nhục, kỳ thứ năng dưỡng (Đạo hiếu có ba điều: Đại hiếu là tôn kính cha mẹ, thứ đến là không làm gì gây tai tiếng cho cha mẹ, sau cùng là nuôi dưỡng cha mẹ). Chữ hiếu trong đạo Phật cũng được biểu hiện qua hai phương diện là vật chất và tinh thần. Về vật chất, con cái phải chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ, nhất là khi cha mẹ ốm đau, già yếu. Về tinh thần, con cái phải biết làm cho cha mẹ an vui qua thái độ ứng xử lễ phép, đối đãi thơm thảo đối với cha mẹ và qua lối sống đạo đức tốt đẹp của bản thân. Trong 14 điều răn của Phật thì “tội lỗi lớn nhất của đời người là bất hiếu”.

Trong đời sống tình cảm của người Việt bao đời nay, công cha nghĩa mẹ cao như núi, dài như sông, rộng như biển, vì “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”; và vì công lao cha mẹ gói gọi ở “9 chữ cù lao”, đó là: Sinh (sinh đẻ), cúc (đùm bọc), phủ (vỗ về), súc (cho bú mớm), trưởng (nuôi nấng cho con trưởng thành), dục (dạy bảo điều hay, lẽ phải); cố (theo dõi săn sóc), phục (khuyên răn), phúc (chở che, bảo vệ).

Sống trong một xã hội văn minh, trình độ dân trí cao, đời sống vật chất và tinh thần của con người ngày càng sung túc, khá giả là điều kiện thuận lợi để con người báo đáp công ơn cha mẹ một cách chu toàn, trọn nghĩa vẹn tình. Một khi con hiếu thảo thì cha mẹ vui vẻ, gia đình hòa thuận, muôn việc hanh thông.

Câu châm ngôn “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” mang hàm ý cảnh báo về những hành vi bội bạc, việc làm xấu xa của người đời dễ bị (sẽ được) vận ngay vào chính họ và thế hệ con cái họ. Bởi quy luật ở đời là “gieo gió gặt bão”. Kẻ nào đối xử với cha mẹ chẳng ra gì thì nên thấm thía lời người xưa căn dặn: “Nếu mình hiếu với mẹ cha/ Thì con cũng hiếu với ta khác gì/ Nếu mình ăn ở vô nghì/ Đừng mong con hiếu làm gì uổng công”.

 THUẬN ĐỨC