Tiềm năng, nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa

Không gian văn hóa Thăng Long-Hà Nội tiếp thu và phát triển văn hóa từ 4 tiểu vùng lớn: Bắc, Đoài, Đông, Sơn Nam Thượng, đồng thời hội nhập văn hóa khu vực và quốc tế, tạo nền tảng phát triển công nghiệp văn hóa đặc trưng. Thống kê mới nhất cho thấy, thành phố hiện có 6.489 di tích, trong đó 2.669 di tích được xếp hạng, gồm 22 di tích quốc gia đặc biệt, 1 di sản thế giới và 2 di sản tư liệu thế giới. Hà Nội còn là trung tâm lớn về di sản phi vật thể với hơn 3.500 di sản được kiểm kê, nhiều di sản cấp quốc gia và quốc tế, cùng danh hiệu “Thành phố sáng tạo” do UNESCO trao tặng. Thành phố có 1.350 làng nghề truyền thống nổi tiếng như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Định Công, Phú Vinh... đóng vai trò quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa như thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang và du lịch văn hóa. Cùng với đó là 1.661 lễ hội dân gian cùng kho tàng nghệ thuật, tín ngưỡng đặc sắc, đồng thời phát triển văn hóa ẩm thực tinh tế và đa dạng, trở thành tiềm năng lớn để quảng bá thương hiệu Thủ đô ra thế giới.

Trình diễn nghệ thuật dân gian múa rồng trên phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm nhằm quảng bá di sản văn hóa Thủ đô, thu hút khách du lịch. Ảnh: NHẬT ANH 

TS Vũ Thúy Hiền, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội cho rằng: “Trên thế giới, hiếm thủ đô nào hội tụ văn hóa truyền thống lâu đời, giáo dục cổ truyền, tôn giáo-tín ngưỡng, nghệ thuật và lễ hội đa dạng, phong phú như Hà Nội. Đây là lợi thế nổi bật giúp Hà Nội phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế và hướng tới tiêu chuẩn Thủ đô sáng tạo, kết nối toàn cầu như Seoul (Hàn Quốc), Paris (Pháp), Berlin (Đức) hay Tokyo (Nhật Bản)”.

GS, TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đánh giá, Hà Nội là thành phố sớm có chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển công nghiệp văn hóa, cụ thể là Nghị quyết 09 tạo điều kiện để Hà Nội thu được nhiều thành tựu từ lĩnh vực này, trong đó về âm nhạc, Lễ hội âm nhạc Gió mùa (Monsoon Music Festival) được tổ chức hai năm một lần từ năm 2014 khiến thành phố ngày càng chứng tỏ là trung tâm của các hoạt động văn hóa, chính trị của cả nước và quốc tế.

Hà Nội đã có chủ trương bảo tồn và phát triển 806 làng nghề nhằm phục vụ phát triển kinh tế và du lịch. Điển hình tinh hoa làng nghề của Bát Tràng với một bảo tàng gốm và không gian làng lụa Vạn Phúc-Hà Đông... Về nghệ thuật biểu diễn hiện đại, hai năm gần đây mời ban nhạc Blackpink mà theo thống kê của Touring Data, concert “Born Pink” ở Hà Nội của Blackpink đã thu hút 67.443 khán giả với danh thu 13.660.064USD (hơn 333,4 tỷ đồng). Lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm có thể kể đến các chương trình mapping tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám, nhà tù Hỏa Lò, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long... với nhiều sáng tạo ứng dụng công nghệ thu hút du khách, cho thấy tiềm năng của các lĩnh vực này.

Giải pháp cho tương lai

Áp lực bảo tồn và sự xuống cấp của di sản, thiếu liên kết trong phát triển kinh tế di sản-du lịch, quy hoạch cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, sản phẩm chưa đa dạng... là những thách thức khiến công nghiệp văn hóa của Thủ đô phát triển chưa xứng tầm. GS, TS Lê Hồng Lý góp ý, trước hết, các nhà lãnh đạo Thủ đô luôn phải nhận thức rằng bên cạnh những ngành công nghiệp văn hóa hiện đại sẽ là tiềm năng của một thành phố trung tâm, thì di sản văn hóa truyền thống là tiềm năng bền vững cần được khai thác, coi trọng và phát triển. Muốn khai thác và phát triển cũng cần có những tài năng để biến những di sản thành sản phẩm du lịch văn hóa cao cấp đem lại giá trị kinh tế cho Hà Nội. Bên cạnh đó, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân để họ khai thác và đầu tư vào di sản, tạo thành những điểm sáng, những cơ sở du lịch có tầm cỡ quốc gia, quốc tế một cách bài bản. Những điển hình các khu du lịch cảnh quan, tâm linh của nhiều địa phương như Bà Nà Hills (Đà Nẵng), Khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh)... đã chứng minh điều đó.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số, Thạc sĩ Nguyễn Thị Anh Hoa, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội đưa ra giải pháp, Hà Nội cần xác lập một chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên di sản văn hóa một cách toàn diện và bền vững. Trước tiên, định hướng phát triển cần gắn khai thác di sản với việc xây dựng bản sắc văn hóa đô thị, trong đó mỗi loại hình di sản (vật thể và phi vật thể, làng nghề và nghệ thuật truyền thống, kiến trúc và lễ hội...) phải được định vị rõ vai trò trong chuỗi giá trị văn hóa. Các không gian di sản cần được chuyển hóa thành các trung tâm sáng tạo, không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống mà còn trở thành điểm đến văn hóa hấp dẫn của cộng đồng và du khách.

Giải pháp then chốt là hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp và nghệ nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị sáng tạo. Song song với đó, việc đào tạo nguồn nhân lực liên ngành, kết hợp giữa mỹ thuật, công nghệ và kinh doanh sáng tạo sẽ là nhân tố quyết định trong quá trình chuyển hóa di sản thành sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, thành phố cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục di sản và nâng cao nhận thức cộng đồng. Các chương trình trải nghiệm di sản, giáo dục nghệ thuật tại trường học, các nền tảng số hóa di sản sẽ góp phần lan tỏa và kết nối cộng đồng với giá trị truyền thống. Mặt khác, việc tăng cường hợp tác công-tư và kết nối quốc tế thông qua mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO sẽ mở rộng không gian phát triển cho công nghiệp văn hóa Hà Nội từ nguồn lực di sản.

NGÔ HƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.