Đề cao giá trị sáng tạo

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt mục tiêu: Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao. Một nước phát triển có thu nhập cao có nền văn hóa tương ứng như thế nào khi quan điểm của Đảng ta đã xác định văn hóa phải đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội? Văn hóa sẽ góp sức như thế nào cho mục tiêu xây dựng một Việt Nam hùng cường?

Những câu hỏi lớn đó có thể được trả lời từ thực tiễn xây dựng văn hóa và con người Hà Nội trong hơn 20 năm tới. Bởi lẽ Hà Nội không chỉ là bộ mặt quốc gia mà còn là nơi hình thành, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, điểm giao thoa các vùng, miền văn hóa; thử thách làn sóng văn hóa bên ngoài liệu thực sự có giá trị, tương thích và làm giàu có văn hóa nước nhà.

leftcenterrightdel
Các em thiếu nhi tham dự Cuộc thi vẽ tranh "Em yêu Hà Nội-Thành phố vì hòa bình" năm 2023, tháng 10-2023. Ảnh: LÊ THÚY    

Văn hóa vốn định tính, phức tạp nên để hình dung và đưa ra những dự báo ở tương lai là điều cực khó. Chỉ có thể xác định những mục tiêu đã chín muồi về nhận thức; những yếu tố kiến tạo có giá trị bất biến, trong đó có sáng tạo.

Vốn dĩ hệ giá trị là tập hợp các giá trị được con người đánh giá mang ý nghĩa tích cực trong một bối cảnh không gian-thời gian cụ thể. Hệ giá trị có chức năng định hướng rất quan trọng, phản ánh ý chí, niềm tin vào tương lai của cộng đồng, là động lực to lớn cho sự phát triển. Rõ ràng, sáng tạo một giá trị mà Hà Nội cần ưu tiên hàng đầu trong tầm nhìn đến năm 2045. Bởi lẽ bất cứ lĩnh vực nào của Hà Nội cũng cần phải có sáng tạo mới tạo ra giá trị mới, tiến lên phía trước. Riêng lĩnh vực văn hóa, nếu không sáng tạo thì khó khai thác “mỏ vàng” văn hóa Thăng Long-Hà Nội bồi đắp ngàn năm.

Những dự án nghệ thuật như: Phố bích họa Phùng Hưng, không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân, dự án nghệ thuật trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, không gian nghề thuốc phố Lãn Ông... mới chỉ quy mô nhỏ, tính lan tỏa không cao. Do vậy, cần những dự án lớn hơn, trong đó vai trò dẫn dắt của chính quyền thành phố là cực kỳ quan trọng. Theo Kiến trúc sư, nhà nghiên cứu Vũ Hiệp: “Có thể tạo ra một dự án kết hợp hai danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” và “Thành phố sáng tạo” trong một sự kiện. Chẳng hạn tổ chức triển lãm nghệ thuật có tầm vóc quốc tế định kỳ 2-3 năm/lần (còn gọi là Biennale và Triennale). Địa điểm có thể chọn là bãi giữa sông Hồng, với chủ đề xuyên suốt là nghệ thuật vì hòa bình, trong đó nhấn mạnh đến sự chia sẻ, đồng cảm giữa những nền văn hóa khác nhau, những thể chế chính trị khác nhau, những ước mơ khác nhau. Như thế sẽ tạo ra điểm nhấn thu hút văn nghệ sĩ, du khách bốn phương đến với Hà Nội để sáng tạo, trải nghiệm”.

Các chuyên gia cho rằng, hơn 20 năm là khoảng thời gian bằng vàng để Thủ đô kiến tạo giá trị văn hóa tương lai. Những việc làm được của Hà Nội sau 5 năm gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) rất đáng kể và đáng nể; song đó mới chỉ là bước khởi đầu, cần đổi mới sáng tạo liên tục mới là “chìa khóa” dẫn đến thay đổi về chất trong văn hóa, thay vì chăm chú hoạt động bề nổi.

Liên thông, đồng bộ các giải pháp

Sáng tạo là để thúc đẩy kinh tế phát triển cao, xây dựng xã hội hài hòa, do vậy, phải luôn xác định dành nguồn lực ở mức độ cao nhất trong khả năng của thành phố. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng nhu cầu của người dân và phải sát thực tiễn, mới có thể đầu tư đúng và trúng. Chẳng hạn, cần quan tâm, đầu tư đẩy mạnh giáo dục nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô như là một ưu tiên ươm mầm tinh thần sáng tạo. PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: “Giáo dục nghệ thuật không chỉ đơn thuần là tạo ra các nghệ sĩ, mà quan trọng hơn, là thông qua tiếp xúc với nghệ thuật, chúng ta mong muốn tạo ra những con người yêu cái đẹp và đặc biệt hơn là yêu thích sáng tạo, từ đó chúng ta sẽ có những công dân sáng tạo trong một quốc gia khởi nghiệp”.

leftcenterrightdel
 Thiếu nhi Hà Nội trải nghiệm nghề làm gốm. Ảnh: VIỆT TRUNG

Với việc Luật Thủ đô (sửa đổi) sắp có hiệu lực, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở Thủ đô cần chủ động sáng tạo với điểm tựa là cơ chế đặc thù có trong luật. Suy cho cùng, yếu tố con người, nhất là công tác cán bộ quyết định tất cả. Muốn định hướng văn hóa, cán bộ phải có hiểu biết sâu rộng về chuyên môn, đặc biệt phải nhạy cảm, tinh tế, biết sáng tạo để xử lý các sự việc cụ thể. Tuy nhiên, nhiều nơi, nhiều lúc bố trí cán bộ lãnh đạo văn hóa thiếu chuyên môn, trái sở trường. Rõ ràng, bên cạnh đòi hỏi cán bộ văn hóa có bằng cấp chuyên môn; việc xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng gắn liền với việc hoạch định chương trình hoặc chiến lược hoạt động của ngành văn hóa là rất quan trọng. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học hiến kế: Hà Nội có thể lập một ban chỉ đạo và ban quản lý dự án đầu tư công nghiệp văn hóa, gắn với thúc đẩy tính sáng tạo. Mô hình, cách làm không có gì mới, ngành giao thông, xây dựng, khoa học-công nghệ... đã có nhưng văn hóa lại chưa.

Sáng tạo trong văn hóa không có nghĩa là tùy tiện, tùy hứng mà dựa trên lý thuyết có tính phổ quát, mô hình hay, cách làm hiệu quả trong thực tế. Trong vấn đề phát triển công nghiệp văn hóa gắn với đổi mới sáng tạo, các nước phát triển đã có kinh nghiệm hàng chục năm đi trước. Do vậy, Hà Nội cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm quốc tế; chắt lọc những thành công và nghiên cứu cả những thất bại, sớm ứng dụng sáng tạo vào thực tiễn. Chẳng hạn, vấn đề hợp tác công-tư, cần đẩy nhanh thí điểm để tư nhân sớm tham gia quá trình đầu tư, quản trị, phát huy tối đa thế mạnh về quy mô các thiết chế văn hóa chất lượng trên địa bàn Thủ đô.

Những nhóm giải pháp kể trên có tính căn bản, điều quan trọng là thực hiện đồng bộ, liên thông. Bởi tự thân văn hóa nói chung và giá trị sáng tạo không thể phát triển một cách độc lập mà chịu những tác động từ các lĩnh vực khác.

“Xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích phát triển bền vững các không gian sáng tạo trở thành “hệ sinh thái sáng tạo”; khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, phát triển kinh tế số, kinh tế ban đêm, kinh tế đô thị... phù hợp với lợi thế và điều kiện của thành phố” (Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy Hà Nội về “phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”).

NHÓM PHÓNG VIÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.