Có phải đọc nhiều là “học vẹt”, là dùng kiến thức của người khác mà ít tư duy, ít phát triển tri thức tự thân hay không? Tôi hốt hoảng khi một cậu bé thích đọc sách và hay chia sẻ những nội dung tâm đắc trong sách như cháu lại có suy nghĩ vậy. Hóa ra cháu vừa nghe phát biểu của một KOL (Key Opinion Leader-người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng) trong lễ khai giảng ở một ngôi trường quốc tế.

Khoan bàn về những trích dẫn có phần chưa chính xác trong phát biểu đó, mà quan điểm của tác giả về sự đọc mới thật sự khiến người nghe lo ngại. Tác giả đã đi quá xa khi gần như làm méo mó, phủ nhận luôn cả sự học gồm đọc, xem, nghe những tri thức vô giá mà nhân loại đã tích lũy được. Nguy hại hơn tác giả say sưa đề cao “tri thức tự thân” và coi thường sự tiếp thu tri thức từ người khác để lại và trao truyền. 

leftcenterrightdel
 Sách giúp các em phát triển tri thức. Ảnh: Vietnam+.

Trong xã hội hiện đại, mạng xã hội đã tạo ra khái niệm mới là KOL. KOL có thể là một cá nhân, một tập thể, một tổ chức dẫn đầu hoặc chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể, được nhiều người biết đến. Quan điểm, ý kiến của họ tạo ra sự tin cậy xã hội và cộng đồng, có ảnh hưởng lớn đến số đông công chúng. Theo khảo sát cuối năm 2021 của Công ty InfoQ Việt Nam, có tới 85% người được hỏi quan tâm đến những người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng (KOLs); 49% người dành từ 1 đến 2 tiếng/ngày để theo dõi KOLs và 64% người xem livestream của họ trên Instagram, Facebook, TikTok...  “Khán giả” của KOLs thường có chung mối quan tâm và có thiên hướng tương tự về suy nghĩ, quan điểm, thậm chí cả lối sống với KOLs của mình. Đó là lý do ngày càng có nhiều KOLs về thời trang, ẩm thực, du lịch, học thuật, y tế, sức khỏe...

Thường thì KOLs luôn cố gắng tạo niềm tin đối với khán giả. Tuy nhiên, đã có không ít KOLs lại ảo tưởng về sức mạnh khi nghĩ một câu KOLs nói ra đều có thể trở thành “chân lý”. Nhất là, khi mục đích “hướng lái” dư luận không còn vì cộng đồng thì câu chuyện đã trở nên khác. Hẳn dư luận chưa quên những vụ việc về lợi dụng vấn đề môi trường tại Formosa Hà Tĩnh, hay dịch Covid-19... được nhiều KOLs sử dụng dẫn dắt và “thao túng” công chúng vì lợi ích nhóm. Để đánh bóng bản thân, những câu chuyện hư cấu được viết ra để thu về một lượng “like” (yêu thích), “share” (chia sẻ) tăng đến chóng mặt trên các trang cá nhân, nhằm lấy chứng nhận “tick xanh” của Facebook. Qua đó nhằm trục lợi cá nhân, nhất là trục lợi trên mạng xã hội.

Dù chỉ là “diễn” trên sân khấu ảo của mạng xã hội, nhưng những tác động, điều hướng dư luận của KOLs lại rất thực tế, có thể khiến dư luận hoang mang, bất an về một vấn đề nào đó. Bởi vậy, khi đã là KOLs thì không thể ngông cuồng, không thể nói, viết linh tinh được. Tự do ngôn luận không có nghĩa muốn nói gì, viết gì thì viết, mà họ cần phải gắn trách nhiệm với những phát ngôn của mình. Luật An ninh mạng năm 2018 và nghị định liên quan cũng đã quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm và đề ra các chế tài xử phạt. Đã có hàng loạt vụ tung tin thất thiệt về Covid-19 hay câu chuyện hư cấu “bác sĩ Khoa rút ống thở” bị cộng đồng lên án và bị xử phạt nghiêm khắc. Vì vậy, để không mắc bẫy trước sự "loạn ngôn" của một số KOLs hiện nay, mỗi người, nhất là các bạn trẻ cần biết cách tiếp nhận một cách thông minh, tỉnh táo; đồng thời biết tìm đến các cơ quan báo chí chính thống để có thông tin chuẩn mực, tin cậy.  

THU HÀ