Trong lịch sử văn học dân gian Việt Nam có lưu truyền khoảng 20 chuyện kể về con cá gỗ, gắn với tình huống những người nghèo, hà tiện quá mức, không có thức ăn nên đã chế ra con cá gỗ để đánh lừa giác quan trong bữa cơm.
Trong đó, có một chuyện nhân vật chính là thầy đồ Nghệ được Phó giáo sư Ninh Viết Giao sưu tầm trong tác phẩm “Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ” (NXB Nghệ An, 1994), nhận định: “Tiếng cá gỗ bắt nguồn từ câu chuyện cụ thể đó-chuyện bịa, nhưng đã trở thành một truyện cười để châm biếm những người keo kiệt và bủn xỉn”.
Sau đó, giới học thuật đã có nhiều trao đổi, tranh luận về ý nghĩa của chuyện cá gỗ và đều cơ bản thống nhất các nội dung: Đây là chuyện tiếu lâm phản ánh thực tế thời nghèo khó xa xưa, phê phán thói keo kiệt, hà tiện và không có nhân vật, địa chỉ cụ thể. Tuy vậy vẫn có một số ý kiến cho rằng chuyện cá gỗ tôn vinh tinh thần hiếu học, chịu khó của người dân xứ Nghệ.
Bẵng đi một thời gian, chuyện cá gỗ đã lùi vào dĩ vãng, chỉ thỉnh thoảng được nhắc lại trong các cuộc trà dư tửu hậu nhằm mục đích giải trí. Năm 2016, trong dịp gặp mặt kiều bào quê Nghệ An về thăm quê hương đón xuân Bính Thân, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã tặng các vị khách tham dự sự kiện món quà là con cá gỗ vượt vũ môn với ý nghĩa biểu tượng cho tinh thần hiếu học của người Nghệ. Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến bàn tán, phản bác nên sau đó tỉnh Nghệ An không sử dụng biểu tượng cá gỗ làm quà tặng nữa.
Cuối năm 2023, Hiệp hội Du lịch và Công ty du lịch Bền vững Việt Nam đã phối hợp tổ chức khai trương tour du lịch “Làng cá gỗ-sau ánh hào quang” tại xã Quỳnh Đôi (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An). Theo Ban tổ chức, đến với cụm di tích đầu làng, khởi đầu là câu chuyện con cá gỗ quen thuộc với người dân xứ Nghệ, du khách sẽ hiểu thêm câu chuyện qua hoạt cảnh “ông đồ Nghệ và con cá gỗ”.
Một số người cho rằng danh nhân Hồ Phi Tích (1665-1734) ở làng Quỳnh Đôi là người đã sử dụng cá gỗ trong quá trình dùi mài kinh sử. Hình tượng con cá gỗ được tạo hình tại nhiều nơi trên địa bàn xã Quỳnh Đôi và tại nhà thờ Hồ Phi Tích. Trước cổng làng Quỳnh Đôi xuất hiện biểu tượng đàn cá vượt vũ môn.
Việc đưa con cá gỗ trong truyện dân gian trở thành sản phẩm du lịch tại làng khoa bảng Quỳnh Đôi gây phản ứng dư luận. Theo chuyên gia Hán Nôm Trần Mạnh Cường (Nghệ An), trong tất cả tài liệu thành văn từ trước đến nay sưu tầm được (bao gồm viết bằng chữ Hán, chữ Nôm, chữ quốc ngữ...) đều không có nội dung nào thể hiện chuyện cá gỗ gắn với một nhân vật, địa chỉ cụ thể. Giới sưu tầm đồ cổ cũng chưa tìm được bất cứ con cá gỗ cổ nào.
Việc gắn chuyện cá gỗ với làng Quỳnh Đôi và một số danh nhân ở đây là không có cơ sở. Mặt khác, chuyện cá gỗ là chuyện tiếu lâm phê phán thói hư tật xấu, cụ thể là tính cách keo kiệt, sĩ diện hão nên việc gán vào một địa chỉ, nhân vật cụ thể là vội vàng, phản cảm.
Nhiều người cũng lên tiếng phản ứng về việc tổ chức tour du lịch “Làng cá gỗ-sau ánh hào quang” tại xã Quỳnh Đôi. Sau đó, vào đầu tháng 3-2024, ông Hồ Bảo Thông, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi lên tiếng khẳng định Quỳnh Đôi không phải làng cá gỗ và ở đây không có chuyện cá gỗ. Chủ tịch UBND xã Quỳnh Đôi cho biết thêm, xã đã có tờ trình gửi UBND huyện Quỳnh Lưu đề nghị công nhận điểm du lịch văn hóa làng Quỳnh Đôi, không có danh xưng “làng cá gỗ”.
Các chuyên gia văn hóa cho rằng, nên để chuyện cá gỗ lùi vào dĩ vãng như một tiếng cười buồn về một thời khốn khó đã qua, nhìn lại để trân quý hơn những bước tiến của xã hội hôm nay, chứ không nên đánh bóng thành một tour du lịch như vậy.
QUANG ĐẠI
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.