Tôi không ít lần đứng lặng giữa Quảng trường Ba Đình những ngày cuối tháng Tư, nghe đâu đó vọng về tiếng loa phát bài “Như có Bác trong ngày vui đại thắng”, lòng bỗng nghẹn lại. Thế hệ chúng tôi, những người sinh ra trong hòa bình, chưa từng nếm trải chiến tranh, chưa từng nghe tiếng bom rơi đạn nổ, chỉ biết về những năm tháng khốc liệt ấy qua trang sách, phim tư liệu, qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Vậy mà, sao mỗi dịp tháng Tư về, tim lại thổn thức đến thế?
 |
Khối Sĩ quan Lục quân tiến vào lễ đài trong Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TRỌNG HẢI |
Có lẽ, bởi chúng tôi hiểu, cái giá của độc lập không hề nhỏ. Hàng triệu người con ưu tú của mảnh đất hình chữ S này đã ngã xuống cho ngày toàn thắng ấy. Những giọt máu thấm đất Mẹ không thể nào quên. Những người lính trở về mang trên mình vết thương chiến trận, nhưng họ vẫn sống giản dị, khiêm nhường giữa đời thường. Họ là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là biểu tượng sống cho những bài học về lòng yêu nước, sự hy sinh và tinh thần đoàn kết.
Tháng Tư, không chỉ là một mốc son lịch sử, mà còn là dịp để mỗi người con đất Việt soi chiếu lại chính mình, để biết ơn, để sống có trách nhiệm hơn với cuộc đời hôm nay.
50 năm, một hành trình không ngắn, cũng chưa dài với lịch sử dân tộc hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Nhưng chừng đó thời gian đủ để đất nước thay da đổi thịt. Từ những đống hoang tàn sau chiến tranh, Việt Nam đã và đang vươn mình mạnh mẽ, trở thành quốc gia có tốc độ phát triển năng động trong khu vực. Những con đường cao tốc trải dài, những tòa nhà cao tầng không ngừng mọc lên, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Hòa bình đã trở thành hiện thực trong mỗi nhịp sống thường nhật, điều tưởng chừng như giản đơn nhưng từng là khát vọng cháy bỏng của biết bao thế hệ cha anh.
Tôi từng gặp một cựu chiến binh 95 tuổi tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm ngoái. Cụ lặng lẽ ngồi ở hàng ghế đầu, trên ngực áo cài đầy huân, huy chương. Khi được hỏi về cảm xúc, cụ chỉ cười hiền: “Thời trẻ chúng tôi không nghĩ nhiều, chỉ biết còn giặc thì còn đánh. Giờ được cùng con cháu sống trong cảnh yên bình thế này, thấy đời mình không uổng”. Câu nói của người Chiến sĩ Điện Biên khiến tôi rưng rưng. Phải, thế hệ cha ông ra đi không hẹn ngày trở lại, nhưng họ đã chiến đấu không vì mình mà vì tương lai con cháu. Và chúng tôi, những người trẻ hôm nay, đang sống trong chính giấc mơ mà họ từng đánh đổi máu xương để đổi lấy.
Nhưng, liệu chúng ta đã đủ biết ơn? Liệu chúng ta đã sống xứng đáng với sự hy sinh ấy? Câu hỏi ấy luôn đau đáu trong tôi mỗi dịp tháng Tư về. Bởi thực tế, trong vòng xoáy cuộc sống hiện đại, không ít người trẻ đang lãng quên lịch sử, thờ ơ với những giá trị thiêng liêng của dân tộc.
 |
Phút giải lao trên thao trường của tuổi trẻ Lữ đoàn Pháo phòng không 297, Quân khu 2. |
50 năm - Nửa thế kỷ hòa bình, là thời gian để tự hào nhưng cũng là lời nhắc nhớ, tri ân. Lịch sử không phải là câu chuyện cũ, mà là bài học sống động cho hiện tại và tương lai. Bởi nếu không biết quá khứ, chúng ta sẽ lạc lối trên hành trình phía trước.
Tháng Tư, rưng rưng một niềm tự hào, một lời biết ơn và cũng là một lời hứa: Thế hệ hôm nay và mai sau sẽ không để những hy sinh của cha ông trở thành vô nghĩa. Chúng ta sẽ tiếp bước con đường của các thế hệ đi trước bằng tri thức, bằng khát vọng và bằng cả trái tim son sắt với đất nước, quê hương!
Tùy bút của NGUYỄN HỒNG SÁNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.