Chui sâu trong lòng địch

Một ngày tháng 4-2025, chúng tôi tìm gặp ông Tư Cang tại nhà riêng. Căn nhà của ông đang ở cũng giản dị như chính cuộc đời ông, nép mình bên dòng kênh dẫn qua bán đảo Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Người vợ hiền của ông đã mất cách đây ít năm. Ở tuổi 97, ông sống một mình, được cô con gái ở gần thường xuyên hỗ trợ, chăm sóc. Tuổi cao, sức yếu nhưng ông vẫn có trí nhớ minh mẫn, rành mạch khi nhắc đến những sự kiện, dấu mốc lịch sử, những lần "vô-ra" nội thành Sài Gòn của 50-60 năm trước. 

Năm 1961, khi còn là Chính trị viên Đại đội thuộc Sư đoàn 338 đóng ở Xuân Mai, ông được điều động vào miền Nam hoạt động tình báo. Ông được đơn vị cho xe chở đến cách vĩ tuyến 17 khoảng 3-4km. Từ đó ông tiếp tục cùng đồng đội ròng rã hơn 100 ngày di chuyển đường bộ, vượt Trường Sơn vào Nam, đến Chiến khu Đ (Đồng Nai), lên Trung ương Cục miền Nam, rồi về Củ Chi. Từ Củ Chi, Hóc Môn, với cương vị Cụm trưởng Cụm tình báo H63, ông chỉ huy mạng lưới tình báo, giao thông, trong đó có Phạm Xuân Ẩn, Mỹ Nhung... tổ chức thu thập, chuyển thông tin tình báo chiến lược từ các cơ sở trong nội thành Sài Gòn ra cứ.

 Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Văn Tàu (bên trái) kể về những ngày hoạt động tình báo. Ảnh: LÊ HẢI

Năm 1965, Mỹ leo thang chiến tranh, đưa hàng trăm nghìn quân tham chiến cùng số lượng trang bị, khí tài hiện đại, công tác thu thập thông tin tình báo phục vụ cách mạng đặt ra những yêu cầu rất cao trong thời điểm này, đặc biệt là thông tin tình báo chiến lược. Biết tiếng Pháp, tiếng Anh và có nhiều kinh nghiệm, nên ông được cấp trên điều động trực tiếp vào nội thành Sài Gòn hoạt động, chỉ đạo mạng lưới tình báo H63. Từ đó, Tư Cang thường xuyên “vô-ra” Sài Gòn với nhiều vỏ bọc để dễ bề hoạt động, qua mắt địch, nào là chủ đồn điền cao su, thông dịch, người thân của những nhân vật có quyền thế, giàu sang...

Ông kể: "Mỗi lần gặp Phạm Xuân Ẩn, lúc đó là phóng viên Tạp chí Time của Mỹ, tôi thường đi ô tô, ăn mặc bảnh bao, đóng vai chủ sở cao su giàu có ở Dầu Tiếng xuống chơi. Biết Ẩn thích chơi chim nên tôi thường mang con khiếu xuống tặng, trò chuyện rôm rả khiến những kẻ gần với Ẩn không nghi ngờ gì. Những chuyến thăm như thế là dịp tôi và Ẩn bí mật trao đổi những thông tin tình báo chiến lược".

Để hoạt động bảo đảm an toàn trong nhiều năm ở nội thành Sài Gòn, Tư Cang đã phải ở nhiều nơi, với nhiều vỏ bọc, dựa vào các cơ sở là người dân trong nội thành. Ông thường nói với đồng đội, vào hoạt động ở nội thành thì cứ “coi như chết rồi”, vì cạm bẫy và hiểm nguy đều có thể ập đến bất cứ lúc nào. Nơi ông Tư Cang ở lại lâu nhất là nhà của ông Nguyễn Đăng Phong, ba của nữ biệt động Mỹ Nhung (bí danh Tám Thảo) hoạt động cùng mạng lưới Cụm tình báo H63.

Ông Đăng Phong là chủ tiệm kinh doanh vải nổi tiếng giàu có tại Sài Gòn. Mỹ Nhung là cô gái xinh đẹp, giỏi giang, có học vấn, làm phiên dịch của cơ quan tham mưu thuộc Bộ tư lệnh Hải quân ngụy. Ông Tư Cang lưu lại nhà ông Phong và tạo vỏ bọc khi là người yêu, là chồng, là anh trai của Mỹ Nhung, nên các cuộc gặp mặt, tiếp cận các đối tượng Mỹ đều không gây nghi ngờ gì và cũng dễ bề tiếp nhận những thông tin tình báo chiến lược do Mỹ Nhung thu thập được từ các sĩ quan Mỹ háo sắc. 

Trở lại chiến đấu trong ngày toàn thắng

Suốt những năm tháng hoạt động ở Sài Gòn, ông Tư Cang không thể nhớ hết những lần "vô-ra" nội thành với bao hiểm nguy. Nhưng lần trở lại Sài Gòn đáng nhớ nhất, nhiều cảm xúc nhất là lần trở lại vào những ngày thần tốc của Chiến dịch Hồ Chí Minh và trong ngày toàn thắng. Lần trở lại ấy, ông không phải mang một vỏ bọc nào, mà ở cương vị chỉ huy một đơn vị tiến công vào các điểm trọng yếu, mở đường cho các cánh quân tiến vào trung tâm Sài Gòn.

Trở lại thời điểm đầu tháng 4-1975, Trung tá Nguyễn Văn Tàu đang học lớp bổ túc cán bộ chính trị cao cấp tại Học viện Chính trị. Khóa học dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3-1976. Thời điểm này, tình hình chiến trường miền Nam liên tục giành được nhiều thắng lợi, ông Tư Cang cùng các học viên miền Nam nghe thông tin mà lòng nóng như lửa đốt, mong được về miền Nam chiến đấu.

Vào một buổi chiều, khi đang ôn bài, Tư Cang nhận được lệnh lên gặp thủ trưởng cấp trên. Ông Tư Cang nhớ lại cuộc gặp hôm ấy: "Tôi nghe truyền đạt chỉ thị của Tổng cục Chính trị, yêu cầu tôi chuẩn bị vào Nam chiến đấu. Biết tin, tôi vỡ òa vì vui sướng, nói vội lời cảm ơn rồi vội chạy về lán trại mà quên cả động tác chào thủ trưởng. Tôi vội thu xếp ít đồ đạc, tư trang rồi chia tay các học viên, trong lòng nghẹn ngào xúc động, chỉ biết thốt lên trong lúc chia tay: Về Nam, về Nam đánh giặc!".

Ngày 15-4-1975, ông Tư Cang rời Hà Nội theo Quốc lộ 1 vào Nam. Đây là lần thứ tư ông đi dọc dài đất nước với biết bao cảm xúc. Lần thứ nhất là vào tháng 8-1954, ông nhận nhiệm vụ tập kết ra Bắc. Lần thứ hai là tháng 12-1961, ông vượt vĩ tuyến 17 trở lại miền Nam hoạt động tình báo. Lần thứ ba là ngược ra Bắc học bổ túc chính ủy sư đoàn cuối năm 1973. Và lần này, khi thời cơ giải phóng Sài Gòn đã đến, đi qua những thành phố, quê hương được giải phóng, nô nức mừng vui, ông trở lại miền Nam với những cảm xúc đặc biệt.Tình hình chiến trường miền Nam đang có lợi cho ta, đó là lý do Tư Cang đang học dở dang nhưng được cấp trên điều động trở lại Sài Gòn, tham gia chiến đấu, bởi ông là người có nhiều năm hoạt động ở nội thành Sài Gòn, rất am hiểu, nắm bắt thông thạo đường sá, các trọng điểm cũng như tình hình nội thành.

Khi vào đến miền Nam, Tư Cang được bổ nhiệm Chính ủy Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động, Bộ Tham mưu Miền (B2), có nhiệm vụ tiên phong đánh chiếm các cứ điểm quan trọng của địch, mở đường cho các đơn vị chủ lực đánh vào Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ở cương vị ấy, ông đã lãnh đạo, chỉ huy đơn vị đánh chiếm và giữ cầu Rạch Chiếc, cửa ngõ nội thành Sài Gòn ở hướng Đông suốt từ ngày 27 đến sáng 30-4, đập tan lực lượng địch tập trung cố thủ tại đây, mở đường cho Quân đoàn 2 tiến thẳng vào đánh chiếm các cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống ngụy Dương Văn Minh và nội các Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt chế độ ngụy quyền, tay sai.

Cháy mãi và lan tỏa hào khí cách mạng

Bóng chiều tháng tư đổ xuống dòng kênh cuộn chảy làm không gian như dịu lại sắc nắng giao mùa. Từ cầu kinh Thanh Đa nhìn về phía trung tâm thành phố, cao vút những tòa nhà san sát. Thành phố đang ăm ắp sức vươn, động lực phát triển trong giai đoạn mới. Ông Tư Cang nói với chúng tôi: "Kháng chiến gian lao, chiến tranh kết thúc với chiến thắng 30-4 đã đánh đổi biết bao hy sinh, mất mát của dân tộc để có ngày hôm nay, non sông nối liền một dải".

Ở độ tuổi gần bách niên nhưng ông Tư Cang vẫn luôn minh mẫn, chăm chỉ viết lách. Hằng ngày, ông đọc báo, viết sách, hoặc tham gia kể chuyện truyền thống tại các trường học, đơn vị Quân đội, trả lời phỏng vấn các cơ quan báo chí... Ông viết nhiều tác phẩm có giá trị, kể lại những năm tháng hào hùng của quân và dân ta như: “Sài Gòn Mậu Thân 1968”; “Tình báo kể chuyện”; “Nước mắt ngày gặp mặt”; “Trái tim người lính”; “Bến Dược vùng đất lửa”; “Hoàng hôn trên chiến trường”... Dịp này, ông như càng bận rộn hơn. Ông bảo: "Mình viết, mình kể cũng chỉ mong bọn trẻ, thế hệ bây giờ hiểu hơn về lịch sử, sự hy sinh, mất mát của cha anh, để tự hào, để cống hiến cho đất nước. Hòa bình hay chiến tranh có những bối cảnh, hoàn cảnh, điều kiện khác nhau, nhưng miễn là mình yêu quê hương, đất nước, tự hào, hiểu thấu giá trị lịch sử cách mạng thì tự thân sẽ có những cách cống hiến thiết thực cho quê hương, đất nước. Tôi già rồi, sức trẻ và sự cống hiến cháy bỏng nhất cũng đã gửi lại trong những năm tháng kháng chiến. Giờ còn sức, còn thời gian thì kể lại, viết lại để mọi người đọc, thêm hiểu giá trị của hòa bình, thêm hiểu truyền thống đấu tranh với bao hy sinh, mất mát của cả dân tộc để giành được độc lập, hòa bình, thống nhất".

Ông đọc tặng chúng tôi bài thơ: “Tâm sự người lính già” do ông viết cách đây vài năm. Bài thơ đúc kết không chỉ cuộc đời ông mà như chung cho cả thế hệ sống và cống hiến cho cách mạng, gửi gắm niềm tin đến thế hệ trẻ. Bài thơ cùng những lời kể, cuốn sách ông đã viết về những năm tháng sục sôi như ngọn lửa cháy mãi, lan tỏa hào khí cách mạng cùng với sự phát triển, đi lên của thành phố.

ĐẶNG BẢO MINH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục 50 năm đại thắng mùa Xuân 1975 xem các tin, bài liên quan.