Sinh năm 1953, tại Hà Nội, từ nhỏ, Trần Mạnh Tuấn đã nuôi dưỡng niềm đam mê sâu sắc với hội họa. Dù không dấn thân vào con đường nghệ thuật nhưng ngọn lửa đam mê nghệ thuật luôn cháy bỏng và đồng hành với ông qua từng năm tháng.
Năm 1972, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Trần Mạnh Tuấn lên đường nhập ngũ. Đến năm 1975, ông tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh và đảm nhận nhiệm vụ ký họa để phục vụ tư liệu chiến tranh. Nhà báo Trần Mạnh Tuấn đã ghi lại những quang cảnh lịch sử của Đại thắng mùa xuân-hình ảnh quân và dân ta tiến về Sài Gòn, những đoàn xe tăng dũng mãnh lăn bánh trên đường phố...
 |
Ký họa xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập của nhà báo Trần Mạnh Tuấn. |
Có mặt trực tiếp tại chiến trường, ông quan sát, phác thảo bố cục và ghi chép chi tiết vào sổ tay. Sau đó, nhờ trí nhớ tốt, ông đã tái hiện khung cảnh một cách sống động, hoàn thiện tranh với độ chân thực cao và cảm xúc sâu sắc. “Tôi hiểu rằng công chúng của mình là quần chúng nhân dân. Vì vậy, tôi không thể áp dụng trường phái trừu tượng trong những bức tranh”, nhà báo Trần Mạnh Tuấn chia sẻ.
Một trong những ký họa quan trọng nhất trong sự nghiệp của nhà báo Trần Mạnh Tuấn là bức tranh tái hiện khoảnh khắc xe tăng húc đổ cổng dinh Độc Lập-thời khắc đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của ngụy quyền Sài Gòn và khép lại cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kéo dài hơn hai thập kỷ của quân và dân ta. Với ông, đây là một phần ký ức sống động mà ông có vinh dự được chứng kiến và ghi lại bằng đường nét, màu sắc. Từ những chi tiết chân thực, ông đã tái hiện toàn cảnh với tinh thần khẩn trương, khí thế sục sôi của ngày chiến thắng.
Một tác phẩm tâm đắc khác của ông là “Dọc xa lộ Sài Gòn tháng 4-1975”, tái hiện không khí hỗn loạn của đối phương khi Quân giải phóng tiến vào đầy khí thế với đội hình nghiêm trang. Nhà báo Trần Mạnh Tuấn chia sẻ: “Tôi đặc biệt nhấn mạnh vào dải phân cách, chia đôi hai thái cực đối lập cùng xuất hiện trong một khung cảnh, tạo nên bức tranh lịch sử đầy ám ảnh mà chỉ những người có mặt ở đó mới có thể miêu tả lại được”. Những hình ảnh ấy như sống dậy qua từng nét vẽ, vang vọng tiếng hò hét, tiếng động cơ gầm rú, hòa cùng cơn gió cuốn theo bụi mịt mù, tất cả được tái hiện trong bức tranh với chất liệu đơn sơ và gam màu tối giản của nhà báo Trần Mạnh Tuấn.
Sau chiến tranh, Trần Mạnh Tuấn theo học báo chí và trở thành phóng viên của Báo Pháp luật Việt Nam. Công việc làm báo bận rộn, song ông vẫn tiếp tục niềm đam mê vẽ tranh. Trong đó, ông chú trọng sáng tác nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ những chiến công của Quân đội ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
HIỀN ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.