Qua giới thiệu, tôi tìm đến căn nhà số 82 Thợ Nhuộm, Hà Nội. Đón ở ngoài cửa, ông Lê Huy Tuấn, con trai họa sĩ Lê Huy Toàn bắt tay tôi niềm nở. Bỏ lại những ồn ào nơi phố thị, lần theo những bậc cầu thang để bước vào một thế giới riêng với sắc màu, cọ nước, tranh lớn, nhỏ đủ loại, tôi như đi ngược thời gian để thấy được lịch sử hào hùng của dân tộc. Những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ được tái hiện chân thực, sống động qua những bức vẽ. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước gia tài đồ sộ bằng tranh của họa sĩ Lê Huy Toàn. Hàng nghìn bức ký họa, tranh vẽ được treo dọc cầu thang và lưu trữ trong căn phòng lớn.

leftcenterrightdel
 Tác phẩm “Đèo Pha Đin” của họa sĩ Lê Huy Toàn được in trong sách ảnh "Việt Nam anh hùng ca". 
leftcenterrightdel
Tác phẩm “Tổng công kích Điện Biên Phủ” của họa sĩ Lê Huy Toàn được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. 

Ông Tuấn cẩn thận tìm lại một số tranh tiêu biểu để tổ chức triển lãm nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thế rồi ông kể về cuộc đời của cha mình với lòng tôn kính.

Họa sĩ Lê Huy Toàn là con trai thứ trong một gia đình khá giả ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc). Thuở thiếu thời, Lê Huy Toàn rất mê nghệ thuật. Năm 17 tuổi, Lê Huy Toàn gia nhập Quân đội, trở thành chiến sĩ của Trung đoàn Sông Lô. Cùng các văn nghệ sĩ như nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Mai Văn Hiến... ông tham gia chiến đấu trên sông Lô, Chiến dịch Biên giới và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ở chiến dịch này, ông tận mắt chứng kiến những gì đã xảy ra trong suốt 56 ngày đêm. Đó là cảnh trận địa mịt mù khói lửa ở Him Lam, Bản Kéo, Mường Thanh, Đồi C1, đồi A1. Hình ảnh bộ đội anh dũng chiến đấu, dân công mở đường, tiếp tế, bác sĩ cứu chữa thương binh, những tên giặc thất trận bạc nhược...

Qua những nét ký họa nhanh, người xem có thể cảm nhận được tính chất ác liệt của cuộc chiến với đạn bom, khói lửa, hy sinh. Nhưng ở đó cũng có những điều rất giản dị, đời thường: Nắm cơm bên chiến hào, bát nước mời đồng đội, tiếng hát dưới hầm pháo... Trong gia tài của họa sĩ Lê Huy Toàn còn có bộ tem kỷ niệm lấy ý tưởng từ Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Họp Bộ Chính trị, Hành quân ra trận, Dân công hỏa tuyến, Kéo pháo, Bắn rơi máy bay địch, Đánh chiếm cứ điểm. Các mẫu tem được ông tái hiện qua những phác họa ở sổ tay. Từ những con tem nhỏ và các bức ký họa, họa sĩ Lê Huy Toàn đã nâng lên thành bức tranh hoành tráng dài 8m với tựa đề “Lịch sử Điện Biên Phủ”.

Kể chuyện bằng tranh giúp thế hệ trẻ có được những cảm nhận chân thực về lịch sử dân tộc. Bằng trải nghiệm thực tế, bằng ký ức của một cựu chiến binh và đôi bàn tay tài hoa suốt cuộc đời cầm cọ vẽ, họa sĩ Lê Huy Toàn đã sáng tạo nên cuốn truyện tranh lịch sử “Kể chuyện Điện Biên Phủ” với 50 bức tranh tái hiện diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cuốn truyện tranh được Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản và tái bản phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho học sinh.

Lưu giữ gia tài tranh đồ sộ của cha, ông Lê Huy Tuấn mong muốn được lan tỏa những tác phẩm vẽ về Điện Biên Phủ tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước, để thế hệ hôm nay thêm hiểu về giá trị lịch sử qua hội họa, đồng thời có những ghi nhận xứng đáng với đóng góp của họa sĩ Lê Huy Toàn cho nền mỹ thuật Việt Nam.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.