Mặc cho bom rơi, đạn nổ, với những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi như Nguyễn Cao Vãng ngày ấy thì con đường nào, mùa nào ra trận cũng đều đẹp, đều sục sôi trong huyết quản mỗi người.
“Đó là sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Lớp lớp thanh niên chúng tôi thời ấy vui biết bao khi được lên đường ra mặt trận, góp sức mình đánh đuổi quân thù. Lớp trước ngã xuống, lớp sau tiếp bước. Vượt lên những mất mát, hy sinh của đồng chí, đồng đội, vượt lên mưa bom bão đạn của quân thù, chúng tôi vẫn ngày đêm làm đường, phá bom, thông đường cho từng đoàn xe qua trên Đường 20 tháng 7 huyền thoại”, ông Nguyễn Cao Vãng xúc động chia sẻ.
 |
Cựu thanh niên xung phong Nguyễn Cao Vãng kể lại những năm tháng ở chiến trường. |
Khi đế quốc Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược nước ta, cả nước sôi sục với tinh thần “quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Hưởng ứng Phong trào “Ba sẵn sàng”, tháng 5-1965, Nguyễn Cao Vãng trong đội hình hơn 2.000 thanh niên Hà Nội xung phong vào “tuyến lửa” Khu 4 và được biên chế về Đội TNXP 41.
Trước đòi hỏi của chiến trường, giữa năm 1967, Nguyễn Cao Vãng cùng 200 TNXP của Hà Nội được lựa chọn để thành lập Đại đội Xung kích Thăng Long với phiên hiệu C343-N37 vào tham gia mở Đường 20 tháng 7 (đoạn gần ranh giới Quảng Bình-Quảng Trị), còn gọi là Đường 10 Đông Trường Sơn. “Chúng tôi vào Đường 20 tháng 7 từ giữa năm 1967, cùng các đơn vị ngành giao thông, công binh khẩn trương phát tuyến, đánh bộc phá mở đường. Khi phát hiện ta đã mở tuyến đường quan trọng này, địch ngày đêm đánh phá ác liệt. Chúng dùng máy bay OV-10, trực thăng, cây nhiệt đới trinh sát, theo dõi; huy động các loại máy bay F-4, F-5, B-52 cùng nhiều loại bom như: Bom phát quang, bom napalm, bom phá, bom nổ chậm, bom từ trường, bom lá, bom vướng nổ nhằm tiêu diệt sinh lực ta, quyết ngăn chặn ta mở tuyến đường huyết mạch”, cựu TNXP Nguyễn Cao Vãng hồi tưởng.
Sự tàn phá của bom thù khiến những tuyến đường xác xơ, hố bom dày đặc. Trong ký ức của ông, có ngày máy bay B-52 đánh từ 4 đến 5 lần, Đại đội hy sinh tới 10 người. Các đơn vị mở đường thiếu lương thực, nhiều khi phải đi hái rau tàu bay, tìm củ mài, lá môn thục... để ăn qua bữa; nhiều người sốt rét xanh xao tưởng không qua khỏi.
Khi địch thả nhiều loại bom xuống Đường 10 khiến xe chở hàng chi viện cho chiến trường miền Nam ùn đọng hàng cây số, Đại đội Xung kích Thăng Long đã thành lập Đội phá bom cảm tử, trong đó có đồng chí Nguyễn Cao Vãng. “Đội chúng tôi làm nhiệm vụ ròng rã hàng năm trời phá gỡ các loại bom nổ chậm. Nhiều lần đi phá bom, Chi bộ của Đại đội đều tổ chức lễ “truy điệu sống” cho chúng tôi”, ông Vãng nhớ lại.
Khốc liệt, gian khổ, hy sinh, mất mát và luôn được đồng đội “truy điệu sống” nhưng Nguyễn Cao Vãng cũng như bao đồng đội khác vẫn lạc quan, tin tưởng vào một ngày miền Nam được giải phóng. 50 năm đã trôi qua, nay nhắc lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ nhiệt huyết, ông trân quý biết bao khi thanh xuân của mình được góp một phần nhỏ bé cho nước nhà thống nhất.
Bài và ảnh: DUY THÀNH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.